Kính thưa quý thính giả, tư bản đỏ Formosa đã
mua chuộc thượng tầng cơ sở của toàn bộ Đảng CSVN và người dân miền
Trung Việt Nam có tiềm năng trở thành nạn nhân của thảm họa ung thư phát
xuất từ môi trường ô nhiễm. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Mặc Lâm với tựa đề: “Formosa, bứu ung thư ác tính trên cơ thể Việt Nam” sẽ được Hướng Dương trình bày để kết thúc chương trình phát thanh DLSN tối hôm nay.
Mặc Lâm
Ngày 6 tháng 4 năm 2019 Giám đốc Công an Hà Tĩnh gửi UBND Hà Tĩnh
công văn số 495/CAT-CSMT được nhiều tờ báo trong nước đăng lại với cái
tựa: “Công an Hà Tĩnh bó tay với Formosa” có nội dung Formosa Hà Tĩnh
đang thải ra 14 nhóm chất thải với 64 danh mục của hàng nghìn chất thải
khác nhau tất cả đều rất độc hại cho sức khỏe con người. Tuy nhiên
Formosa Hà Tĩnh không hợp tác với cơ quan chức năng để theo dõi xử lý
mặc dù cảnh sát điều tra môi trường đã gửi văn bản yêu cầu Formosa nhiều
lần phải báo cáo các chất thải gây nguy hại.
Sau ba ngày bài báo này đã bị gỡ tuy nhiên trên nhiều cơ quan truyền
thông hải ngoại lẫn mạng xã hội đều lan truyền thông tin này như một
bằng chứng cụ thể do công an xác định về hành vi xả chất thải công
nghiệp gây tác hại trực tiếp cho môi trường mà người dân sống gần là
những nạn nhân đầu tiên.
Người dân cà nước còn nhớ vụ hàng ngàn người dân Thị xã Kỳ Anh tập
trung đông chưa từng có trước cổng chính của tập đoàn Formosa vào sáng
ngày 2 tháng10 năm 2016 yêu cầu trả lại biển sạch cho họ sau khi phát
hiện Formosa đã thải hàng tấn hóa chất độc công nghiệp gây ra cái chết
hàng loạt cho cá ven biển trải dài hơn ba cây số. Tiếp theo sau đó là
hàng loạt vụ biểu tình đòi bồi thường thiệt hai cho dân chúng cũng như
đòi chính quyền phải đóng cửa nhà máy này vì hóa chất cũng như khí thải
của nó gây bệnh tật cho người dân địa phương và vùng phụ cận. Trước sức
ép của dư luận và các cuộc biểu tình không ngưng nghỉ, Công ty Formosa
Hà Tĩnh thừa nhận gây ra vụ cá chết hàng loạt ở bốn tỉnh ven biển miền
Trung Việt Nam và đồng ý bồi thường 500 triệu đôla cho chính phủ Việt
Nam.
Mức bồi thường 500 triệu đô la dành cho 3 vấn đề: thiệt hại của người
dân, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và bồi thường phục hồi môi trường
biển cho 4 tỉnh bị ảnh hưởng chính là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và
Thừa Thiên−Huế là gần 4 triệu người. Số tiền nhỏ nhoi ấy cũng không được
tới tay nạn nhân mà hầu như có khiếu kiện mới được lãnh tiền. Cách giải
quyết quan liêu này một lần nữa gây bức xúc cho dân chúng khiến hàng
chục cuộc biểu tình đòi công bằng lại nổ ra giữa lúc biển tiếp tục chết,
bầu trời Kỳ Anh Hà Tĩnh tiếp tục nhận luồng khói của nhà máy thép
Formosa gây không biết bao nhiêu di hại cho sức khỏe người dân.
Formosa có Tổng diện tích thực hiện dự án hơn 3.300ha, bao gồm diện
tích đất liền hơn 2.025ha và diện tích mặt nước hơn 1.293ha (cảng Sơn
Dương). Thời gian thuê đất là 70 năm, tiền thuê đất 96 tỷ đồng cho toàn
bộ thời gian thuê. Không cần phải là một kỹ sư hay tiến sĩ, người dân
cũng thấy rõ, mức giá này quá rẻ, gần như cho không.
