Thứ Bảy 12.09.2015
Kính thưa quý thính giả, Một người có công trong hai cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông, được xem là bậc danh nhân với kiệt tác văn chương nổi tiếng qua áng thiên cổ hùng ca "Bạch Đằng Giang phú", một áng văn đầy lòng yêu nước, nói lên khí thế sôi sục cùng tinh thần tự hào, hàm chứa triết lý sâu sắc về nguyên nhân thành công trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm của quân dân đời Trần trên dòng sông Bạch Đằng, nơi hội tụ sức mạnh và chiến công của dân tộc. Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt" tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Thái phó Trương Hán Siêu" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
"Sông Đằng một dải thật dài,
Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về biển Đông.
Những người bất nghĩa tiêu vong,
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh".
Trương Hán Siêu tự là Thăng Phủ, hiệu Đôn Tẩu, người ở làng Phúc Am,
huyện Yên Ninh, lộ Trường Yên (nay là huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình).
Trương Hán Siêu có công dâng kế sách trong cuộc kháng chiến chống
Nguyên Mông lần thứ hai và thứ ba. Ông làm quan suốt 4 đời vua, là nhà
chính trị, nhà thơ, nhà sử học, được các vua nhà Trần gọi là Thầy.
Năm 1308, vua Trần Anh Tông phong ông làm Hàn lâm học sĩ.
Năm 1314, vua Trần Minh Tông giao cho ông giữ chức Hành khiển.
Năm 1339, vua Trần Hiến Tông phong ông làm môn hạ Hữu ty Lang trung.
Năm 1342, vua Trần Dụ Tông phong Trương Hán Siêu làm Tả ty Lang trung
kiêm Kinh lược sứ ở Lạng Giang, thăng Tả gián nghị Đại phu năm 1345, và
năm 1351 làm Tham tri chính sự (tức chức Thượng thư).
Năm 1353, ông lãnh quân Thần Sách ra trấn nhậm ở Hóa Châu (Huế).
Tháng 11 năm sau, ông cáo bệnh về hưu, nhưng về chưa đến kinh thành thì
mất, vua cho truy tặng hàm Thái bảo.
Năm 1363, thượng hoàng Trần Nghệ Tông truy tặng thêm chức Thái phó và được thờ trong Văn Miếu chung với các bậc hiền triết.
Các tác phẩm của ông hiện còn 17 bài thơ: Cúc hoa bách vịnh, Hóa Châu
tác, Dục Thúy sơn, Quá Tống đô.v.v. Về văn xuôi ông có 2 bài: Khai
Nghiêm tự bi ký và Dục Thúy sơn Linh tế tháp ký.
"Bạch Đằng Giang phú" là tác phẩm xuất sắc của ông, đồng thời cũng là
tác phẩm tiêu biểu của văn học thời Lý - Trần, một đỉnh cao nghệ thuật
của thể phú trong văn học và được xem là một áng thiên cổ hùng ca trong
lịch sử văn học Việt Nam. "Bạch Đằng giang phú" thể hiện lòng yêu nước
và niềm tự hào về truyền thống bất khuất và đạo lý nhân nghĩa sáng ngời
của dân tộc Việt.
"Bạch Đằng giang phú" được viết theo phú cổ thể, nguyên tác chữ Hán.
Cấu kết của tác phẩm theo hình thức đối đáp giữa chủ và khách. Khách là
người yêu cảnh trí thiên nhiên, có thú du ngoạn, tâm hồn khoáng đạt, tâm
huyết với lịch sử dân tộc. Khách tìm đến sông Bạch Đằng không chỉ vì
yêu thiên nhiên, mà còn vì lòng ngưỡng mộ nơi có chiến công oanh liệt và
khát vọng tìm hiểu lịch sử dân tộc. Chủ là những bô lão ở ven sông Bạch
Đằng mà khách gặp, vừa là dân địa phương, vừa là những người đã từng
chứng kiến, từng tham gia chiến trận mà tác giả dựng lên để bộc lộ cảm
xúc, suy nghĩ về đất nước, dân tộc.
