Thứ Tư 06.08.2014
Tinh thần trách nhiệm hay trách
nhiệm Con Người là một đề tài cần phải tìm hiểu và đánh giá. Nguyên Hồng
sẽ trình bài Trách Nhiệm Bản Thân trong kỳ phát thanh hôm nay
Ở những nước tự do dân chủ, sự giáo dục của trẻ em từ thuở nhỏ luôn
luôn nói đến trách nhiệm của Con Người mà tiêu biểu là trách nhiệm của
chính bản thân của trẻ đối với cá nhân mình và những người gần gũi mình
nhất đó là gia đình.
Khi đứa trẻ trưởng thành để đi làm việc, cái quan niệm về trách nhiệm
luôn luôn nằm trong suy nghĩ của chính mình và từ đó trong mọi sinh
hoạt của mọi người tại các quốc gia dân chủ đều mang một tinh thần trách
nhiệm rất cao đối với bản thân, gia đình và xã hội.
Trách nhiệm đó là gì và tương quan giữa những trách nhiệm đó ra sao?
Nếu thực hiện trách nhiệm của gia đình nhưng ảnh hưởng đến trách nhiệm
của một công dân đối với một đất nước và dân tộc thì phải giải quyết ra
sao?
Tinh thần trách nhiệm hay trách nhiệm của con người đối với gia đình,
công ty, công việc, quốc gia, dân tộc là những điều cần phải tìm hiểu
và đánh giá. Để từ đó, chúng ta đem đi so sách với tình trạng của đất
nước hiện giờ, với những người đang cầm quyền hiện giờ, hầu chúng ta có
biện pháp thích ứng để thay đổi cái lối suy nghĩ vô trách nhiệm đang xảy
ra tại xã hội Việt Nam trong khoảng thời gian quá dài, quá lâu.
Trách nhiệm với chính bản thân
Khi nói về trách nhiệm Con Người thì phải bắt đầu từ chính bản thân.
Đây là nền tảng căn bản nhất để đưa đến những trách nhiệm khác mà khi ra
ngoài xã hội, mỗi con người trưởng thành có thể hoàn thành những trách
nhiệm khác. Nền tảng căn bản này không có sẽ đưa đến những hệ quả không
tốt cho gia đình, cho xã hội, và sau cùng là cho quốc gia.
Nhưng trách nhiệm với chính bản thân là gì? Ai dạy những điều đó hay tự bản thân chúng ta học hỏi qua kinh nghiệm của cuộc sống?
Thực ra, trách nhiệm với chính bản thân được sự dạy bảo của những
người gần gũi ta nhất -- đó là cha mẹ, ông bà, họ hàng chú bác. Ngay từ
tuổi thơ ấu, chúng ta được bố mẹ dạy bảo là không nói láo. Và ngược lại ở
lứa tuổi thơ ấu này, chúng ta xem những lời hứa của bố mẹ rất là quan
trọng. Và nếu bố mẹ không giữ lời hứa sẽ tạo một sự hụt hẫng niềm tin
vào bố mẹ. Thí dụ bố mẹ hứa là cuối tuần này đi thăm ngoại. Thế nhưng
cuối tuần bố mẹ không dẫn đi thăm ngoại và cũng không có lời giải thích
tại sao không đi thăm ngoại được, thì lứa tuổi này sẽ giận hờn với bố mẹ
bởi bố mẹ không giữ lời hứa hoặc sẽ nhắc chuyện đi thăm ngoại cho đến
khi bố mẹ thực hiện lời hứa.
Cũng ở trong lứa tuổi thơ ấu này, chúng ta được bố mẹ, họ hàng dạy
bảo những cái gọi là xấu -- chẳng hạn như lấy đồ của kẻ khác mà không
xin phép, hoặc đánh trẻ khác cùng xóm vì một chuyện gì đó. Khái niệm
đúng-sai, đạo đức – phi đạo đức đã bắt đầu hình thành trong lứa tuổi thơ
ấu. Và khi chúng ta làm một điều gì sai trái, chẳng hạn như ăn cắp của
kẻ khác và khi bị bố mẹ phát hiện, bố mẹ sẽ đưa ra những trừng phạt cho
chúng ta. Bố mẹ sẽ bắt chúng ta trả đồ lại cho người, bắt chúng ta xin
lỗi người mà chúng ta lấy đồ vô cớ, đồng thời sẽ phạt chúng ta úp mặt
vào tường 15 phút, hoặc không cho chúng ta đi chơi đâu đó trong ngày hôm
đó, hoặc tuần lễ đó. Những cái phạt xem ra rất là con nít đấy đã dạy
chúng ta có khái niệm nhận lãnh trách nhiệm trước những việc làm sai
trái của chính mình.
Khi lớn lên chúng ta đến trường lớp, chúng ta được học hỏi cách cư xử
lẫn nhau và tiếp tục học hỏi tinh thần trách nhiệm với chính bản thân.
Nếu thầy cô giáo cho bài để về nhà làm, chúng ta không làm thì cuối cùng
chúng ta sẽ bị điểm xấu. Hoặc tới kỳ thi chúng ta sẽ không làm được
những bài thi mà thầy cô giáo đưa ra bởi vì không chịu làm bài trong quá
khứ. Chúng ta không có trách nhiệm với chúng ta, không có kỷ luật với
chúng ta trong việc làm bài vở thì kết quả mà chúng ta nhận lãnh là
không được lên lớp cho khóa học sắp tới. Tinh thần trách nhiệm và hệ quả
của sự vô trách nhiệm được chứng nghiệm ngay từ lúc chúng ta chập chững
bước vào trường lớp.
Khi chúng ta đến tuổi trưởng thành và ra sống ngoài xã hội, những gì
đã học từ bố mẹ, họ hàng và ở trường học -- trở thành những căn bản
trong con người của chúng ta. Chúng ta luôn luôn có trách nhiệm với
chính bản thân khi đi ra ngoài đường và hành xử với người khác. Chúng ta
sẵn sàng nhận lỗi khi biết rằng mình làm điều gì đó sai trái cho dù sự
sai trái đó không phải là điều chúng ta mong muốn. Chúng ta luôn luôn
cân nhắc trong mỗi hành động khi mà hành động của chúng ta có thể ảnh
hưởng đến nhiều người. Chính vì sự cân nhắc này, chúng ta không muốn làm
hại ai đó trong xã hội. Chính vì sự cân nhắc này, vô hình chung chúng
ta tạo ra một xã hội Tử Tế như phim Chuyện Tử Tế của đạo diễn Trần Văn
Thủy mà chúng ta đã nói đến tuần trước đó.
Tinh thần trách nhiệm với chính bản thân được học hỏi và tôi luyện
trong suốt thời gian thơ ấu cho đến tuổi trưởng thành. Và khi chúng ta
nắm chắc được và làm được trách nhiệm với chính bản thân thì trách nhiệm
kế đến cần phải nói -- đó là trách nhiệm với chính gia đình. Tuần tới
chúng ta sẽ tìm hiểu rõ hơn về trách nhiệm đối với gia đình và trách
nhiệm này có ảnh hưởng đến xã hội ra sao.
No comments:
Post a Comment