Kính thưa quý thính giả, liệu sự suy thoái về sức khỏe hoặc sự
ra đi vĩnh viễn của “Hoàng Đế” Nguyễn Phú Trọng có đưa đến khủng hoảng
quyền lực bên trong đảng CSVN hay không? Mời quý thính giả đài ĐLSN
nghe phần Bình Luận của Phạm Chí Dũng với tựa đề: ‘Trọng bệnh’ và tương quan quyền lực ở Ba Đình, sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối nay.
Phạm Chí Dũng
Cú đổ bệnh đột ngột của ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng ngay tại vùng
‘căn cứ địa cách mạng gia tộc Nguyễn Tấn Dũng’ vào ngày 14 Tháng Tư 2019
(trùng với ngày sinh nhật) có thể được xem là một bước ngoặt lớn về thế
tương quan quyền lực trong chính trường Việt Nam.
Trước cú đổ bệnh đúng quy trình ‘sinh lão bệnh tử’ trên, quyền lực
không chỉ được phân bổ theo chế độ trung ương tập quyền vào tay Hà Nội
mà còn là cá nhân độc tài – biểu hiện qua chủ trương ‘nhất thể hóa’ từ
cấp trung ương xuống các địa phương được đảng cầm quyền rốt ráo triển
khai từ năm 2017 mà đã mang lại quyền lực cho ‘đảng không làm thay mà
đảng làm luôn.’
Nhưng đặc biệt, ngoạn mục và gây tai tiếng nhất là Nguyễn Phú Trọng
đã tự biến ông ta thành nhân vật quyền lực nhất khi ‘nhất thể hóa’ cả
hai ghế tổng bí thư và chủ tịch nước ngay sau khi Trần Đại Quang lìa
đời.
Nhưng cho dù quyền lực có thể được kéo dài vĩnh viễn bằng cách sửa
đổi hiến pháp, theo cái cách mà Tập Cận Bình đã áp đặt quốc vụ viện
Trung Quốc ‘cải tạo’ hiến pháp để không giới hạn nhiệm kỳ của chủ tịch
nước, mà về thực chất đã cho Tập cái quyền trở thành ‘hoàng đế suốt
đời’, chẳng kẻ nào chống lại được quy luật lão hóa, bệnh tật và tử thần
nhòm ngó.
Cơn bạo bệnh xảy đến với Nguyễn Phú Trọng, đúng vào lúc ông ta đang ở
đỉnh cao quyền lực, xứng đáng là một thách thức khủng khiếp đối với ông
Trọng là có nên hoặc có buộc phải rời bỏ quyền lực để giữ sinh mạng hay
không?
Từ khoảng cuối năm 2018, bắt đầu xuất hiện một thông tin ngoài lề đầy
gợi cảm và biến động: có một khả năng là Nguyễn Phú Trọng sẽ chuyển
giao quyền lực tổng bí thư cho một người thân tín, chẳng hạn như Trần
Quốc Vượng, mà chỉ ngồi ghế chủ tịch nước.
Còn giờ đây, ai cũng nhìn thấy ‘Cụ tổng’ không còn hồng hào như trước
và khó còn có thể đi đây đi đó hô hào về ‘không biết đến cuối thế kỷ
này có được chủ nghĩa xã hội hoàn thiện không’, thậm chí ngay cả thói
quen tiếp xúc ‘cử tri trung thành’ cũng có thể bị vấn đề sức khỏe của
‘cụ’ khiến cho lơi lỏng không ít.
Và ai cũng nhìn thấy trước là ‘sinh lão bệnh tử’ sẽ chẳng chừa ai, cho dù có là ‘hoàng đế’ chăng nữa.
Bất cứ một chính trị gia nào một khi bị cơn đột quỵ quật ngã thì
quyền lực sẽ tự nhiên biến mất. Thay vào đó là hình ảnh quyền lực bị
phân ly, hoặc tản quyền, hoặc một cái tên mỹ miều nào đó nhưng thực chất
phải là chia quyền cho những kẻ khác.
Hẳn nhiều người đang muốn được thừa kế một mảnh quyền lực, hoặc tham vọng hơn hẳn là thay thế ‘cụ’.
