Thứ Sáu, ngày 08.08.2014
Ý chí vươn lên trong sâu thẳm tâm
hồn con người là ngọn lửa không bao giờ tắt, dù phải sống trong cảnh đời
cơ cực lầm than vô gia đình, vô gia cư. Trong tiết mục Chuyện Nước Non
Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: "
Thằng bé bên trường " của Nguyên Thạch sẽ được Tâm Anh trình bày để
tiếp nối chương trình tối hôm nay.
"Miền Bắc điêu tàn... nên đời nó khổ". Lời của một bài hát thuở nào
vẫn còn vang vọng cho đến hôm nay. Nó xuất thân ở một nơi mà người ta
thường ví von và lấy làm tự hào về một quê hương XHCN. Nghệ An, nơi mà
ngày xưa đã sản sinh ra "Bác" của nó, một người mà đảng cộng sản luôn
tôn vinh như thần thánh, được xem là vị cha già dân tộc, lãnh tụ vĩ đại
Hồ Chí Minh.
Năm 2012, tôi gặp nó cũng như đã từng gặp bao mảnh đời cơ nhỡ khốn
khó khác. Nó được sinh ra ở một làng quê nghèo khổ thuộc huyện Con
Cuông, một huyện miền núi mà người ta thường gọi là "vùng sâu vùng xa".
Bố người Kinh, mẹ người gốc Mường lai một đời, cả hai làm nông. Nó có
một đứa em gái khi nó lên tám, nó bảo rằng em nó có khuôn mặt dễ thương
nhưng rất ốm yếu. Cũng theo lời nó, Bố mẹ làm ruộng rẫy, thường ăn cá
khô nên cả hai đều bị bệnh đau gan, tôi hỏi nó, con có ăn cá khô không?
Nó nói là con đã ăn từ nhỏ, tôi tiếp: Thế con có bị đau gan không, nó
bảo rằng nó không biết.
Bố nó leo núi bị trượt té, chân đập vào đá gẩy cả ống quyển và cụp
xương cột sống, trở thành người mất sức, mẹ nó bị bệnh gan hoành hành,
da mặt vàng vọt, mắt đục ngầu, không tương xứng chút nào với gương mặt
trái xoan của một cô gái Mường lai. Sữa của em nó uống thường là nước
cháo pha đường hoặc nước đậu nành. Nhà nó chẳng có chi hơn cái chữ
nghèo.
Theo Cô nó xuôi Nam vào đầu năm 2012, vào Sài Gòn, Cô, con của cô và
nó xin tá túc ở nhờ nhà của một người bà con tính ra cũng xa lắc xa lơ,
nơi đây, người bà con cho che tạm một túp lều mà theo nó là một "túp lều
lý tưởng" kề bên con kênh nhỏ thuộc quận Bình Thạnh nằm trong thành phố
mang tên "Bác" của mọi tầng lớp già cả lớn bé. Ở đây, công việc của nó
là tập đi bán vé số, cô của nó cũng đi bán vé số, nhưng bán ế quá, bà
chuyển sang nghề đạp xe đi mua ve chai, giấy phế thải để lo cho được có
cuộc sống ở thành phố vinh quang này.
Vì mới tập nghề, chưa có kinh nghiệm, một hôm nó bị hai tên côn đồ
giả bộ mua vé số nhưng cầm luôn mớ vé gần cả trăm tờ leo lên Honda dông
mất. Nó khóc thảm thiết, bởi đây là tài sản vĩ đại nhất mà trong đời
chín tuổi nó chưa từng có. Nó lo sợ và rất cô đơn, chiều hôm đó nó về
nhà muộn vì không dám đối mặt với sự thật.
Nhưng cái gì đến, cũng sẽ đến. Cô nó tức giận buông lời: Tao sẽ bán
mày cho đám buôn người, chúng sẽ chọc mắt mày cho mù mà đi ăn xin thì sẽ
được việc hơn. Câu nói làm nó kinh hãi vô cùng, đêm đó, bụng đói cộng
thêm nỗi lo sợ tột bực, nó không thể nào ngủ được. Thế là nó lẻn khỏi
túp lều lý tưởng trong thành phố mang tên "Bác" nó để bước vào đời vào
giữa 2 giờ khuya.
