Chủ Nhật 13.09.2015
Kính thưa quý thính giả, để điểm lại những sự kiện nổi bật tuần qua
xin mời các bạn thính giả theo dõi buổi hội luận giữa ĐPV Hoàng Ân và PV
Trường An.
Hoàng Ân: Trong những ngày qua, người dân Việt Nam
đang đặc biệt chú ý đến việc Phó tổng thư ký tòa soạn báo Thanh Niên sau
khi bị thu thẻ nhà báo và cắt chức. Đã bị một số các báo đảng đánh hội
đồng do giễu cợt các lãnh tụ cộng sản cùng ngày quốc khánh 2/9. Xin anh
nói rõ hơn về sự việc này để gửi đến quý thính giả của đài được tường
tận hơn?
Trường An: Thưa chị cùng quý thính giả của đài!
Vào hôm thứ 3 vừa qua, một số tờ báo lề đảng đã mở trận đánh "hội
đồng" nhà báo Đỗ Hùng, người vừa mất chức phó thư ký tòa soạn Thanh Niên
và bị rút thẻ nhà báo vì một bài viết giễu cợt các lãnh tụ cộng sản và
ngày quốc khánh.
Tờ Petro Times (Năng Lượng Mới) nói rằng, việc Đỗ Hùng bị trừng trị
là "bài học cho kẻ ngông cuồng" vì "dám đụng chạm đến những biểu tượng
thiêng liêng của dân tộc". Và việc cách chức, rút thẻ hành nghề là "xác
đáng và đúng pháp luật". Tuy nhiên bộ Thông tin và Truyền thông, tức bộ
4T, khi ký quyết định rút thẻ nhà báo và ra lệnh cách chức nhà Đỗ Hùng,
lại không giải thích nguyên nhân tại sao.
Trong một hành động "đạp người ngã ngựa", tờ Petro Times bồi thêm một
cú đá là "Đỗ Hùng đã nhiều lần xử dụng các trang mạng để đăng tải những
bài viết có nội dung sai trái, gây bức xúc trong cộng đồng suốt 2 năm
qua". Thế nhưng dư luận đều biết rõ là nhà báo Đỗ Hùng bị trừng phạt chỉ
vì một bài văn gồm toàn dấu sắc để giễu cợt ngày quốc khánh là ngày
đảng cộng sản lợi dụng chấm dứt thế chiến thứ hai để kéo về cướp chính
quyền tại Hà Nội.
Trong một diễn biến cũng liên quan đến ngày "cướp chính quyền" này
thì nhà cầm quyền VN vẫn chưa công bố phí tổn tổ chức lễ duyệt binh vào
ngày 2/9 vừa qua, mà một số binh sĩ là diễn viên hay sinh viên được
tuyển lựa để diễn hành trên đường phố.
Hoàng Ân: Mặc dù bị dư luận trong nước lên tiếng phản đối mạnh mẽ dự
án xây dựng tượng đài 1400 tỷ ở Sơn La, nhưng nhà cầm quyền tỉnh này vẫn
quyết định cho xây dựng công trình nói trên. Anh vui lòng nhắc lại sự
kiện này để quý thính giả cùng nghe?
Trường An: Đúng như chị vừa nói, bất chấp sự phản đối dữ dội của dư
luận trong nước, nhà cầm quyền tình Sơn La vào đầu tuần qua đã thông qua
dự án xây dựng khu tượng đài HCM với phí tổn 1400 tỷ đồng, tức khoảng
70 triệu Mỹ kim.
Điều này có nghĩa là nhà nước VN, đứng đầu là Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng, đã chấp nhận cho tỉnh nghèo nhất nước này đổ tiền xây dựng một
công trình xa hoa, trong khi mỗi năm giới quan chức Sơn La kêu gào trung
ương trợ giúp hàng chục ngàn tấn gạo để cứu đói.
Xin được nhắc lại, tỉnh Sơn La là một tỉnh miền núi thuộc vùng tây
bắc VN, với dân số khoảng 1 triệu 100 ngàn người, tức khoảng 200 ngàn
gia đình. Theo số liệu chính thức của nhà nước VN thì khoảng 70 ngàn gia
đình của tỉnh đang sống dưới mức nghèo đói và 40 ngàn gia đình khác ở
mức cận nghèo. Nếu tính trung bình một tấn gạo VN xuất cảng hiện nay có
giá là 350 Mỹ kim thì số tiền 70 triệu Mỹ kim cho dự án này có thể mua
được 200 ngàn tấn gạo, giúp cho 70 ngàn gia đình cực nghèo nói trên có
đủ cơm ăn trong vòng 4 năm.
Được biết là làn sóng xây dựng tượng đài diễn ra rầm rộ trên khắp đất
nước suốt nhiều năm qua, với nhiều công trình vừa khánh thành xong đã
hư hỏng, hay trở thành hoang phế vì không được chăm sóc.
Hoàng Ân: Anh có ghi nhận như thế nào về việc thêm một vụ cưỡng chế đất đai và đánh đập dân ở quận long biên?