Nếu đến một lúc nào đó Nguyễn Phú Trọng không chỉ có ý định mà còn
buộc phải tự nguyện nhường lại cái ghế tổng bí thư cho người khác, hai
ứng cử viên hàng đầu đã hoặc được sắp sẵn, hoặc cố ngoi lên vị trí sắp
sẵn đó: Trần Quốc Vượng và Nguyễn Xuân Phúc.
Nhưng ba dấu hiệu mà Trọng phải dần chuyển giao quyền lực cho cấp
dưới trong thời gian ông ta bị ‘đột quỵ’ – cho Trần Quốc Vượng điều hành
về mặt đảng và tiếp đoàn thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, cho Đặng Thị Ngọc Thịnh
để thay chủ tịch nước tiếp khách quốc tế, và cho Nguyễn Xuân Phúc thay
Trọng đi dự Hội nghị BRI (hội nghị thượng đỉnh sáng kiến một vành đai,
một con đường) ở Bắc Kinh – đã cho thấy dù muốn hay không, quyền lực của
‘Tổng tịch’ đang phải tự suy giảm như một quy luật tất yếu.
Không biết vô tình hay hữu ý, trong thời gian đó đã xuất hiện một
biểu hiện rõ rệt về ‘tăng quyền cho thủ tướng’ – được đề xuất từ khối
chính phủ. Cũng trong thời gian đó, phía Quốc hội của Nguyễn Thị Kim
Ngân có vẻ vang vọng tiếng nói hơn là thói ‘gật’ trước đây theo ý chỉ
của đảng. Một cách không tuyên bố, thế cục bàn cờ chính trị Việt Nam
đang lặng lẽ chuyển sang ‘tam quyền phân lập’.
Nhưng không phải tam quyền phân lập theo cách của nền dân chủ và kỹ
trị phương Tây, một sự phân công quyền lực và giám sát quyền lực lẫn
nhau và khoa học giữa 3 khối lập pháp, tư pháp và hành pháp. Mà cái được
xem là ‘tam quyền phân lập’ ở Việt Nam sẽ là khuynh hướng giãn cách hóa
và khu biệt hóa giữa khối hành pháp, lập pháp với khối đảng.
Não trạng và thói hành xử ‘đảng quyết định tất cả’ và sau này là
‘đảng không làm thay mà làm luôn’ sẽ dần bị phản ứng từ kín đáo đến lộ
liễu và quyết liệt.
Trong trường hợp căn bệnh ‘đột quỵ’ chỉ ở mức nhẹ nhàng và ‘được sự
chăm sóc tận tình của đội ngũ bác sĩ y tá và gia đình’, Nguyễn Phú Trọng
vẫn phải mất tối thiểu vài ba tháng mới có thể quay trở lại điều hành
tại vị trí ‘tổng tịch’.
Nhưng ngày càng lộ ra rõ hơn nguy cơ cảnh báo chứng xuất huyệt não
rất có thể sẽ tái diễn một cách tàn tệ nếu Trọng phải động não quá mức.
Có quá nhiều điều kiện tiếp xúc với Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe
trung ương, hẳn các quan chức còn lại trong ‘tam trụ’ và những ủy viên
bộ chính trị khác đều cảm nhận về thời của Nguyễn Phú Trọng đã sang bên
kia núi.
Bên này núi, cuộc chạy đua máu lửa bắt đầu, cả bề nổi lẫn bề chìm…
Ngay cả khi Nguyễn Phú Trọng còn tập quyền cá nhân, vẫn diễn ra những
trận sát phạt khá ác liệt cho vị trí ‘lãnh đạo chiến lược’. Còn khi
Trọng bắt đầu có dấu hiệu ‘xuôi tay’, chẳng còn gì có thể kềm giữ những
trái tim nóng nảy và cái đầu lạnh toát nữa.
Ngay trước mắt là thế ‘tam quyền phân lập’, hoặc còn có thể được xem
là ‘tam quốc’, trước khi tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc vào thời
loạn ly chính trị, cát cứ quyền lực và sứ quân địa phương./.
No comments:
Post a Comment