Monday, September 14, 2015

Tin tức ngày thứ Hai, 14.09.2015

MỘT TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ NGƯỜI THƯỢNG ĐÀO TỴ SANG THÁI LAN

Bị đàn áp quá dã man, hai vợ chồng tù nhân chính trị Oi Lư đã đào thoát sang Thái Lan để xin tỵ nạn chính trị vào cuối tuần qua.
Ông Oi Lư 60 tuổi thuộc sắc dân Jarai ở huyện Phủ Thiện tỉnh Gia Lai, vào năm 2005 đã bị bạo quyền VN kết án 7 năm tù và 3 năm quản chế với cáo buộc "phá hoại sự đoàn kết dân tộc". Vào tháng 3 năm nay, hai vợ chồng ông Lư lặn lội ra Hải Phòng và Hà Nội để thăm các bạn tù là Phạm Văn Trội và Nguyễn Văn Đài. Khi trở về thì hai vợ chồng bị công an gọi lên thẩm vấn và tịch thu toàn bộ các món quà mà các bạn tù tặng cho.
Sau nhiều lần phải chạy vào rừng để trốn tránh, có khi lên đến nửa tháng ở trong rừng, hai vợ chồng ông Lư quyết định đào thoát sang Thái Lan để xin tỵ nạn. Hai vợ chồng ông Lư cũng có một người con trai đang bị giam cầm tại tỉnh Thái Nguyên.
Trong khi đó thì tại Campuchia, trong số hàng trăm người Thượng ở VN đào thoát sang xứ này thì chỉ có 13 người là được nhà cầm quyền Campuchia cứu xét đơn xin tỵ nạn còn hàng chục người khác thì đã bị trao trả cho phía biên phòng VN. Trong vòng 3 tháng tới, nếu không có ai can thiệp, thì bạo quyền Miên sẽ trục xuất những người còn lại về VN.

HAI TÀU CÁ VIỆT NAM BỊ HẢI TẶC TẤN CÔNG: 3 NGƯ DÂN TRÚNG ĐẠN

Giới chức tỉnh Kiên Giang cho biết là một ngư dân bị bắn chết và hai người khác bị thương sau khi hai tàu cá của họ bị một nhóm hải tặc tấn công ở vùng vịnh Thái Lan vào ngày 11/9 vừa qua.
Theo lời kể của ngư dân Nguyễn Hùng Cường thì vụ cướp bóc diễn ra vào lúc 3 giờ chiều khi bọn hải tặc trên một xuồng cao tốc lao đến hai tàu cá đang thả lưới ở một vị trí giáp vịnh Thái Lan. Khi hai tàu cá VN rồ ga bỏ chạy thì bọn hải tặc đã dùng tiểu liên và trung liên bắn xối xả khiến một tài công trúng đạn chết tại chỗ, ngư dân Nguyễn Hùng Cường bị bắn gẫy đùi và một ngư dân khác cũng bị thương nhẹ.
Hai tàu cá sau đó đã chạy đến được một giàn khoan để nhờ điều trị cho các nạn nhân. Hiện anh Cường đang được điều trị tại bệnh viện tỉnh Kiên Giang.

LẠI THÊM MỘT NGƯỜI DÂN TREO CỔ TỰ TỬ TRONG ĐỒN CÔNG AN

Giới chức công an huyện Cẩm Xuyên tỉnh Hà Tĩnh loan báo là họ phát giác ra ông Nguyễn Tiến T., 71 tuổi, đã treo cổ tự tử trong đồn công an huyện này vào sáng thứ Bảy vừa qua.
Theo làng báo quốc doanh thì vào sáng thứ Sáu 11/9, ông T. bị mời lên đồn công an vì tình nghi cưỡng hiếp một nữ sinh trung học ở trong xóm khiến cô bé này mang thai. Theo lời kể của các công an thì sau khi cuộc thẩm vấn kết thúc thì ông T. ra về, nhưng đến chiều thì quay lại đồn công an huyện Cẩm Xuyên để treo cổ tự tử vào lúc 3 giờ chiều tại cầu thang tầng 3 nhưng chỉ được phát giác vào sáng sớm hôm sau.
Cần nhắc lại là tình trạng đột tử tại đồn công an VN diễn ra càng lúc càng nhiều, thậm chí là gây chú ý trong dư luận thế giới. Tính từ đầu năm đến nay, có ít nhất 8 người đã chết một cách kỳ dị trong các đồn công an ở VN. Tính tổng cộng trong 3 năm qua, số người chết trong các đồn công an hay trụ sở hành chánh đã lên đến 226 người và đa số đều được công an giải thích là "tự tử vì hối hận".
Cũng vào tuần qua thì hai thanh niên đã xông vào đồn công an phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy tỉnh Thừa Thiên, hành hung 3 công an sau khi nhận "giấy mời" lên đồn làm việc. Vào hôm qua, công an tỉnh Thừa Thiên loan báo là họ hoàn tất hồ sơ truy tố Ngô Hữu Đức Minh 25 tuổi và Lê Bá Thảo 26 tuổi về tội "hành hung nhân viên công lực". Theo lời kể của công an thì hai thanh niên này bị gia đình tố cáo là xài ma tuý và nhờ công an giúp đỡ. Thế nhưng khi đến đồn công an thì hai thanh niên la hét chửi bới và bất ngờ ra tay đánh trọng thương 3 công an viên.