Trường An: Theo như tôi được biết, một gia đình đã bị đánh đập trọng
thương khi kháng cự lực lượng cưỡng chiếm đất đai tại phường Phúc Đồng,
quận Long Biên – Hà Nội, vào hôm thứ Tư 9/9 vừa qua.
Theo lời kể của gia đình ông Hoàng Công Kiểm, chủ nhân mảnh đất bị
bạo quyền cưỡng chiếm, thì một lực lượng quan chức lên đến 600 người đã
hùng hổ kéo đến khu đất, dùng vũ lực để lôi kéo từng người trong nhà áp
giải về đồn công an phường Phúc Đồng. Trong khi kháng cự, bà Hoàng Công
Kiểm bị đánh gẫy xương sườn, người con gái đang mang thai 6 tháng cũng
bị đạp ngã xuống đất.
Được biết là vào cuối tháng 7, gia đình ông Kiểm đã gửi lên mạng một
lá thư cầu cứu, nội dung cho biết là gia đình đã làm chủ mảnh đất rộng 4
ngàn thước vuông từ năm 1988, và nhà cầm quyền quận Long Biên đang muốn
tịch thu để trao cho tập đoàn Him Lam làm sân golf, với mức đền bù thấp
hơn 250 lần so với giá bán cho tập đoàn này. Thê thảm hơn nữa là gia
đình ông Kiểm chỉ được trả tiền cho 1 ngàn thước vuông đất, 3 ngàn thước
vuông còn lại thì bị bạo quyền tuyên bố là đất vô chủ.
Hoàng Ân: Thế còn việc 3 công an giao thông VN bị đình chỉ là sao thưa anh?
Trường An: Theo ghi nhận thì trước bằng chứng rành rành được thu hình
và phổ biến trên mạng, giới công an tỉnh Đồng Nai đã ra lệnh tạm ngưng
nhiệm vụ của 3 công an đã đấm vào mặt một phụ nữ khi cô này chất vấn về
số tiền phạt vạ lưu thông lên đến 500 ngàn đồng.
Trong mấy ngày qua, đoạn phim do chính nạn nhân Đỗ Vũ Hoàng Anh tung
lên mạng đã được lan truyền với tốc độ chóng mặt, với mấy trăm ngàn
người vào xem. Đoạn phim quay cảnh công an chận xe phạt vạ hai vợ chồng
chị Hoàng Anh ở ngã ba Thái Lan vào ngày 4/9 vừa qua. Trong khi người
chồng đồng ý đưa ra 500 ngàn đồng thì chị Hoàng Anh tiến tới chất vấn,
và bị một tên thường phục nhào tới đấm thẳng vào mặt khiến đôi môi bị
dập và ứa máu.
Trong khi đó thì vào đêm thứ Hai, một sĩ quan công an giao thông ở
quận Bình Tân – Sài Gòn đã bị một thanh niên rút dao đâm thủng ngực khi
chận xe để phạt vạ lưu thông. Ngay sau đó hung thủ đã bỏ lại xe gắn máy
để tẩu thoát.
Hoàng Ân: Giới báo chí trong nước cho biết là đời
sống nông thôn VN càng lúc càng trở nên cơ cực khi nông sản liên tục bị
mất giá. Xin anh nói rõ hơn về việc này?
Trường An: Theo giới báo chí trong nước cho biết là
đời sống nông thôn VN càng lúc càng trở nên cơ cực khi nông sản liên tục
bị mất giá, điển hình như 50 ký muối làm ra chỉ mua được một tô phở, 40
ký chanh bán ra không bằng một ổ bánh mì, 1 ký khoai lang còn thua giá
một ly trà đá và 20 ký dưa hấu mới đổi được một tô phở.
Trong khi đó thì gạo VN, một mặt hàng xuất cảng chính yếu suốt mấy
thập niên qua, cũng đang bị giói lái buôn Trung Cộng sửa đổi hợp đồng để
ép giá sau khi nước này phá giá đồng Hoa tệ.
Theo kết quả một cuộc nghiên cứu kéo dài 4 năm cho thấy là mức thu
nhập trung bình của nông dân VN chỉ vào khoảng 200 Mỹ kim một năm, so
với con số bình quân 1600 Mỹ kim của cả nước. Con số này cho thấy sự
chênh lệch quá lớn trong xã hội VN, vì hơn 57% lực lượng lao động tại VN
là ở nông thôn, nhưng chỉ chiếm chưa tới 20% tổng sản lượng quốc gia.
Chỉ nói riêng về muối, thì giá muối ở Bỉnh Định đã sụt xuống mức thấp
nhất kể từ 5 năm qua, khiến giới diêm dân ở các huyện Phù Cát, Phù Mỹ,
Tuy Phước thêm lao đao vì bán ra một tạ muối chỉ đủ mua 2 tô bún. Và tại
Bạc Liêu thì làm ra 50 ký muối chỉ đủ mua một tô phở. Thế nhưng giá
muối ăn tại các thành phố lớn thì có giá gấp 10 lần.
Hoàng Ân: Cám ơn PV Trường An đã chia sẻ các tin tức
và nhận xét để gửi đến thính giả của Đài ĐLSN. Kính chào tạm biệt và
hẹn gặp lại anh và quý thính giả trong chương trình tuần tới.
No comments:
Post a Comment