Chủ Nhật 10.08.2014
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi
chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với
các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng
máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do
Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Hải Nguyên
Thưa quí thính giả, quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội,
Như đã hẹn nhau kỳ trước, hôm nay chúng ta cùng xem lại vụ án "Xét lại chống Đảng".
"Xét lại chống Đảng" chỉ là cái tên dân dã của một vụ án chính trị mà
Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam khóa III đặt tên là: "Vụ án chống
Đảng theo chủ nghĩa xét lại làm tình báo cho nước ngoài".
Nói đến từ "vụ án" chúng ta luôn hình dung ra vụ việc liên đới tới
tội phạm và tình trạng vi phạm pháp luật, nhưng thực chất "vụ án" này,
như rất nhiều vụ án chính trị khác dưới chế độ cộng sản Việt Nam, chỉ là
một đợt trấn áp, loại bỏ những người bất đồng chính kiến với giới lãnh
đạo cao nhất của đảng cộng sản Việt Nam, chỉ có khác trong trường hợp
này số người bị bắt lên đến gần 300 người và nhiều người thuộc giới đảng
viên cộng sản cao cấp, hoặc những đảng viên, những người đã có quá
trình tham gia, cống hiến rất sớm và rất lớn cho cách mạng cộng sản.
Trong danh sách 30 nhân vật hàng đầu bị bắt, bị thanh trừng có: bốn
(04) ủy viên trung ương trong đó có một giữ chức ngoại trưởng, một trung
tướng thứ trưởng quốc phòng, một thứ trưởng văn hóa, một thứ trưởng
nông trang kiêm thiếu tướng, một đại tá cục trưởng cục tình báo quốc
phòng, một đại tá chánh văn phòng bộ quốc phòng, một đại tá cục trưởng
cục tác chiến bộ quốc phòng, một phó tổng biên tập báo Quân đội Nhân
dân, một phó tổng biên tập báo Hà nội Mới, một phó giám đốc và giám đốc
nhà xuất bản Sự thật, một phó tổng biên tập tạp chí Học tập, một phó bí
thư thành ủy kiêm phó chủ tịch ủy ban hành chính Hà Nội, một tổng thư ký
tòa soạn Quân đội Nhân dân, một viện trưởng viện triết Mác-Lê nin và
một cựu vụ trưởng vụ lễ tân bộ ngoại giao, một phó chủ nhiệm ủy ban khoa
học nhà nước, có hai bố con và một cặp vợ chồng cùng bị bắt, và nhiều
người khác.
Trong số những người bị tống giam, người bị giam cầm lâu nhất là 15
năm, còn trung bình mỗi người bị giam cầm gần 6 năm. Tất nhiên, không ai
được đưa ra xét xử.
Đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi về động cơ căn bản nằm phía sau việc
thanh trừng hàng loạt cán bộ cộng sản cao cấp như vậy. Nhưng có một đặc
điểm lớn bao trùm: tuyệt đại đa số những người bị thanh trừng đều có
quan điểm không tán thành Nghị quyết 09 của đảng cộng sản Việt Nam lúc
đó.
Tháng 12 năm 1963, đảng cộng sản Việt Nam khóa III tiến hành Hội nghị
trung ương 09 trong bối cảnh đang xúc tiến công cuộc phá hoại, xâm
chiếm Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam và phe cộng sản trên thế giới đang bị
chia rẽ sâu sắc vì cuộc đối đầu giữa Liên-xô và Trung Cộng. Nghị quyết
09 của đảng cộng sản Việt Nam đã ấn định xu hướng ngả về Trung Cộng của
Mao Trạch Đông và phản đối đường lối "xét lại" chung sống hòa bình với
phe tư bản của Liên-xô. Trước tình hình đó, nhiều cán bộ cộng sản đã thể
hiện ý kiến bất đồng, phản đối Nghị quyết 09. Những người này cho rằng
đi theo Trung Cộng là sai lầm và họ muốn cùng nhau tạo ra một ảnh hưởng
để tránh sai lầm cho đảng cộng sản Việt Nam. Đứng đầu nhóm người có quan
điểm bất đồng đó là ông Hoàng Minh Chính, Viện trưởng viện Triết học
Mác-Lê nin, người đã từng du học Liên-xô và là nhân vật được Trường
Chinh giao nhiệm vụ khởi thảo Báo cáo chính trị cho Hội nghị Trung ương
09. Nhưng bản thảo của ông Hoàng Minh Chính, với quan điểm tán thành
đường lối "xét lại" của Liên-xô, đã bị lãnh đạo Hội nghị loại bỏ. Tuy
nhiên, ông Hoàng Minh Chính vẫn cho phổ biến nội dung bản dự thảo đó, vì
ông cho rằng đó là một đường lối đúng đắn có lợi cho đất nước và chính
ông đã chứng kiến có tới hơn 70 đảng cộng sản trên tổng số 86 đảng tham
gia Đại hội Quốc tế Cộng sản tại Mạc Tư Khoa năm 1960 đã ủng hộ đường
lối "xét lại" của Liên-xô.
Cho tới nay phần lớn các tư liệu đã được bạch hóa cho thấy ông Lê Đức
Thọ - Trưởng ban Tổ chức Trung ương là nhân vật điều khiển vụ án này.
Theo ông Nguyễn Trung Thành, Vụ trưởng vụ Bảo vệ Đảng, người từng là
cánh tay phải của Lê Đức Thọ khi đó, cho biết: "Ngay từ 1964, khi phát
hiện thấy có những cán bộ không đồng ý với Nghị quyết 9 của Trung ương,
các đồng chí Lê Đức Thọ, phụ trách tổ chức, Trần Quốc Hoàn phụ trách
Công an đã cho tiến hành điều tra, trinh sát các cán bộ này." Nhưng
chúng ta cần lưu ý suốt từ năm 1964 cho tới lúc nổ ra việc bắt giữ hàng
loạt vào nửa cuối năm 1967, Hồ Chí Minh vẫn tại vị ở đỉnh cao quyền lực
và sức khỏe còn khá tốt.
Thưa quí vị, quí bạn, chúng ta đã được biết phần nào về sự đối xử và
điều kiện giam cầm dành cho những người bị bắt trong vụ án "Xét lại
chống Đảng" trong chuyên mục trước. Ở đây chúng tôi chỉ xin đọc lại một
đoạn thư liên quan đến vụ án này:
"Ông Huỳnh bị bắt đêm 18.10.1967, bị còng tay bằng khóa số 8, khi
còng sắt không vừa, công an đã dùng dây thừng trói giật cánh khuỷu ông,
một ông già đã về hưu. Hình ảnh đó cho đến chết tôi cũng không thể quên,
vì nó tàn bạo và man rợ gấp bội phần so với thời thực dân."
Đó là một đoạn trong lá thư viết năm 1995 của cụ Phạm Thị Tề kể về
việc bắt giữ chồng cụ - cụ Vũ Đình Huỳnh, người đã từng làm tới chức Vụ
trưởng Vụ Lễ Tân, là bí thư và trợ lý riêng cho Hồ Chí Minh.
... và Tiến Văn kính chào tạm biệt quí vị, quí bạn. Tuần tới cũng vào
giờ này chúng ta sẽ tiếp tục nói về diễn biến hậu kỳ của biến cố "xét
lại chống Đảng" này.
Tiến Văn
10/08/2014
No comments:
Post a Comment