Không phải chính phủ Việt Nam không biết thành tích của Formosa đối
với gây nguy hại môi trường biển. Gần nhất là bài học của Campuchia, năm
1998, Formosa đã thải 3.000 tấn chất thải hóa học ra vịnh Thái Lan, gần
cửa biển Sihaoukville và bị buộc phải bồi thường 13 triệu đô la. Năm
2009, tập đoàn này đã “vinh hạnh” nhận giải “Hành tinh đen” do Ethecon,
tổ chức bảo vệ môi trường của Đức dành cho những cá nhân/tổ chức “đóng
góp” vào việc phá hủy môi trường “trao tặng. Tại Đài Loan nơi mà Formosa
được sinh ra không ít lần nó bị đồng hương biểu tình đòi giải thể vì
cách làm ăn thiếu lương thiện của nó. Tại Mỹ, nơi môi trường được giữ
kín kẽ nhất thế giới đã cho Formosa rất nhiều bài học khi tập đoàn này
có hành vi khuất tất trong việc gây nguy hiểm môi sinh.
Một năm sau khi sự cố Formosa xảy ra, ngày 25 tháng 07 năm 2017, Báo
Tiền Phong có đăng bài viết: “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với
Formosa: Nếu lại vi phạm, nhất quyết đóng cửa.” Cụ thể, Thủ tướng đã
nhấn mạnh rằng: “Tinh thần lớn là nếu không an toàn thì không sản xuất”
và “Nếu vi phạm trở lại thì phải đóng cửa nhà máy này”.
Và hai năm sau, lời của Thủ tướng đương nhiệm có vẻ bị Formosa thách
thức thông qua công văn của Công an tỉnh Hà Tĩnh “kêu cứu” chính phủ vì
cung cách bất tuân pháp luật mà tập đoàn này đang hành xử.
Nếu công an Hà Tĩnh bức xúc một thì dân chúng tại khu vực bị ảnh
hưởng có lẽ bức xúc đến mười. Sức khỏe gia đình họ bị đe dọa nghiêm
trọng, công ăn việc làm của họ kể như trở về con số không và tương lai
cuộc sống của gần hai triệu con người trực tiếp bị ảnh hưởng sẽ ra sao
nếu hàng ngàn tấn hóa chất len lỏi vào nguồn nước biển?
Ai là người trách nhiệm khi vận động chính phủ cung cấp giấy phép cho
tập đoàn Formosa vào Việt Nam để lại di chứng khó xóa sạch trên bản đồ
môi sinh của thế giới?
Chính là ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban
Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 13, khóa 14
người chính thức đặt bút ký đầu tiên khi đề nghị chính phủ Nguyễn Tấn
Dũng duyệt xét. Người trách nhiệm thứ hai là Bộ trưởng Tài nguyên – Môi
trường Trần Hồng Hà, đáng ra phải cho khảo sát dự án lại nhanh chóng cho
phép Formosa được sinh ra. Đứa con thiếu tháng ấy bây giờ đã trở thành
một bứu độc ung thư gây lo sợ cho hàng triệu người Việt Nam không những
chung quanh nó mà có lẽ sẽ di căn trên khắp nước.
Ông Võ Kim Cự thì bặt vô âm tín, nhưng ông Trần Hồng Hà vẫn còn đó
trên chiếc ghế Bộ trường Bộ Tài nguyên Môi trường và sáng ngày 5 tháng 6
năm 2018, trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội, ông Trần Hồng Hà
khẳng định về việc xả thải của nhà máy Formosa “đảm bảo an toàn về môi
trường”.
Là một Bộ trưởng phụ trách môi trường, tức là lá phổi của toàn dân
Việt Nam nhưng cung cách mà ông Hà nói trước Quốc hội khiến người ta khó
thể tin nổi vào lúc ấy cho đến gần một năm sau thì Công an tỉnh Hà Tĩnh
xác nhận những khẳng định của ông Bộ trường là hoàn toàn dối trá.
Trên lá phổi của Việt Nam đã đóng dấu ấn có hình dạng Formosa và di
chứng của nó liệu kéo dài tới bao lâu sau khi ông Trần Hồng Hà lại hạ
cánh an toàn như Võ Kim Cự?
No comments:
Post a Comment