Trương Hán Siêu chính là người cố vấn chính của Hưng đạo Đại vương
Trần Quốc Tuấn, sát cánh ngày đêm bàn việc quân cơ. Kế hoạch lấy không
đánh có, lấy nhu thắng cương, vườn không nhà trống, lấy ít đánh nhiều
được ông phát triển thành đỉnh cao hoàn hảo, phổ biến đến tận làng xã,
huấn luyện cho dân chúng biết để nhanh chóng làm theo hiệu lệnh.
Để tưởng nhớ người anh hùng đã có công chống giặc ngoại xâm phương
Bắc, bảo vệ lãnh thổ và nền độc lập cho nước nhà, dân chúng lập đền thờ
Trương Hán Siêu tại chân núi Non Nước, nằm bên sông Đáy, thành phố Ninh
Bình. Bài thơ "Dục Thúy Sơn khắc thạch" của ông được khắc bên sườn núi.
Hiện có nhiều con đường mang tên Trương Hán Siêu ở Sài Gòn, Hà Nội và
các tỉnh thành.
* * *
Triều Trần là một triều đại vẻ vang trong dòng lịch sử của dân tộc
Đại Việt, với hàng loạt minh quân, văn thần, võ tướng nổi danh và những
chiến công hiển hách. Tẩt cả đều nhờ có phương châm "Vua tôi đồng lòng",
"Toàn dân đoàn kết", khiến mọi người đều sẵn sàng hy sinh tính mạng,
công sức và tài sản để đánh bại đạo quân Mông Cổ đã càn quét từ Á sang
Âu. Trong đó có kẻ sĩ Trương Hán Siêu, một quân sư lỗi lạc đã sát cánh
bên cạnh đức Hưng Đạo Vương để bày mưu nghĩ kế phá giặc.
Có lẽ vì là văn thần nên lịch sử Việt không viết nhiều về ông, ngoài
văn tài của ông. Thế nhưng, với các bài thơ để lại và tên tuổi được khắc
ghi trong Văn miếu, đủ cho thấy tài trí của Thái phó Trương Hán Siêu.
Bài "Bạch Đằng Giang phú" của ông, không chỉ là một áng văn bất hủ mà
còn giúp cho hậu thế hiểu được sự gian khổ trong cuộc kháng chiến chống
quân Nguyên và niềm kiêu hãnh của dân tộc Đại Việt về các chiến thắng ở
sông Bạch Đằng.
Trong bối cảnh đất nước hiện nay, trước sự khiếp nhược của tập đoàn
lãnh đạo cộng sản VN, người ta cảm thấy ngậm ngùi khi đọc lại các bài
thơ của Trương Hán Siêu. Không ai có thể tin được là một dân tộc đã đánh
bại đạo quân tự xưng là bách chiến bách thắng của Mông Cổ, nhưng bây
giờ lại sản sinh ra một số tướng lãnh khom lưng cúi đầu trước thiên
triều Hán Cộng, thậm chí chỉ dám dùng hai chữ "nước lạ" chứ không dám
gọi là "Trung Cộng" vì sợ phạm húy. Thậm chí các cuộc biểu tình chống
quân Tàu xâm lược cũng bị đàn áp trong nhiều năm qua, với hàng trăm công
dân yêu nước đang bị đày đọa trong tù, là bằng chứng điển hình cho sự
khiếp nhược của triều đình cộng sản hiện nay trước kẻ thù truyền kiếp
phương Bắc.
Rất may mắn là Thái phó Trương Hán Siêu đã qua đời từ mấy trăm năm
trước. Nếu không thì ông sẽ lãnh án tù chung thân chỉ vì bài phú mà bạo
quyền Hà Nội sẽ kết án là "phá hoại mối quan hệ 16 chữ vàng và 4 tốt của
hai nước Việt - Trung"!
Việt Thái
No comments:
Post a Comment