Thứ Ba, ngày 19.08.2014
Tam quyền thực sự phân lập sẽ đem
lại một nền pháp trị công minh và một định chế giám sát các cuộc bầu cử
đa nguyên đa đảng trong sáng. Ấn Độ, Indonesia và ngay cả Cam Bốt đã ý
thức được điều này để đưa dân tộc đi lên. CSVN còn ngu muội và tham
quyền cố vị đến bao giờ?. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận
của Ngô Nhân Dụng với tựa đề: "Dân khí và dân chủ" sẽ được Song Thập
trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Làn sóng dân chủ vẫn tiếp tục tràn lan trên miền đất Á Châu gần Việt
Nam nhất; một năm qua đánh dấu những bước trưởng thành thấy rõ trong các
cuộc bầu cử tại ba nước Campuchia, Indonesia và Ấn Ðộ. Dân chúng trong
ba quốc gia hăng hái đi bầu để chọn người đại biểu, điều này dễ thấy.
Nhưng một yếu tố quan trọng hơn nữa, là họ tích cực tham dự vào tiến
trình lựa chọn. Qua việc bỏ phiếu, chúng ta thấy dân khí của người dân
bước nước đang dâng lên cao, chưa từng thấy trong lịch sử nước họ.
Dân khí là yếu tố quan trọng nhất. Trong khi còn đang tranh đấu đòi
thiết lập chế độ dân chủ cho dân tộc Việt Nam, chúng ta cũng không được
quên lời khuyên đầu tiên của Phan Châu Trinh: Phấn dân khí. Thiết lập
chế độ dân chủ bằng hiến pháp, luật lệ chỉ là bước đầu cần thiết. Người
chế độ dân chủ chỉ là một cái khung được dựng lên, chưa phải là ngôi
nhà. Giống như ấn định luật chơi cho một môn thể thao chưa đủ, phải làm
sao cho các cầu thủ hăng hái dự cuộc đấu với tinh thần thượng võ. Xây
dựng một đời sống dân chủ tự do bền chặt, vững vàng, đòi phải xây dựng
tinh thần của một số lớn đồng bào thiết tha tham dự vào việc nước.
Chính trị Campuchia mới tiến thêm một bước: Các dân biểu đảng đối lập
đồng ý bắt đầu đi họp Quốc Hội, hơn một năm sau cuộc bầu cử ngày 28
Tháng Bảy năm ngoái. Ông Sam Rainsy và 54 đại biểu tham dự lễ tuyên thệ
sau khi ông Hun Sen nhượng bộ, chấp nhận yêu cầu của họ là cải tổ việc
tổ chức bầu cử, với một Ủy Ban Bầu Cử quốc gia có tư cách độc lập do cả
hai đảng cùng chọn. Năm ngoái, cuộc bầu cử tại Campuchia được cả thế
giới theo dõi vì dân xứ này chưa bao giờ hăng say thực hiện quyền bỏ
phiếu như vậy; với kết quả bất ngờ là đảng Nhân Dân Campuchia chỉ thắng
được 68 ghế, mất 22 ghế; trong khi đảng Cứu Quốc Campuchia đối lập đã
đoạt được 55 ghế. Trước đó, người ngoài vẫn khinh thường "chí khí" của
người dân xứ này, cho rằng họ sẽ cúi đầu chịu đựng chế độ độc tài mãi
mãi, sau khi ông Hun Sen đã củng cố quyền lực suốt 30 năm, và được Trung
Cộng hết lòng hỗ trợ.
Trong quá trình xây dựng dân chủ việc lập một Ủy Ban Bầu Cử độc lập
là một bước tiến bộ. Ðây là một thành công của mọi người dân Campuchia
chứ không riêng của các nhà chính trị đối lập. Chỉ khi nào việc tổ chức
bầu cử công minh, trong sạch, thì người dân mới tin tưởng vào việc đi bỏ
phiếu. Nếu không, người ta sẽ coi tất cả chỉ là một tấn tuồng giả dối,
một trò hề, đánh lừa người, đánh lừa mình. Một tấm gương gần nước Việt
Nam nhất có thể thấy tại Ấn Ðộ. Ủy Ban Bầu Cử nước Ấn Ðộ hoàn toàn độc
lập với chính phủ, tiểu bang và liên bang, đã giúp bảo vệ nên dân chủ
nước này từ năm 1947, chưa bao giờ bị mang tiếng gian lận, được cả thế
giới kính trọng.
