Tuesday, September 1, 2015

Ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ

Thứ Ba, 01.09.2015    
Đạo đức con người là giá trị căn bản của xã hội. Một xã hội đầy sóng gió bất an mà sự tồn vong bị đe dọa là do đạo đức làm người bị vi phạm, bị thương tổn vì thế muốn có một cuộc sống yên bình, an ổn thì người dân phải đứng lên tái lập lại nền tảng đạo đức, chống trả mọi xâm phạm, xâm tổn làm nguy hại đến xã hội quốc gia. Để tiếp nối chương trình hôm nay qua tiết mục Đất Nước Đứng Lên, mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi bài viết:" Ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ " của Phước An Thy qua sự trình bày của Nguyên Khải
Ngày xưa, khi còn nhỏ, tôi đã được giáo dục với niềm tin rằng, cái thiện luôn chiến thắng và cái ác luôn thất bại, nhưng sau năm 1975 thì mọi thứ đã ngược chiều. Bởi thực tế xã hội lúc bấy giờ, người hiền hầu như lâm vào hoàn cảnh sống nghèo hèn, bị áp bức, tù tội và chết sớm, trong khi đó kẻ ác lại có quyền lực, sung sướng trong cảnh giàu sang, sống lâu và chết một cách thanh thản. Những điều ấy làm tôi, tuổi mới lớn, cứ phân vân suy nghĩ đến câu mẹ tôi thường khuyên: "Ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ", vì thấy không phải ai ở hiền cũng gặp lành và lúc nào kẻ ác cũng bị trừng trị.
Tối ngày 30/4/1975 lần đầu tiên tôi được biết một kẻ ác, nhưng không bị trừng trị. Tối đó, Sài Gòn đang trong tình trạng hỗn loạn, mọi người đang hoang mang, Ba Phương đã chạy vào nhà một đại úy bảo vệ vòng đai Tân Sơn Nhất, y bắn chết ông đại úy trước mặt vợ con của vị đại úy này.
Ba Phương là một cán bộ Việt cộng nằm vùng tại ngã Ba Bà Quẹo. Ba Phương, một kẻ sát nhân như vậy mà sau này lên làm Phó chủ tịch, rồi Chủ tịch UBND quận Tân Bình, Sài Gòn.
Phải chăng một phần nguồn gốc tính ác phát xuất từ lý thuyết "Đạo đức cách mạng" của Cộng sản và có lẽ cũng một phần từ tính đê tiện của người đó. Với những người bất nhân, mông muội, không có lý trí mà nắm quyền hành, cai quản dân chúng như vậy thì làm sao xã hội được yên bình và ấm no. Bởi vậy, chẳng có gì lạ khi ngày nay, cứ mở báo ra đọc, nghe truyền thông trong nước đều thấy tội ác tràn lan, xảy ra hằng ngày khắp nơi trong cả nước. Có nhiều tội ác dã man chưa từng thấy trước đây, làm cho mọi người dân lương thiện cảm thấy mình đang sống trong một xã hội bất an và phải luôn đề phòng với mọi người chung quanh.
Pháp luật Việt Nam hiện nay thiếu nghiêm minh, có quá nhiều bất công phi lý, cả bộ máy pháp luật của nhà nước chỉ thi hành luật với tất cả người dân, nhưng lại che chở cho những cán bộ chính quyền, công an, tòa án, quan chức vi phạm pháp luật, khiến kẻ ác không thấy phải sợ, người hiền chán nản, trở nên ù lì, không cảm xúc.
Xã hội Cộng sản ngày nay đã đề cao những giá trị vật chất, địa vị, tiền bạc và những hào nhoáng của bệnh hình thức nên đã phá hủy quan niệm đạo đức cơ bản, khuyến khích tính ích kỷ cá nhân tàn ác của con người. Một xã hội mà khoảng cách giàu nghèo mỗi ngày càng lớn hơn, bởi các nhóm đặc quyền đặc lợi đã câu kết tham nhũng từ trên xuống dưới, bất chấp thủ đoạn để làm giàu mà cơ chế luật pháp của nhà nước Xã hội Chủ nghĩa không kiểm soát được thì sự đạo đức xã hội xuống dốc, giá trị đạo đức băng hoại là tất nhiên.
Khi những cái ác, cái xấu không bị trừng trị đúng mức, khi cái thiện, cái đẹp bị coi thường và tự do, dân chủ, nhân quyền bị chà đạp thì ít nhiều cái ác cũng lây nhiễm, trú ẩn trong mỗi con người như một phản ứng tự nhiên để tồn tại ở một xã hội Việt Nam không tôn trọng luật pháp ngày nay. Nhưng nổi bật hơn cả cái ác chính là sự vô cảm của con người, con người ta ít quan tâm đến người bên cạnh, bịt mắt trước những cái xấu, họ chỉ làm tất cả những gì để đạt được mục đích, giành lấy những điều mình muốn bằng mọi cách, bất kể dùng cả thủ đoạn độc ác hại người và xót xa nhất là họ thấy đó là bình thường, không có gì áy náy hay hối hận cả.
