Thứ Hai, 14.09.2015
Việt Nam trong thế kỷ 21, vẫn đầy dẫy nhiều khẩu hiệu trơ trẽn và vô cảm của đảng và nhà nước CS, không khác gì những thủ đoạn tuyên truyền và kiểm soát tư tưởng xưa cũ của Đức Quốc Xã thời Hitler hoặc Liên-Xô thời Stalin. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Nguyễn Tuấn với tựa đề: "Đất nước của những khẩu hiệu" sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Có những thứ bất bình thường mà ở Việt Nam người ta cảm thấy bình
thường. Một trong những thứ đó là... khẩu hiệu. Khẩu hiệu xuất hiện khắp
nơi trên đất nước, từ đồng quê ra thành thị. Thường thường, chúng mang
nội dung tuyên truyền chính trị, ca ngợi công lao trời biển của đảng và
bác, và chính quyền. Nhưng trong thời hội nhập quốc tế và internet, cái
kiểu tuyên truyền bằng khẩu hiệu này cần phải xem lại, chứ không thì sẽ
là một trò cười cho thế giới văn minh.
Có thể rút ra một vài đặc điểm của các khẩu hiệu Việt Nam:
Thứ nhất là các khẩu hiệu ca ngợi tài đức của đảng là nhiều nhất. Như
thấy trên, số khẩu hiệu liên quan đến đảng rất nhiều, nhiều hơn hẳn số
khẩu hiệu liên quan đến HCM và Nhà nước. Điều này thì chắc cũng không
khó hiểu, vì đảng sinh đẻ ra Nhà nước, nên đảng phải xuất hiện nhiều
hơn. Chẳng những nhiều hơn mà còn đứng đầu. Như thấy trên, các khẩu hiệu
có danh sách vài thành phần thì đảng lúc nào cũng đứng đầu, đứng trước
cả dân và đứng trước luôn thiên nhiên (mùa xuân)! Những khẩu hiệu này
cũng nhằm mục tiêu nhắc nhở cho công chúng biết ai đang điều hành đất
nước này và đất nước này vẫn theo Mác-Lê-Mao.
Thứ hai là lời lẽ trong khẩu hiệu thường mang tính đạo cao đức trọng
và lúc nào cũng... tự khen. Thú vị nhất là tự hô "muôn năm", tức là bắt
chước theo các vua thời chế độ phong kiến bên Tàu. Đả phá phong kiến,
nhưng lại dùng ý tưởng của phong kiến. Thật là trớ trêu! Nhất là khẩu
hiệu "Đảng ta là đạo đức, là văn minh". Nhưng nếu người đọc tự hỏi "ta"
là ai? Chắc chắc số người tự nhận "ta" trong văn cảnh này chỉ có chừng
2-3 triệu. Ấy thế mà họ tự nhận là "đạo đức, văn minh". Mà, thật ra, hai
chữ này - là danh từ - cũng chẳng có ý nghĩa gì cả. Đạo đức có thể là
tốt, nhưng cũng có loại đạo đức tồi, đạo đức xuống cấp. Còn "văn minh"
là gì? Chẳng lẽ dân tộc này chưa có nền văn minh? Toàn bộ câu khẩu hiệu,
do đó, rất tối nghĩa.
Thứ ba là các khẩu hiệu mang tính dạy đời, nhắc nhở. Có thể nói rằng
tất cả các khẩu hiệu ở VN nó giống như ai đó lơ lửng ở trên cao trong
vòm trời đang nói với lương dân phía dưới, mà lương dân không biết kẻ đó
là ai. Ví dụ như khẩu hiệu nhắc nhở người dân rằng đảng CSVN là người
lãnh đạo mọi thắng lợi, và phải đời đời nhớ ơn chủ tịch HCM. Ai là tác
giả khẩu hiệu đó? Tại sao tác giả có cách viết trơ trẽn như thế? Nhưng
có lẽ do không đủ thì giờ và kích thước, nên người viết khẩu hiệu không
nhắc nhở người dân phải nhớ ơn gì. Điều làm người ta khó chịu là những
khẩu hiệu đó cứ như là dí vào mặt công chúng, tức là một sự ép buộc và
tra tấn tinh thần.