Năm nay dân Ấn Ðộ đi bầu, và họ đã thay đổi chính phủ. Ðảng Quốc Ðại
lâu đời thua, dù họ đã nắm chính quyền 54 năm trong 67 năm từ khi Ấn Ðộ
độc lập. Ðảng Bharatiya Janata Party thắng, ông Narendra Modi lên làm
thủ tướng. Ông đắc cử nhờ tiếng tốt, sau khi đã giữ chính quyền tại tiểu
bang Gujarat, Gujarat, trừng trị tham nhũng, phục hồi kinh tế, mặc dù
ông bị mang tiếng là kỳ thị người Hồi Giáo. Cuộc bỏ phiếu, từ ngày 7
Tháng Tư, kéo dài hơn một tháng, chia làm bảy giai đoạn, vì dân số quá
đông và quá phức tạp. Nước Ấn Ðộ hiện nay gồm 28 tiểu bang và 7 lãnh thổ
tự trị dân với 22 ngôn ngữ được đề cao là chính thức. Quốc gia dân chủ
lớn nhất thế giới này đã tổ chức cho 815 triệu người bỏ phiếu, tăng thêm
100 triệu kể từ kỳ bầu cử năm 2009. Họ lập ra 930,000 phòng phiếu, với
gần một triệu rưỡi máy bỏ phiếu điện tử; do 5 triệu rưỡi nhân viên trông
nom, và được 11 triệu cảnh sát và quân nhân canh gác.
Ủy Ban Bầu Cử Quốc Gia Ấn Ðộ được quy định bằng luật pháp, có quyền
độc lập với chính phủ và Quốc Hội; giống như Ngân Hàng Trung Ương Ấn Ðộ.
Với quyền hành được giới hạn, trong ngân sách cũng như trong thời gian,
ngay chuyện tham nhũng, hối lộ cũng khó xẩy ra. Họ không có nhiều tiền
tùy ý chi tiêu cho nên khó tham nhũng. Họ không có quyền quyết định ai
được đi bầu, ai được ứng cử, vì tất cả được luật lệ quy định, cho nên dù
muốn cũng khó hối lộ họ. Nhưng bảo đảm lớn nhất cho thanh danh của Ủy
Ban Bầu Cử là quyền tự do thông tin: báo chí, các đài truyền thanh,
truyền hình luôn luôn theo dõi mọi hành vi của những người có quyền.
Tuần trước Ủy Ban Bầu Cử Quốc Gia Indonesia (KPU) đã chính thức công
bố kết quả, ông Joko "Jokowi" Widodo thắng Tướng Prabowo Subianto với tỷ
số 53%/47%, hơn bảy ngàn lá phiếu. Tướng Prabowo còn thưa kiện trước
Viện Bảo Hiến, nhưng ít hy vọng thay đổi.
Ðây là cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp thứ nhì tại Indonesia sau năm
1989, khi chế độ quân phiệt của Tướng Suharto bị lật đổ. Và nhiều người
không ngờ tinh thần tham dự của người dân nước này lại tích cực như
vậy. Ðây cũng là lần đầu tiên Ủy Ban KPU thiết lập mạng thông tin
(website) công bố ngay các kết quả từ các địa phương từ hơn 3,000 hòn
đảo chính. Việc kiểm phiếu từ những lần trước vẫn thực hiện trước mắt
công chúng. Nhưng hiện tượng đột phá quan trọng nhất là những người dân
bình thường tự động giám sát bầu cử, mà đa số là những người ủng hộ ứng
cử viên Jokowi.
Với sự tham dự nồng nhiệt của người dân vào việc bầu cử, gian lận sẽ
rất khó. Kỹ thuật thông tin tiến một bước, các chế độ độc tài lại lùi
một bước. Dân khí cao khiến người dân tin tưởng và muốn tham dự vào việc
nước; là một bảo đảm cho tiến trình dân chủ hóa. Tại Ấn Ðộ, có 600
triệu người đang dùng điện thoại di động.
Khi sống trong không khí thông tin tân tiến, người dân một nước sẽ
ngẩng đầu lên đòi hỏi phẩm giá mình phải được tôn trọng. Dân khí được
nâng cao với những ước mơ, khát vọng mới. Dân khí lên cao mới có thể
tranh đấu cho tự do dân chủ; nhưng phải giữ vững dân khí cao thì nền dân
chủ mới củng cố vững chắc. Nhìn vào tấm gương ba nước Á Châu, chúng ta
tin tưởng khi chế độ dân chủ được thiết lập ở nước ta, người Việt Nam
cũng sẵn sàng củng cố nền dân chủ thật sự, không chấp nhận dân chủ giả
hiệu.
Ngô Nhân Dụng
No comments:
Post a Comment