Kính thưa quý thính giả, thời gian càng chồng chất thì những nỗi oán hận trong lòng dân từ quá khứ không vơi đi mà trái lại còn nặng nề thêm, chất chứa thêm trước sự diệt vong được thấy rõ qua sự bán nước của tập đoàn csVN nô lệ. Để tiếp nối chương trình hôm nay qua tiết mục Đất Nước Đứng Lên, mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi bài viết “Ba mươi tháng Tư không chỉ là chuyện quá khứ” của Mạnh Kim qua sự trình bày của Khánh Ngọc.
Mạnh Kim.
Trong khi trong nước giăng ra cờ phướn “Mừng ngày giải phóng thống
nhất đất nước” thì người Việt hải ngoại tại nhiều nước lại mặc niệm
“Ngày Quốc hận”. Khi những câu chuyện “chiến thắng” của phía “bên này”
được đắc ý tung ra thì “bên kia” người ta nhắc nhau những bi kịch không
thể quên trong nhà tù cộng sản lẫn những giọt nước mắt cay xót của lớp
lớp thuyền nhân. Bốn mươi bốn năm sau ngày 30-4-1975, oán hận bây giờ
còn được chất thêm, không chỉ với gánh nặng quá khứ…
Với bài Xuyên tạc lịch sử chính là phá hoại tương lai, báo Quân Đội Nhân Dân ngày 22-4-2019 đã nã phát đạn “chào mừng ngày thống nhất” theo chỉ đạo Tuyên giáo. Bài báo viết:
“Cứ đến dịp kỷ niệm 30-4 hằng năm, lại xuất hiện những cụm từ cũ
rích, cố tình tô vẽ lại những quan điểm sai lầm. Gần đây, trên một trang
xưng là của cộng đồng người Việt ở nước ngoài vẫn nhắc lại những từ ngữ
như “tháng Tư là tháng “vo gạo bằng nước mắt”, “mùa quốc hận-tháng tư
đen”. Nhiều trang mạng viết coi cuộc kháng chiến thực chất chỉ là nội
chiến, là chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh ý thức hệ nên không có gì
đáng tự hào.
Với bài báo trên cho thấy, chiến tuyến “quốc-cộng” vẫn còn sờ sờ.
Phân biệt “địch-ta” giữa những người mang chung dòng máu vẫn không hề
biến mất. Lòng hận thù và nghi kỵ vẫn chưa nguôi.
Bốn mươi bốn năm qua, chưa có dịp 30-4 nào mà vấn đề hòa hợp-hòa giải
được chính thức đặt ra. Bất luận nhai đi nhai lại rằng “Hòa hợp, hòa
giải dân tộc là một chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà
nước ta, được nhân dân Việt Nam, bạn bè quốc tế công nhận” – như được
lặp lại lần nữa trong bài viết trên tạp chí Quốc Phòng Toàn Dân ngày
22-3-2019, chưa thời điểm 30-4 nào mà những kẻ “chiến thắng” mời người
“thua cuộc” trở về cùng ngồi trên một bàn với nghị trình và lộ trình xóa
bỏ hận thù quá khứ để xây dựng tương lai chung. Chế độ cộng sản, từ
1975 đến nay, vẫn giương súng bắn vào “kẻ thù quá khứ”, trong khi luôn
tránh né nguồn gốc và nguyên nhân tại sao “bọn phản động và lưu vong người Việt” cứ mãi “khơi
gợi hận thù”. Những cái chết vùi thây trong trại “cải tạo” hay cảnh
người ăn thịt người trong các chuyến vượt biên liệu có thể được xóa toẹt
đi, khi mà, thậm chí một lời xin lỗi còn chưa được đưa ra?
