Thứ Bảy 05.09.2015
Kính thưa quý thính giả,
Một vị vua trẻ, dám từ bỏ vinh hoa phú quý để vào rừng núi viết chiếu "Cần Vương", kêu gọi sĩ phu yêu nước nổi lên chống Pháp. Thực dân Pháp nhiều lần mua chuộc, nhưng ông đều từ chối, ông nói: "Ta thà chết trong rừng hơn là về làm vua mà ở trong vòng cương tỏa". Và ông là vị vua duy nhất của triều Nguyễn chỉ lấy một vợ, không lập thứ phi. Khi bị lưu đày sang Algerie ông lấy vợ người Pháp, nhưng ông vẫn mặc áo dài khăn đóng như khi ở quê nhà và dạy con nhớ về quê hương bản xứ. Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt" tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Vua Hàm Nghi" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.
Tên húy của vua Hàm Nghi là Nguyễn Phúc Ưng Lịch. Ông là con thứ 5
của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Phan Thị Nhàn. Ông sinh
ngày 3/8/1871 tại Huế.
Sau khi vua Tự Đức băng hà vào tháng 7 năm 1883, đáng lẽ người con
nuôi thứ hai của vua Tự Đức là Chánh Mông lên nối ngôi, nhưng Nguyễn Văn
Tường và Tôn Thất Thuyết chọn người em Chánh Mông là Ưng Lịch lên làm
vua, lấy hiệu là Hàm Nghi lúc đó mới 13 tuổi.
Hàm Nghi là vị vua thứ 8 của vương triều nhà Nguyễn, lên ngôi ngày
1/8/1884, một năm sau đó Huế thất thủ, vua cùng với triều đình đã phải
rời khỏi kinh thành.
Vua Hàm Nghi lên ngôi là do sự dàn dựng của triều đình nhà Nguyễn, vì
vậy vua Hàm Nghi không có sự chuẩn bị cũng như không có ý niệm gì về
cuộc chiến, do đó khi phải rời khỏi kinh thành thì vua Hàm Nghi rất ngạc
nhiên hỏi: "Ta có đánh nhau với ai đâu mà phải chạy".
Khi ra đến phòng tuyến Tân Sở, vua Hàm Nghi vẫn buồn rầu và đòi Tôn
Thất Thuyết cho người đưa về kinh, nhưng Tôn Thất Thuyết tỏ ý quyết
chiến với Pháp, nên gửi lên vua Hàm Nghi một tờ trình kể tội thực dân
Pháp. Sau khi đọc xong, vua Hàm Nghi liền nói: "Bây giờ thì ta đã hiểu
vì sao khanh lại không muốn cho trẫm về Huế khi còn giặc pháp chiếm
đóng".
Tôn Thất Thuyết hỏi: "Như vậy, nếu cuộc kháng chiến đòi hỏi phải đi và sống trong rừng sâu, bệ hạ có đi không?"
Vua Hàm Nghi trả lời dứt khoát: "Đi đâu cũng được, sống thế nào cũng được, miễn là đuổi cho giặc Pháp ra khỏi đất nước là được".
Sau đó, càng chịu đựng gian khổ, tinh thần yêu nước của vị vua trẻ
càng gia tăng mãnh liệt. Tại vùng Tân Sở, ông đã viết Chiếu Cần Vương,
kêu gọi các sĩ phu yêu nước nổi dậy chống Pháp dành độc lập. Chiếu đã
tạo ra được một phong trào Cần Vương vô cùng rầm rộ vào những năm sau
này, khiến thực dân Pháp nhiều lần tìm cách bắt ông.
Năm 1888, Vua Hàm Nghi bị Trương Quang Ngọc bắt giao cho Pháp. Khi đó
Vua Hàm Nghi mới 17 tuổi. Để ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Vua Hàm Nghi
đối với phong trào Cần Vương đang nổi dậy khắp nơi, thực dân Pháp đã đày
Vua Hàm Nghi sang Algerie.
Thượng tuần tháng Giêng năm 1889, vua Hàm Nghi bị Pháp đưa sang
Algerie, nơi ông bị giam lỏng cách Alger, thủ đô của Algerie chừng vài
cây số.
Lúc mới bị đày sang Algerie, Vua Hàm Nghi kiên quyết không chịu học
tiếng Pháp vì cho rằng học tiếng Pháp là mặc nhiên thừa nhận thực dân
cướp nước. Mọi việc giao tiếp, trò chuyện với những người xung quanh ở
Algerie, Vua Hàm Nghi đều thông qua một người phiên dịch. Nhưng sau vài
năm sống ở Algerie, ông nhận ra rằng Algerie tuy là thuộc địa của Pháp,
nhưng người dân bản địa nơi đây đều là những người rất thân thiện, gần
gũi và tốt bụng, nên ông bắt đầu học tiếng Pháp. Thời gian sau ông lấy
vợ người Pháp và nhờ vào sự nhã nhặn, hài hòa, ông được người dân bản xứ
quý mến.
Vua Hàm Nghi mất vào ngày 14/1/1944 tại Algerie, vì căn bệnh ung thư dạ dày.
Việt Thái
No comments:
Post a Comment