Chủ Nhật 27.09.2015
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Dian
Thưa các quí vị đảng viên cộng sản lâu năm, các bạn công an, bộ đội,
Theo thông tin chưa chính thức, cuối năm nay Việt Nam sẽ tiếp đón gần
như cùng lúc cả Obama và Tập Cận Bình. Đây là hai nhân vật quyền lực
thuộc hạng đứng đầu thế giới và cũng là hai nhân vật thuộc hai thái cực
văn minh của nhân loại: Obama là tổng thống của một nhà nước dân chủ,
văn minh thuộc hạng nhất thế giới; Tập Cận Bình là chủ tịch đảng, chủ
tịch một nhà nước phi dân chủ thuộc hạng độc ác nhất thế giới.
Chỉ cách đây chưa đến 20 năm, nhà nước cộng sản Việt Nam gần như chỉ
duy trì quan hệ gần gũi với các quốc gia độc tài cộng sản. Quan hệ với
Mĩ và đón tiếp một tổng thống Mĩ là điều không tưởng đối với người dân
Việt Nam vì hệ thống tuyên truyền của chính thể cộng sản luôn coi Mĩ là
"đế quốc đầu sỏ", là "kẻ thù không đội trời chung" với nhân dân Việt
Nam. Những sáo ngữ tuyên truyền đó không chỉ xác định quan điểm chính
trị, ngoại giao của đảng cộng sản Việt Nam khi đó mà còn là mệnh lệnh
buộc người dân Việt Nam phải tránh xa Mĩ và căm thù Mĩ.
Nhưng, như chúng ta đã thấy, khi Bill Clinton - tổng thống Mĩ đầu
tiên đặt chân tới Hà Nội vào năm 2000, giới báo chí trong và ngoài nước
đã phải sửng sốt khi thấy rất nhiều người dân Hà Nội đã tự động trở dậy
từ sớm để ra đường ngóng trông, chào đón đoàn xe của Tổng thống Clinton
chạy từ phi trường Nội Bài vào nội đô Hà Nội. Thái độ chào đón tự động
này của người dân chưa bao giờ xảy ra đối với tất cả các nhân vật lãnh
tụ cộng sản Trung Cộng hay Nga Xô đã từng thăm Hà Nội.
Những biểu hiện của người dân như thế cho chúng ta biết rằng có những
chân lý, sự thực dù bị vùi dập, cấm đoán hay bóp méo đến đâu người dân
vẫn nhận ra được. Người dân vẫn không bị lầm lẫn và khi có cơ hội là
người dân bày tỏ thái độ một cách chính xác.
Chúng ta có thể nói ngay mà không sợ lầm rằng cuối năm nay, chắc chắn
chúng ta sẽ được chứng kiến hai thái độ, hai cách bày tỏ trái ngược
nhau của người dân Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung dành cho Obama
và Tập Cận Bình, nếu như hai nhân vật này đến thăm Hà Nội đúng như dự
kiến.
Năm nay là năm đánh dấu 20 năm nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thiết
lập quan hệ ngoại giao chính thức với cái mà họ gọi là "đế quốc đầu sỏ"
Mĩ và cũng là hai mươi năm người dân Việt Nam bớt lo ngại, bớt sợ hãi
khi bày tỏ yêu Mĩ, ca ngợi Mĩ.
Thưa quí vị, quí bạn, nhìn trên góc độ lợi ích dân tộc, việc nhà cầm
quyền cộng sản Việt Nam quyết định lập bang giao với Mĩ là một quyết
định đáng hoan nghênh. Những dấu hiệu tăng cường quan hệ gần đây giữa
hai chính quyền Mĩ và chính quyền cộng sản Việt Nam cũng là những dấu
chỉ cần được động viên, cổ vũ.
Tuy nhiên, mối quan hệ Mĩ-Việt nam cộng sản trong 20 năm qua cho thấy
não trạng của giới lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam vẫn hoàn toàn ở
trong vòng cương tỏa, lệ thuộc Trung Cộng. Các quyết định lớn có tính
chiến lược của đảng cộng sản Việt Nam vẫn chỉ là sự bắt chước, sao chép,
làm lại các việc đã làm của Trung Cộng. Chúng ta hãy cùng xem lại một
số sự kiện để thấy rõ thêm cái não trạng lệ thuộc hèn yếu đó của đảng
cộng sản Việt Nam:
Việt Nam cộng sản chính thức lập quan hệ ngoại giao với Mĩ vào ngày
11 tháng 07 năm 1995, nhưng Trung Cộng và Mĩ đã chính thức lập bang giao
trước đó gần 20 năm, vào ngày 01 tháng 01 năm 1979.
Năm 2000, ngày 16 tháng 11, Việt Nam cộng sản lần đầu tiên đón tiếp
Tổng thống Mĩ thăm Việt Nam. Trung Cộng đã làm việc tương tự trước đó
gần 30 năm. Mao Trạch Đông trịnh trọng đón Tổng thống Nixon thăm Bắc
Kinh vào ngày 21 tháng 02 năm 1972.
Năm 1986, đảng cộng sản Việt Nam phải thực hiện chính sách "đổi mới"
mà thực chất là sự thừa nhận những cấm đoán trước đây là sai lầm, phải
mở rộng quan hệ với thế giới tư bản, chấp nhận kinh tế nhiều thành phần
và kêu gọi các nhà tư bản quốc tế vào đầu tư trợ giúp Việt Nam. Nhưng
Trung Cộng đã chính thức công bố chính sách "đổi mới" trước đảng cộng
sản Việt Nam gần 10 năm, đó là năm 1978 khi Đặng Tiểu Bình tuyên bố
chính sách "Bốn hiện đại hóa".
Vài năm gần đây, đảng cộng sản Việt Nam đã tiến hành nhiều vận động
nhằm được Mĩ dỡ bỏ cấm vận vũ khí để có thể mua được các khí tài hiện
đại trang bị cho hệ thống quốc phòng Việt Nam. Nhưng các động thái đó
đều chỉ diễn ra sau rất lâu các sự kiện Trung Cộng xâm lấn, thôn tính,
xâm nhập lãnh thổ, lãnh hãi Việt Nam. Ở đây chúng ta buộc phải cùng nhau
nhớ lại Hội nghị Thành Đô đã xảy ra 5 năm trước khi Việt Nam cộng sản
thiết lập quan hệ với Mĩ. Các hiệp ước, hiệp định biên giới trên bộ và
vùng biển giữa cộng sản Việt Nam và Trung Cộng cũng như các sự kiện Tam
Sa, Rừng đầu nguồn, Boxit Tây nguyên, Bãi Chữ Thập, Vũng Áng đều xảy ra
trước các cuộc vận động mua vũ khí Mĩ của cộng sản Việt Nam.
Thưa quí vị, quí bạn, tới đây chúng ta buộc phải cùng nhau đặt một câu hỏi:
Phải chăng đảng cộng sản Việt Nam đang gia tăng quan hệ với Mĩ là
nhằm thoát khỏi vòng lệ thuộc Trung Cộng hay nhằm che chắn tốt hơn mưu
đồ nhượng bộ, bán nước cho Trung Cộng? Đây sẽ là chủ đề bàn luận của
chúng ta trong chuyên mục này những lần tới.
Dian và Tiến Văn xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại vào Chủ Nhật tuần tới.
Tiến Văn
27/09/2015
No comments:
Post a Comment