TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ TRẦN HUỲNH DUY THỨC KHÔNG MUỐN ĐI LƯU VONG
Người cha của nhà đấu tranh Trần Huỳnh Duy Thức vào hôm qua cho biết
là ông Thức không chấp nhận rời bỏ đất nước để đi tị nạn chính trị, trừ
phi là "tổ quốc VN chối bỏ ông".
Ông Thức là người cuối cùng trong danh sách các tù nhân chính trị nổi
tiếng mà Hoa Kỳ yêu cầu bạo quyền Hà Nội phải trả tự do vô điều kiện
trong các tiếp xúc với giới lãnh đạo cao cấp VN suốt mấy năm qua. Ba
người được thả và ép buộc sang Mỹ là Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, blogger Điếu
Cày – Nguyễn Văn Hải vào năm ngoái, và người mới nhất là bà Tạ Phong Tần
đã đặt chân đến Mỹ vào cuối tuần qua. Một tù nhân chính trị là Luật sư
Lê Quốc Quân cũng vừa mãn hạn tù và tiếp tục bị quản chế tại gia.
Ông Trần Văn Huỳnh, phụ thân của ông Thức, vào hôm qua kể rằng, trong
một trong buổi thăm nuôi mới nhất vào tháng 8 vừa qua, ông Thức tuyên
bố là "chỉ khi nào mình bị tổ quốc từ bỏ thì mới nghĩ đến chuyện bỏ nước
ra đi tỵ nạn".
Cần nhắc lại là ông Thức bị bạo quyền kết án 16 năm tù và 5 năm quản
chế với cáo buộc "âm mưu lật đổ chế độ". Trước khi bị bắt, Trần Huỳnh
Duy Thức là tổng giám đốc công ty dịch vụ internet OCI và được xem là
một doanh nhân rất thành công trên thương trường.
THÁI LAN ĐỒNG Ý ĐIỀU TRA VỤ NỔ SÚNG VÀO CÁC TÀU CÁ VIỆT
Nhà chức trách Thái Lan sẽ mở cuộc điều tra công khai và minh bạch về
vụ nổ súng rượt đuổi các tàu cá VN vào ngày 11/9, khiến một ngư dân
Kiên Giang thiệt mạng và hai người khác bị thương.
Tin này do một quan chức tòa đại sứ VN tại Thái loan báo sau buổi gặp
gỡ Thiếu tướng Apichart Suribunya, cục trưởng đối ngoại của lực lượng
cảnh sát Thái Lan.
Cần nhắc lại là vào tuần qua, phía VN đã gửi một công hàm phản đối vụ
tấn công này, đồng thời yêu cầu phía Thái Lan phải mở cuộc điều tra và
bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt. Trước đó, giới chức trách Thái
Lan cũng thừa nhận vụ nổ súng vào các tàu cá VN, nhưng khẳng định đó chỉ
là trường họp tự vệ vì bị ngư dân VN bao vây.
RÀO CỔNG TRƯỜNG ĐỂ ÉP BUỘC GIỚI QUAN CHỨC PHẢI BỒI THƯỜNG ĐẤT ĐAI
Quá phẫn uất vì nhà cầm quyền liên tiếp tránh né giải quyết đơn khiếu
nại, một dân oan xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân tỉnh Bạc Liêu, đã tự động
lập hàng rào và chướng ngại vật trước cổng trường để ép buộc nhà cầm
quyền địa phương phải có câu trả lời chính thức.
Đây cũng là lần thứ hai mà ông Lục Văn Nghị lập hàng rào phong tỏa
cổng trường Nguyễn Du vì không được giải quyết thỏa đáng vấn đề bồi
thường diện tích đất bị chiếm đoạt để xây ngôi trường này vào năm 2003.
Ông Nghị đã đi khiếu nại nhiều lần suốt 12 năm qua, mà không cấp nào
đứng ra giải quyết. Khi bị báo chí chất vấn là tại sao phải rào cổng
trường để gây khó cho học sinh, ông Nghị cho biết là "nếu không làm như
thế thì họ không vào cuộc giải quyết".
Khác với kỳ khóa cổng lần trước, kỳ này ông Nghị dùng các cây tràm để
lập hàng rào và đào bới nhiều mương rãnh đằng trước cổng. Sau khi nhận
được lời hứa hẹn sẽ giải quyết của nhà cầm quyền huyện Hồng Dân, ông
Nghị đã gỡ bỏ lớp hàng rào vào hôm qua, nhưng vẫn chưa san lấp các mương
rãnh.
