Thứ Bảy, ngày 09.08.2014
Thưa quý thính giả, trong chuyên
mục Những Vấn Đề Của Chúng Ta Tuần Này cũng như trong những tuần lễ kế
tiếp, chúng tôi xin được thảo luận qua đề tài Hiện Trạng Y Tế Việt Nam.
Diễn giả cũng là khác mời của chúng tôi hôm nay là Tiến sĩ Mai Thanh
Truyết. Trước năm` 1975, Ông là Giảng sư, Trưởng Ban Văn Hóa Đại học Sư
Phạm Sài Gòn, Ông cũng là một nhà chuyên môn trong việc thanh lọc các
chất phế thải lỏng và rắn. Hiện nay Ông cũng là Chủ tịch Hội đồng Quản
trị Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam tại hải ngoại (Vietnamese
American Science & Technology Society – VASTS) được thành lập tại
Nam California từ năm 1990. Hải Nguyên kính chào Giáo sư Mai Thanh
Truyết và xin Ông gởi lời chào đến thính giả của đài Đáp Lời Sông Núi.
MTT: Tôi, Mai Thanh Truyết xin thân chào đến tất cả
bà con, đặc biệt là giới trẻ, một tiềm năng lớn có khả năng rút ngắn
tiến trình dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam.
Hải Nguyên: Thưa Ông, cám ơn Ông đã nhận lời mời cho
chương trình "Những vấn đề của chúng ta" hôm nay, trước hết, xin ông
nói rõ thêm về mình và nguyên nhân nào khiến Ông đặt trọng tâm vào
chuyện Việt Nam trong quá trình hoạt động ở hải ngoại của Ông trong suốt
hơn 20 năm qua, thưa Ông?
MTT: Thưa anh, sống trên đất nước tạm dung nầy trên
30 năm, và vào năm 1995, khi các con đã vào đại học, công cuộc mưu sinh
tương đối ổn định, và nhứt là nghề chuyên môn của tôi nằm trong lãnh vực
ô nhiễm môi trường, và ô nhiễm nguồn nước...từ đó tôi nảy sinh ra việc
khảo sát và nghiên cứu về sông ngòi và nguồn nước ở VN.
Hải Nguyên: Như vậy có thể nói Ông có nghiên cứu về nguồn nước ở VN. Ông khảo sát và nghiên cứu như thế nào?
MTT: Thưa anh, qua kinh nghiệm UNICEF giúp người dân
Bangla Desh xây dựng hơn 4 triệu giếng để có nguồn nước sạch để tránh
việc dùng nước mặt dễ sinh các bịnh đường ruột. Và kết quả là hơn 5
triệu người dân xứ nầy bị nhiễm độc arsenic còn gọi là thạch tín, hiện
diện trong nước giếng. Và từ năm 1980 trở đi, cũng cùng lý do trên,
UNICEF cũng khuyến khích người Việt đào giếng để "có nước sạch". Người
dân Đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu đào giếng vừa để dùng trong sinh
hoạt và chăn nuôi. Tôi, qua bạn bè, người thân đã bắt đầu lấy các mẩu
nước giếng và đất trong suốt hơn 2 năm để phân tách các hóa chất hiện
diện trong đó. Và đến năm 2002, tôi công bố kết quả ban đầu trên báo
Orange County Register, kết luận rằng nguồn nước ở VN bắt đầu bị ô
nhiễm. Sau đó, những vấn đề như Câu chuyện Da Cam/Dioxin càng làm cho
tôi dấn thân vào vấn đề môi trường ở VN thêm nữa.
Hải Nguyên: Như vậy là ông đã có một quá trình dài đóng góp vào ..."Câu chuyện môi trường ở VN phải không? Ông có viết sách không?
MTT: Thưa có thưa anh. Từ năm 2002 đến 2006, tôi phụ
trách chương trình hàng tuần. Đó là "Câu chuyện khoa học & Môi
trường" trên đài Á châu Tự do (RFA) cũng như viết nhiều sách từ đó đến
nay như: Câu chuyện Da cam Việt Nam, Từ Bauxite đến Uranium: Tiến trình
Hán hóa của Trung Cộng có tái bản (viết chung với GS Trần Minh Xuân và
TS Phan Văn Song), Những vấn đề môi trưởng ở Việt Nam (tái bải 1 lần),
Tâm tình người con Việt, và mới đây nhứt tôi vừa cho in 2 tập sách "Việt
Nam Tương Lai: Những vấn đề cần phải làm". Tôi cũng cùng viết chung với
GS Trần Minh Xuân trong các sách "Thư Cho Con" từ số 14 trở đi. Đến nay
đã phát hành số 23 rồi...
