Thứ Tư, ngày 13.08.2014
Những lý thuyết dối trá, lừa bịp về
chủ nghĩa CS nói chung và tính chính danh của đảng CSVN nói riêng cuối
cùng đã bị chính đảng viên CS bóc trần và vạch mặt, khi đưa ra trước
công luận sự xảo quyệt cũng như lọc lừa của bạo quyền hiện nay. Để tiếp
nối chương trình hôm nay qua tiết mục Đất Nước Đứng Lên, mời quý thính
giả đài ĐLSN theo dõi bài viết:" Bốn giai đoạn trong nhận thức về phe
địch và phe ta " của Nguyễn Trần Sâm qua sự trình bày của Nguyên Khải.
Cách đây gần một thế kỷ, vào năm 1917, trên hành tinh của chúng ta
xuất hiện một nhà nước đầu tiên không theo các hình thái đã từng tồn tại
từ trước đến khi đó. Nó được dựng nên tại nước Nga bởi đảng Bolshevik
của Lenin. Sau thế chiến II, người Nga, với tư cách kẻ chiến thắng và
chiếm đóng một nửa châu Âu, đã dựng nên một loạt 7 quốc gia XHCN. Tại
Việt Nam cũng hình thành nhà nước "dân chủ cộng hòa", và sau 1954 thì
nhà nước này tuyên bố đưa miền Bắc lên CNXH.Thêm vào đó, xuất hiện thêm
nhà nước XHCN ở Trung Hoa, ở Triều Tiên, ở Cuba. Như vậy, đã có hẳn một
hệ thống các nước XHCN. Đặc trưng quan trọng nhất của hệ thống XHCN là
mỗi quốc gia chỉ có một đảng; đảng này chi phối mọi mặt của hoạt động xã
hội và tuyên bố trung thành "tuyệt đối" với học thuyết
Marxist-Leninist.
Tại các nước XHCN thì dân được làm chủ nên phe này được gọi là "phe
dân chủ". Người ta cũng gọi ngắn gọn là "phe ta". Đối kháng với "phe ta"
là "phe địch", "phe phản động", tức là "phe tư bản" hay "phe đế quốc".
Phe đế quốc cái gì cũng kém cỏi và xấu xa:
_ Kinh tế thì suy thoái, khủng hoảng liên miên.
_ Nhà nước và giới chủ lại bóc lột người lao động cách tàn tệ.
_ Tệ nhất là vấn đề đạo đức, con người không coi nhau ra gì, sẵn sàng
đâm chém nhau. Lối sống thì đồi trụy, trác táng, nên bệnh dịch tràn
lan. Chính khách tư bản là những kẻ lươn lẹo nhưng ngu dốt.
Phe ta, phe dân chủ, cái gì cũng tốt đẹp. Do "lực lượng sản xuất"
được giải phóng bởi "quan hệ sản xuất mới" tiên tiến nên kinh tế phát
triển như vũ bão. Vì sản phẩm làm ra là của chung nên không ai bị bóc
lột, vì vậy đời sống của mọi thành phần trong xã hội đều rất cao. Đạo
đức cũng là thứ đạo đức mới, tiên tiến, nên con người ai cũng trong
sáng, lao động giỏi.
Khi còn ở tuổi thiếu niên, chúng tôi đã được dạy như vậy và tuyệt đối
tin như vậy. Mà không tin sao được, khi sinh ra ở miền quê một nước mà
bao nhiêu thế kỷ vẫn chưa biết bóng điện là gì và đến tuổi thanh niên
vẫn chưa biết gì khác với những điều như vậy. Ngây thơ ấu trĩ thì ai bảo
gì mà chả tin?
Đó là giai đoạn 1 trong nhận thức của chúng tôi về hai phe.
Đến tuổi thanh niên, khi học đại học, chúng tôi được biết một sự thật
không thể giấu nổi. Đó là vào khoảng năm 1970 thì GDP của LB Soviet là
700 tỉ USD, của Mỹ là 1000 tỉ USD, trong khi dân số hai liên bang này
gần tương đương nhau. Nhiều nước tư bản khác cũng có mức thu nhập bình
quân tương đương với Mỹ, trong khi hầu hết các nước XHCN còn nghèo hơn
LB Soviet rất nhiều. Như vậy, chỉ riêng theo thống kê hình thức thôi thì
kinh tế các nước "phe nó" đã vượt xa các nước "phe ta"!