Thứ tư là tất cả các khẩu hiệu chính trị xã hội chỉ mang tính "tích
cực" chứ tuyệt đối không có tiêu cực. Thật vậy, hoàn toàn không có biểu
ngữ nào chống tham nhũng, chống việc mua quan bán chức, chống nạn quan
liêu. Như vậy người ta chỉ chọn những chủ đề liên quan đến người dân,
chứ những gì liên quan đến quan chức thì người dân không được biết (hay
không có quyền biết) Có lẽ chính vì thế mà các khẩu hiêu được thiết kế
để nói với người dân bằng những lời lẽ trịch thượng. Đọc qua có cảm giác
như là cha mẹ lên lớp cho con cái, hay như thầy giảng cho trò nghe, hay
thực tế hơn là như quan chức dạy cho thường dân. Hàm ý trong cách nói
đó là một giả định rằng người dân còn ngu ngơ, dốt nát, không hiểu gì về
đạo lý xã hội và sức khỏe.
Thứ năm là khẩu hiệu ở Việt Nam thường mang một thông điệp ngầm, và
thông điệp này có khi hoàn toàn ngược lại 180 độ so với ý nghĩa bề ngoài
của chữ viết. Ngày xưa, khi người dân không có độc lập và tự do, thì
khẩu hiệu "Không có gì quí hơn độc lập tự do" xuất hiện đầy đường (nhưng
nay thì rất hiếm). Ví dụ như khi nhắc nhở "Toàn đảng, toàn dân, toàn
quân tích cực học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí
Minh" thì người ta hiểu rằng hiện nay các đảng viên không học theo tấm
gương của ông. Hay như "Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại" có
nghĩa là cán bộ đã quên ơn ông. Và, qua cách hiểu đó người đọc cũng có
thể suy luận ra khẩu hiệu "Đảng cộng sản Việt Nam muôn năm" có ý nghĩa
gì. Do đó, những biểu ngữ này là một loại ngôn ngữ mà George Orwell từng
đề cập đến: Phản nghĩa.
Nhìn qua biểu ngữ người ta có thể đoán được một phần nào tình hình xã
hội hiện nay. Chẳng hạn như nhìn qua biểu ngữ nói về sự quí trọng con
trai và con gái, chúng ta biết rằng ở VN đang có tình trạng mất cân đối
giới tính và giết thai nhi. Ở Việt Nam ngày nay, tỉ lệ thiếu nữ vị thành
niên phá thai thuộc vào hàng cao nhất thế giới. Đó là một con số chẳng
ai lấy làm tự hào. Hay như nhìn qua biểu ngữ về kế hoạch hóa gia đình,
chúng ta có thể đoán rằng dân số VN đang tăng một cách đáng ngại.
Nhưng câu hỏi đặt ra là những tuyên truyền như thế có hiệu quả không?
Chẳng biết người ta có làm nghiên cứu để tìm hiểu hiệu quả của những
cuộc vận động, của những biểu ngữ như thế hay không.
Ở VN, cứ mỗi khi có vấn đề gì hay sự kiện gì cần đến công chúng là
người ta nghĩ ngay đến tuyên truyền và "giáo dục". Ai cho phép và các
cán bộ có tư cách gì mà giáo dục công chúng? Tuyên truyền do đó là hình
thức thụ động nhất trong việc huy động quần chúng. Hình như giới tuyên
truyền ở Việt Nam vẫn làm theo mô hình và cách thức mà họ đã học từ Tàu,
từ Liên-Xô cũ, chứ không sáng tạo ra cái gì mới. Tại sao họ không nghĩ
ra cách thức chuyển tải những thông điệp chính trị - xã hội đi vào người
dân một cách nhẹ nhàng, vui nhộn và nhất là bình đẳng. Do đó, cho đến
nay, người dân vẫn phải chịu trận với cách tuyên truyền rất trịch
thượng, phản cảm, vô duyên và có khi vô nghĩa. Đó là một sự tra tấn tinh
thần cần phải chấm dứt.
Nguyễn Tuấn
No comments:
Post a Comment