Câu nói "chọc mắt cho mù" vẫn luôn ám ảnh nên nó cố đi thật xa để
khỏi bị cô nó bắt lại và bán cho đám chuyên bắt cóc con nít. Ban đêm, nó
ngủ trong manh chiếu rách dưới lùm cây rậm, ban ngày nó đứng bên cạnh
nhà hàng hoặc các quán ăn, tay cầm sẵn bịch ni lông, chờ ai ăn thừa thì
nó xin và lấy đổ vào bịch, khi được đầy bịch thấy đủ ăn cho một ngày,
rồi nó lại đi. Nó lang thang suốt ba ngày ròng rã, đôi khi cứ đi lòng
vòng trong phố mà nó cứ tưởng rằng nó đã đi xa. Nó hoàn toàn không có
khái niệm gì về vị trí với khoảng cách; khoảng cách, với nó là thời
gian. 3 ngày, nó nghĩ rằng nó đã đi xa.
Từ khu vực quận Bình Thạnh, sau 3 ngày, nó đã trôi giạt về gần bến xe
miền Tây, nơi đây có một trường tiểu học cũ kỹ, nó tạm tá túc bên hông
vỉa hè, cạnh bức tường có lớp màu sơn loang lổ. Những ngày sau đó, nó đi
xin, tuy ngại ngùng bởi lẽ nó chưa quen xin ai bao giờ. Gom góp cũng
được 300.000 đồng, nó trích 200.000 để đặt cọc lãnh 20 tờ vé số. Như một
con chim trúng đạn, rất sợ bị giựt, nó chỉ dám cầm 20 tờ thôi, khi bán
hết 20 tờ, dẫu sớm dẫu muộn thì nó cũng nghỉ, ban đầu, thời gian rảnh
rỗi, nó đi nghêu ngao, nhìn thiên hạ ăn sang, mặc đẹp, nó rất mơ ước
cũng được như vậy nhưng sau ước mơ là cái cúi đầu tủi thân...
Như thường lệ, mỗi ngày nó chỉ bán 20 tờ vé số, do có kinh nghiệm
hơn, 20 tờ vé số bán hết không lâu. Thời gian ban ngày còn lại, nó núp
bên hông cửa sổ của phòng học, nghe cô giáo dạy, nó cũng lấy bút vở ra
ghi chép một cách rất chăm chú. Nó thuộc bài làu làu và học khá nhanh
hơn bất cứ đứa trẻ nào học chính thức trong lớp. Khi rời Con Cuông Nghệ
An, nó đang học dở dang lóp 2, bây giờ nó chạy qua chạy lại, núp ngoài
hiên phòng học lớp 2 và cả lớp 3. Nó luôn mang giấc mơ là được đi học,
giấc mơ đó, giờ nó cũng đã có được học nhưng là học lén và dĩ nhiên là
không chính thức được đi thi!
Không nhà, độc thân! Thức ăn của nó cũng vẫn là lượm nhặt từ các quán
ăn, nhà hàng. Những lúc nó cầm miếng sườn nướng còn khá nhiều thịt đã
bị bỏ dở của các người nhà giàu thừa ăn, dư để, nhất là từ các đám quan
chức nhà nước rủ nhau ăn nhậu tiệc tùng. Cầm miếng thịt sườn được chan
nước mắt, nó nhớ về Bố mẹ và nhất là đứa em gái của nó có gương mặt trái
xoan nhưng thân thể èo uột, nó lại ước sao được ngồi bên cạnh để đút
cho em nó cùng ăn.
Nỗi cô đơn của đứa trẻ tội tình, sớm bước vào đời để tha phương cầu
thực. Tết, nó lại càng cô đơn hơn. Đêm nằm co ro trong túp lều nhỏ bên
hông trường tiểu học, nó nghe xa xa tiếng ai hát bằng giọng rất tự hào
trong VTV1 "Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh quang vinh..."
Nguyên Thạch
No comments:
Post a Comment