Mới đây tin tức thế giới đã đưa tin, "Seif al-Islam Gaddafi, con trai nhà độc tài Libya Muammar Gaddafi đã bị kết án tử hình. Bên cạnh Seif al-Islam Gaddafi, tòa án Tripoli còn kết án tử hình 8 người khác, bao gồm cựu giám đốc tình báo Abdullah Senussi và thủ tướng cuối cùng của chế độ cũ Al-Baghdadi al-Mahmudi. Những người này bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh hồi năm 2011, thời điểm ông Gaddafi bị lật đổ. Ngoài ra, còn có 8 cựu quan chức khác bị tuyên án chung thân, 7 người nhận án 12 năm tù". Chế độ độc tài không thể tồn tại mãi được, những kẻ độc tài bạo ngược không sớm thì muộn cũng bị người dân hỏi tội và trừng trị.
Trong thời đại Internet, mọi người dân không thể im lặng trước tội ác như những việc này không xảy ra, mà phải tố cáo những tội ác, lối sống sa đọa, những vụ tham nhũng, những tài sản, những chuyện bán đất, bán biển, bán đảo của các lãnh tụ, cán bộ, đảng viên Cộng sản với toàn dân, với tất cả các tổ chức quốc tế.
Người dân phải có thái độ không chấp nhận sống bị lệ thuộc bởi một đảng Cộng sản, bị cai trị bởi thể chế, chính quyền độc tài Cộng sản, phải có trách nhiệm đưa những tội ác của Cộng sản cho toàn xã hội biết, để kẻ phạm tội không thể sống thảnh thơi, khinh thường người dân nữa.
Chế độ Cộng sản thối nát sẽ mãi gây đau khổ cho dân tộc Việt Nam, chế độ độc tài bất lực, phản dân hại nước sẽ tiếp tục bán đất, bán biển cho kẻ thù. Để làm cho chế độ độc tài Cộng sản Việt Nam sụp đổ, mà người dân chỉ cầu nguyện suông, chỉ mong người khác chống đối chế độ Cộng sản giùm mình thì chắc sẽ còn phải chịu mãi cảnh lầm than dưới tay những kẻ độc ác, những kẻ bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được điều mình muốn.
Mọi người, nhất là các bạn trẻ phải học tập những kỹ năng để thực hiện thành công cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ, phải can đảm dấn thân, hợp tác với các nhà đấu tranh, sẵn sàng tham gia cùng với tất cả người Việt yêu chuộng hòa bình, dân chủ trên thế giới để nói lên sự thật về tội ác của Hồ Chí Minh và phơi bày bản chất bán nước của đảng Cộng sản Việt Nam. Vận động toàn dân lên án sự tàn ác của chế độ độc tài, sự tham nhũng thối nát, sự cửa quyền của giai cấp cai trị từ làng, xã, huyện cho đến tỉnh thành, chống đối sự đàn áp, ức hiếp, bóc lột dân nghèo, thì mới mong sớm thoát cảnh bị áp bức, thoát sự cai trị của bạo quyền Cộng sản.
Ở ác gặp dữ, các đảng viên Cộng sản Việt Nam hãy sớm thức tỉnh đừng để bản thân và gia đình có một kết cuộc như Gaddafi và chế độ độc tài của ông ta. Còn những kẻ giàu có do gian tham, hành xử bất công tàn ác, hãy quay lại vì khi thời thế thay đổi, người dân sẽ trừng phạt công minh. Đừng quên rằng tội ác chỉ giấu người đời trong thời gian chứ không giấu lâu được, "Lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng khó thoát", hãy sống sao để không bị người dân căm giận, phẫn nộ khi trừng phạt các đảng viên Cộng sản, cán bộ chính quyền, công an và cả các thân nhân đã ỷ quyền cậy thế hà hiếp dân lành, cướp của dân để làm giàu.
Ở hiền gặp lành, không có nghĩa là sống hiền lành ngoảnh mặt làm ngơ trước cái xấu, cái ác, sống nhẫn nhục chịu đựng, sống hèn, mặc kệ công an đánh chết dân, mặc kệ quan chức tham nhũng, không cần biết đảng Cộng sản bán nước, không quan tâm đến dân tộc Việt Nam thua xa các nước Đông Nam Á... Mà phải sống hướng tới sự tích cực, chống lại cái xấu, dám thể hiện quyền làm chủ bản thân, làm chủ đất nước để tiến đến một xã hội tự do, dân chủ đích thực, đem lại sự công bằng xã hội và hạnh phúc ấm no cho người dân.
Phước An Thy

No comments:

Post a Comment