Khi đó, chúng tôi tự nhủ rằng các nước "phe phản động" thì giàu, nhưng người lao động ở đó vẫn khổ vì bị bóc lột hơn chúng ta.
Đó là giai đoạn 2.
Đôi lần, tôi thắc mắc, sao những trí tuệ vĩ đại như Albert Einstein,
Niels Bohr,... không sang Nga, mà lại sang cái đất nước xấu xa tồi tệ
như Mỹ mà ở. Tôi đem cái thắc mắc đó nói với một thằng bạn thân. Nó trợn
mắt bảo tôi: "TAO KHÔNG NGỜ MÀY NGU ĐẾN VẬY!" Câu nói đó làm tôi bừng
tỉnh. Từ đó, về các vấn đề xã hội, tôi bắt đầu tập suy nghĩ hẳn hoi, chứ
không tiếp thu máy móc lời dạy của ông nọ bà kia nữa.
Từ khi được xem TV, tôi bắt đầu nhìn thấy hình ảnh những con người
thuộc "thế giới bên kia". Những người lao động bình thường ở Anh, Ý,
Mỹ,... Những kẻ thất nghiệp! Họ đang đi biểu tình đòi việc làm. (Tội
nghiệp cho họ. Ở VN làm gì có người thất nghiệp!?) Nhưng kìa! Sao những
kẻ thất nghiệp trông khỏe mạnh thế kia? Nở nang thế kia? Đẹp đẽ, sáng
sủa và đàng hoàng thế kia? Và tôi nhớ cảnh một phóng viên Nga (khi đó
Liên Bang chưa tan rã) phỏng vấn một công nhân Mỹ thất nghiệp. Anh này
nói: "Tôi thất nghiệp đã một tháng nay, đã phải bán đi một cái ô-tô. Nếu
tháng tới vẫn thất nghiệp thì chắc tôi phải bán cái nữa." Ra thế! Một
công nhân thất nghiệp mà có trong nhà ít nhất 2 cái ô-tô! Và sau này tôi
biết, ở nước họ đa số đều như vậy.
Tuy thế, tôi nghĩ, tư bản thì giàu, người lao động ở đó cũng giàu,
nhưng vô đạo đức. Đó là kết luận của giai đoạn 3 trong nhận thức của tôi
(và chúng tôi) về hai phe.
Năm 1985, khi nền kinh tế của LB Soviet đứng trên bờ vực phá sản,
đảng CS ở đó buộc phải tiến hành "cải tổ". Một năm sau, đảng CSVN cũng
"đổi mới" để tránh nguy cơ tương tự. Nội dung "cải tổ" và "đổi mới" có
nhiều điểm mang tính "dân chủ hóa". Thật đáng ngạc nhiên, thậm chí phải
sửng sốt: lẽ ra đã là "phe dân chủ" rồi thì không cần "dân chủ hóa" nữa,
hoặc nếu vẫn dân chủ hóa từ xã hội càng khác xa thêm so với "phe phản
động, nhưng đằng này, sau khi dân chủ hóa thì thấy "phe ta" l ại giống
"phe địch" một chút! Sao lạ quá vậy?
Sau đó, khi có cơ hội , tôi đọc khá nhiều loại sách báo liên quan đến
các nước tư bản phát triển. Dần dần, tôi biết rằng dân ở đó sống thật
thà. Họ không có những tiêu chuẩn đạo đức cao xa, nhưng họ cư xử với
nhau đầy tình người. Đặc biệt, khi cơ quan tôi có một số lần được tiếp
những nhóm, nh ững đoàn chuyên viên từ Pháp, Mỹ đến làm việc thì tôi
bỗng thấy họ hơn hẳn chúng ta không những về kiến thức hiểu biết mà còn
cả về tư cách con người. Bấy giờ, tôi đã nghĩ ra do đâu mà xã hội của họ
văn minh như vậy. Họ không chỉ giàu sang, mà còn thông minh, trung
thực, chân tình và còn rất khiêm tốn nữa. Mặc dù họ giỏi hơn chúng tôi
rất nhiều, nhưng mỗi ý tưởng hay mà ai đó trong chúng tôi nêu ra đều
được họ lắng nghe với thái độ thực sự tôn trọng.
Đó là giai đoạn 4, giai đoạn cuối trong nhận thức của tôi về hai
"phe". Ở giai đoạn này, tôi đã nhận ra rằng phe địch về đạo đức cũng tốt
hơn phe ta.
Một sự đảo lộn toàn phần trong nhận thức của tôi!
Nguyễn Trần Sâm
No comments:
Post a Comment