Hải Nguyên: Như vậy Ông đã đóng góp rất nhiều cho
câu chuyện Việt Nam và nhìn về tương lai, Ông có thể cho thính giả trong
nước biết thêm về sự việc nầy.
MTT: Thưa anh, trong dịp ra mắt cuốn sách "Những Vấn
Đề Môi Trường Việt Nam" năm 2010 tại Orange, CA, Luật sư Nguyễn Hoàng
Duyên, một đồng nghiệp ở Ban Hóa học, Đại học Sư phạm Sài Gòn trước 1975
có nêu bốn câu thơ của Võ Quốc Lịch như sau:
Ngẫu nhiên trời đất xoay quanh
Ngẫu nhiên cha mẹ sinh thành ra con
Ngẫu nhiên trong cuộc mõi mòn
Ngẫu nhiên đưa ngực hứng đòn tử sinh
Ls Duyên đọc ra đây để nói về những việc làm của cá nhân tôi trong
mấy chục năm qua và tình nguyện chấp nhận "đòn tử sinh" từ nhiều phía.
Và cũng mĩa mai thay, đòn tử sinh nầy không những đến từ những người CS
Bắc Việt, nguyên nhân của mọi khổ đau của dân tộc. Mà đòn tử sinh còn
đến từ phía những người đã từng là bạn trong một thời gian dài, nhưng vì
khác quan điểm và ...con đường về quê hương, cho nên biến thành thù. Và
đòn tử sinh thứ ba đã đến từ những người "nửa hồng nửa xanh", những
người thường thường xuôi theo làn gió vì quyền lợi cá nhân.
Nhưng dù sao đi nữa, chính nhờ ba đòn tử sinh trên mà tôi vẫn tiếp
tục...mài kiếm dưới trăng như lời một người bạn chiến đấu trong gần 50
năm, Tiến sĩ Phan Văn Song bên Pháp.
Cho đến hôm nay, tôi vẫn tiếp tục đi trên con đường chông gai hầu
mong thực hiện những giấc mơ như bài thơ Về Lại Saigon: Ước mơ anh cưu
mang - Thanh bình khắp xóm làng - Nhân quyền được tôn trọng - Nhà cầm
quyền minh quang...
Tuy đó là những giấc mơ hiện tại, nhưng cá nhân tôi, với niềm tin
khẳng quyết là quê hương dấu yêu của chúng ta sẽ có một ngày mới như thế
đó.
Và, "Việt Nam Tương Lai: Những việc cần phải làm" ra đời sẽ là một sự
phác thảo những giấc mơ trên biến thành hiện thực bằng cách chuẩn bị
cho tương lai Việt Nam một khi không còn bóng dáng những người quản lý
Đất và Nước với một não trạng chuyên chính vô sản bịnh hoạn.
Đây chỉ là một đóng góp sơ khởi mà người viết đặt trọng tâm vào các
lãnh vực ưu tiên là y tế công cộng, giáo dục, và môi trường. Ba lãnh vực
nầy là ưu tiên hàng đầu một khi hoa dân chủ, dân quyền nở rộ trên quê
hương. Dĩ nhiên, những gợi ý trên cũng cần tất cả đóng góp của những
người con Việt, dù ở quê nhà hay tha hương trên khắp nẻo đường.
Dù tuổi đời đã bước vào giai đoạn hoàng hôn, nhưng tôi vẫn còn thao
thức cho một ngày về, một ngày về không cần "mài kiếm dưới trăng" nữa mà
là "an bần lạc đạo" trong cảnh chập chùng non nước của vùng quê bên
dòng sông Cửu.
Hải Nguyên: Cám ơn những lời tâm sự của Ông trong
buổi hội luận đầu tiên của chương trình "Những vấn đề của chúng ta" trên
Đài phát thanh Đáp Lời Sông Núi. Xin hẹn lần tới.
No comments:
Post a Comment