Bốn mươi bốn năm dẫn dắt đất nước “mở nền thái bình muôn thuở”, “chế
độ mới” đã thay thế “chế độ cũ” bằng gì? Một nền chính trị “bát nháo,
đảo chính triền miên” với hệ thống chính quyền “tham nhũng tận cùng”,
như cách mà hai nền Đệ nhất và Đệ nhị VNCH được hệ thống tuyên truyền
cộng sản mô tả, đã được thay bằng một chính thể tham nhũng tệ hại gấp
bao nhiêu lần? Chế độ mới không chỉ có một “gia đình trị” mà nhan nhản
“gia đình trị”. Nền chính trị “chế độ mới” chưa từng xảy ra đảo chính
nhưng các cuộc thanh trừng chặt chém phe nhóm bây giờ đã trở thành “trò
chơi vương quyền” ngày càng khốc liệt lôi kéo sự theo dõi hồi hộp trong
hứng thú của “một bộ phận không ít người dân”. Đằng sau bức màn nhung
của cuộc chiến cung đình, người dân mặc tình đồn đoán ai lên, ai xuống;
thậm chí ai giết ai và kẻ nào chết vì bị đầu độc gì. Một nền chính trị
như thế có thể được gọi là “ổn định”chăng?
“Cái gọi là “tự do báo chí của VNCH” như một số kẻ vẫn rêu rao thực chất chỉ là lừa bịp, giả dối” – báo Nhân Dân (trong bài Sự thật không thể chối cãi,
số ra ngày 31-8-2018) đã viết. Tuy nhiên, hệ thống “báo chí cách mạng”
của chế độ cộng sản có sự kiện nào tương tự “Ngày Ký giả đi ăn mày” như
miền Nam trước 1975 để phản đối kiểm duyệt báo chí? Chế độ mới không
“lê máy chém đi khắp miền Nam” nhưng họ kéo máy ủi đi khắp tỉnh thành cả
nước trong các vụ cưỡng chiếm đất đai. Chế độ mới đã thay nền giáo dục
VNCH từng được đánh giá cao nhất nhì Đông Nam Á thành một môi trường
giáo dục bệ rạc cùng tình trạng suy thoái đạo đức tuột xuống tận cùng…
bốn mươi bốn năm đằng đẵng đã đạt được những “thành tích” như thế, trong
tiếng vỗ tay tự huyễn và trong sự mỉa mai của người dân khi họ cười cợt
với những “tự hào quá, Việt Nam!”…
Ba mươi tháng Tư bây giờ không chỉ là sự nhắc lại quá khứ. Nó còn là
dịp nhìn lại quê hương hiện tại với sự tự vấn rằng “Việt Nam quê hương
tôi” sẽ tiếp tục điêu tàn và tan hoang đến mức nào, để người dân lại nổi
điên trước sự hỗn loạn giáo dục, để những tiếng than van vận nước nổi
trôi trước sự thao túng của “người anh em” Tàu cộng lại cất lên không
ngưng, để cơn tức giận lại nổ bùng trước sự chứng kiến các vụ lũ lượt
tháo chạy ra nước ngoài của “cán bộ cộng sản” nhằm tránh “thụ hưởng”
những “thành tựu” mà “Đảng quang vinh” của họ mang lại. “Hận thù 30-4”
giờ đây không chỉ liên quan quá khứ và sự cần thiết của việc chíng
thức biểu lộ sự chuộc lỗi quá khứ. Oán ghét và mâu thuẫn bây giờ còn
là vấn đề của hiện tại và sự cần thiết điều chỉnh để sửa sai hiện tại.
Bốn mươi bốn năm sau cuộc chiến tranh ý thức hệ, chính quyền cộng sản
giờ đã “thành công” trong việc tạo ra một cuộc chiến “ý thức hệ” khác,
mỗi lúc mỗi âm ỉ gay gắt, giữa khao khát dân chủ của người dân và cái
“mô hình” gọi là “dân chủ tập trung” của chế độ. Trong cuộc xung đột
“nội chiến” mới này, không còn là cuộc đọ súng của hai miền Nam Bắc. Nó
là cuộc đối đầu giữa người dân từ Bắc xuống Nam trên một quốc gia thống
nhất, với một chế độ cai trị đang “rã rời chân tay” bởi sự dối trá và
bao che dối trá của họ chưa bao giờ bị lật tẩy nhanh bằng lúc này.
No comments:
Post a Comment