NGƯỜI NGOẠI QUỐC VẪN DÈ DẶT VỀ VIỆC MUA NHÀ ĐẤT Ở VN

Nhiều người ngoại quốc vẫn tỏ ra dẻ dặt trước đạo luật mới về đất đai và bất động sản mà quốc hội VN thông qua từ mấy tháng trước.
Đạo luật này có hiệu lực từ ngày 1/7 vừa qua, nhưng đến hôm nay số người bỏ tiền ra mua các biệt thự hay chung cư cao cấp vẫn rất ít ỏi. Theo một giám đốc công ty bất động sản thì lý do chính yếu là khác với những nước văn minh, tại VN sau khi một đạo luật được thông qua thì phải chờ nhà nước ban hành thông tư có nội dung hướng dẫn cách áp dụng. Thế nhưng cả hai tháng qua vẫn chưa thấy có thông tư nào, khiến không người nào muốn trở thành "con chuột thử nghiệm" trong lãnh vực được xem là "cấm địa" và còn tùy thuộc vào cách hành xử của các quan chức địa phương.

TRUNG CỘNG CÔNG KHAI TƯỚC BỎ NỀN DÂN CHỦ LÂU ĐỜI TẠI HỒNG KÔNG

Đại diện Bắc Kinh tại Hồng Kông, Trương Hiếu Minh, vào cuối tuần qua thẳng thừng tuyên bố là mô hình tam quyền phân lập của Tây phương là không phù hợp với Hồng Kông và người nắm quyền tối cao là người cầm đầu hội đồng lập pháp do Trung Cộng chọn lựa.
Phát biểu nhân ngày kỷ niệm sự ra đời của bản hiến pháp Hồng Kông, họ Trương trích dẫn một câu nói của cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình vào năm 1987, nội dung cho rằng cơ chế tam quyền phân lập của Tây phương là không phù hợp với nước Tàu. Thậm chí ông Minh còn nhấn mạnh là ngay cả từ khi còn là nhượng địa của người Anh, Hồng Kông cũng không có cơ chế đó.
Ngay lập tức, dư luận đã ào ạt lên án các phát biểu của họ Trương. Phe đối lập cũng tuyên bố thẳng thừng là Trung Cộng chỉ muốn áp dụng hình thức "hoàng đế" trị vì muôn dân thay vì bước theo trào lưu dân chủ của thế giới.

NGA LẬP CẦU KHÔNG VẬN ĐỂ TRÚT THÊM VŨ KHÍ VÀO SYRIA

Chính phủ Nga đã gia tăng số chuyến bay chở vũ khí đến Syria, với hai vận tải cơ đã đáp xuống phi trường ở thành phố Lattaquié, lãnh địa của gia đình Tổng thống Bachar al-Assad. Theo tuyên bố của Nga thì đây là số hàng hóa mà họ viện trợ cho dân chúng Syria nhưng vài giờ sau thì cải chính đó là số vũ khí được chở đến theo các hợp đồng đã ký kết.
Một số tờ báo quốc doanh của Syria cũng cho biết thêm là quân Nga đã thiết lập xong một hệ thống phi đạn phòng không loại SA do chính các binh sĩ Nga điều khiển. Vào cuối tuần qua, một số hình ảnh phổ biến trên báo chí cho thấy là binh sĩ Nga đã trực tiếp có mặt trong các cuộc hành quân của quân đội Syria và chính phủ Mỹ khẳng định là hai tàu chở xe tăng Nga đã cập cảng Tartous, nơi nước Nga đang có một căn cứ hải quân, được xây dựng từ năm 1971.

No comments:

Post a Comment