PHILIPPINES MUỐN MỜI HẢI QUÂN MỸ TRỞ LẠI CĂN CỨ SUBIC BAY
Gần 25 năm sau khi quốc hội Philippines ra quyết định thu hồi căn cứ
Subic Bay, chính phủ xứ này sẽ mời hải quân Mỹ quay trở lại căn cứ này
để giúp họ đối phó với dã tâm độc chiếm Biển Đông của Trung Cộng.
Cần nhắc lại, căn cứ Subic là căn cứ lớn nhất của hải quân Mỹ ở hải
ngoại suốt nhiều thập niên trước đó. Vịnh Subic cũng nằm gần quần đảo
Trường Sa, đang căng thẳng vì các tranh chấp về chủ quyền. Vào năm
ngoái, chính phủ Phi đã ký một hiệp ước với Mỹ, có hiệu lực 10 năm, cho
phép binh sĩ Hoa Kỳ trú đóng trên nước Phi, kể cả tại vịnh Subic và căn
cứ không quân Clark. Tuy nhiên hiệp ước này đang gặp những trở ngại về
pháp lý và cần phải được tối cao pháp viện Phi phán xét.
QUÂN ĐỘI MIẾN LẠI TUYÊN BỐ SẴN SÀNG CHẤP NHẬN MỘT NỮ TỔNG THỐNG
Tổng tham mưu trưởng quân đội Miến Điện lặp lại lời tuyên bố trước
đây là họ sãn sàng chấp nhận một phụ nữ lên làm tổng thống, với lý do là
rất nhiều nữ sĩ quan đã được bổ nhiệm vào các chức vụ quan trọng trong
quân đội và họ đã chứng tỏ được bản lãnh xuất sắc của mình.
Trong cuộc họp báo quốc tế hiếm hoi tại bộ quốc phòng ở thủ đô
Naypydaw vào hôm qua, Trung tướng Min Aung Hliang nói rằng, trong chính
phủ có một số nữ bộ trưởng, trong xã hội có nhiều giáo sư và tiến sĩ là
phụ nữ thì không có lý do gì mà Miến Điện không thể có một nữ tổng
thống. Thế nhưng vị tướng lãnh cầm đầu quân đội Miến không đề cập đến
tên bà Aung San Suu Kyi, thủ lãnh phe đối lập đang có nhiều triển vọng
chiến thắng trong cuộc tuyển cử quốc hội vào ngày 8/11 tới đây.
Cần nhắc lại là theo hiến pháp hiện hành của Miến Điện, bà Aung San
Suu Kyi không được quyền ra ứng cử chiếc ghế tổng thống vì người chồng
quá cố của bà và các đứa con là những công dân Anh quốc.
HOA KỲ GỠ BỎ THÊM MỘT SỐ CẤM VẬN ĐỐI VỚI CUBA
Trong khi đức Giáo hoàng Francis đang thăm viếng Cuba, chính phủ Hoa
Kỳ đang vận động quốc hội gỡ bỏ thêm một số cấm vận kinh tế để đẩy mạnh
tiến trình bình thường hóa quan hệ với nhà nước cộng sản Cuba.
Tuy nhiên giới lập pháp Hoa Kỳ, mà đảng Cộng hòa đang nắm đa số,
không tỏ ra mặn mà với các đề nghị này. Một trong các đề nghị của Tổng
thống Barack Obama là không giới hạn số tiền mà người Cuba ở Mỹ gửi về
giúp thân nhân trong nước, hiện bị giới hạn ở mức 2 ngàn Mỹ kim cho mỗi 3
tháng. Ngoài ra cho phép các công ty Mỹ được quyền mở chi nhánh và hùn
vốn làm ăn với người dân Cuba.
Cần biết là trong các cuộc điện đàm mới nhất với Tổng thống Obama,
chủ tịch nhà nước Cuba Raoul Castro đã tỏ ra mất kiên nhẫn vì tiến trình
bình thường hóa giữa hai nước đang diễn ra một cách chậm chạp, đặc biệt
là Hoa Kỳ vẫn chưa hủy bỏ lệnh cấm công dân Mỹ đi du lịch ở Cuba.
No comments:
Post a Comment