Thứ Bảy, ngày 01.02.2014
Từ sau năm 1789, cứ đến ngày mùng 5
Tết Nguyên Đán, con dân Việt khắp nơi đều làm lễ kỷ niệm chiến thắng
Đống Đa để nhớ đến chiến tích lẩy lừng của vị anh hùng dân tộc và thế hệ
của ngài đã chiến thắng giặc ngoại xâm trong trận Đống Đa. Đến nay,
chiến công oanh liệt này vẫn là niềm tự hào trong tâm khảm của những
người con nước Việt. Trong
tiết mục "Danh nhân nước Việt" tối hôm nay, chúng tôi xin gửi đến quý
thính giả bài "Vua Quang Trung và chiến thắng Đống Đa" của Việt Thái qua
giọng đọc của Tam Thanh.
Nguyễn Huệ sinh năm Quý Dậu (1753) tại huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn
(nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), con của ông Nguyễn Phi Phúc và
bà Nguyễn Thị Đồng.
Nguyễn Huệ có người anh tên Nguyễn Nhạc và người em là Nguyễn Lữ.
Tương truyền, 3 anh em đều theo học cả văn lẫn võ với thầy Trương Văn
Hiến. Về binh pháp thì Nguyễn Huệ vượt trội hơn, được xem là thiên tài
về quân sự, thắng trận suốt 20 năm chinh chiến. Thời gian đầu, giúp anh
là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ 4 lần vào đánh vào Gia Định, khiến Nguyễn Ánh
phải mấy phen trốn chạy.
Nǎm 1784, Nguyễn Ánh cầu viện quân Xiêm, Nguyễn Huệ dùng phục binh
tại Xoài Mút, tiêu diệt 2 vạn quân Xiêm và đánh chìm 300 chiến thuyền.
Nǎm 1786, Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc, thắng nhiều trận liên tiếp ở
Thuận Hóa, Quảng Trị, Quảng Bình. Sau đó, giương cao ngọn cờ "Phù Lê
diệt Trịnh", chiếm Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn Nam và đến ngày 21/7/1786,
đại quân của Nguyễn Huệ tiến vào Thǎng Long.
Ngày 31/7/1786, Nguyễn Huệ cùng các tướng sĩ Tây Sơn cùng các quan
vǎn võ Bắc Hà vào triều chúc mừng vua Lê Hiển Tông và Nguyễn Huệ được
sắc phong làm "Nguyên soái Phù dực chính vũ Uy quốc công" và được vua gả
công chúa Ngọc Hân. Sau đó, Nguyễn Nhạc ra lệnh cho Ngài rút quân về
Nam, đóng tại Thuận Hóa, được phong làm Bắc Bình Vương.
Khi Nguyễn Huệ rút đi, miền Bắc trở nên loạn lạc. Vua Lê Chiêu Thống
nhờ Nguyễn Hữu Chỉnh đánh dẹp tay chân của họ Trịnh, nhưng sau đó thì
Nguyễn Hữu Chỉnh cậy công nên lại chuyên quyền. Từ Huế, Nguyễn Huệ sai
Vũ Vǎn Nhậm, con rể Nguyễn Nhạc, mang quân ra diệt Nguyễn Hữu Chỉnh. Khi
thấy Nhậm có ý phản bội, Nguyễn Huệ âm thầm kéo quân ra Bắc giết luôn
Vũ Vǎn Nhậm, và giao cho Ngô Vǎn Sở trấn thủ Thǎng Long và đất Bắc.
Khi ấy, vua quan nhà Lê đã chạy sang Tàu cầu cứu, rước 20 chục vạn
quân Thanh, do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu vào miền Bắc, lấy danh nghĩa là giúp
nhà Lê, nhưng thật sự là mưu toan thôn tính nước Việt. Trước khí thế
đông đảo của quân Thanh, Đại tư mã Ngô Văn Sở nghe theo lời khuyên của
quân sư Ngô Thời Nhiệm, rút quân Tây Sơn về núi Tam Điệp để lập phòng
tuyến và cấp báo cho Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ.
Nhận được tin, Nguyễn Huệ lập tức chọn ngày, lập đàn tế trời đất tại
núi Bân Sơn, lên ngôi lấy danh hiệu là Quang Trung hoàng đế. Ngài tuyên
bố: "Chỉ trong vòng 10 ngày sẽ quét sạch quân xâm lược và sẽ cùng quân
sĩ ǎn tết trong thành Thǎng Long vào mùng 7 tháng Giêng", sau đó đem đại
quân tiến ra Bắc.
Nhưng chỉ đến mùng 5 Tết, Ngài và đại quân đã vào thành Thăng Long,
sau khi đánh trận Ngọc Hồi giết Hứa Thế Hanh, đánh thắng trận Đống Đa
làm cho Sầm Nghi Đống tự tử và Tôn Sĩ Nghị phải vứt bỏ cả ấn tín trốn
chạy về nước.
Tại Đống Đa, quân Thanh không xây dựng đồn lũy, mà chỉ dựa vào địa
hình để bố trí doanh trại. Đống Đa nằm giữa ba trại Khương Thượng, Thịnh
Quang và Nam Đồng. Quân Thanh chiếm cánh đồng cao ở phía bắc trại
Khương Thượng để dựng doanh trại.
Bộ chỉ huy của Sầm Nghi Đống - tri phủ Điền Châu - đặt trên núi Loa
Sơn, một vị trí chiến lược có thể nhìn bao quát các doanh trại và khống
chế con đường từ phía Tây Nam vào thành Thăng Long. Sầm Nghi Đống còn
lập một số đồn binh xung quanh để bảo vệ Bộ chỉ huy.
Ngày 30/1/1789, nhằm mùng 5 Tết Kỷ Dậu, lúc 2 giờ sáng, Đô đốc Long
thống lãnh một vạn quân - phần lớn là kỵ binh và tượng binh - bí mật
theo con đường núi bỏ hoang, nhanh chóng tấn công vào Đống Đa để mở con
đường phía Tây Nam tiến quân vào Thăng Long.
Đang đêm tối, bỗng dưng thấy rực sáng vì doanh trại bị đốt, tiếng
súng nổ khắp nơi, tiếng reo hò vang dội cùng với đàn voi xuất hiện phá
trại, quân của Sầm Nghi Đống kinh hoàng bỏ chạy.
Chỉ trong buổi sáng mùng 5 Tết, tất cả doanh trại giặc ở Đống Đa bị
san bằng, 10 vạn quân Thanh đóng ở Đống Đa, trên địa phận Thăng Long ở
bãi cát phía Nam sông Nhị đã tan vỡ, lớp bị giết, lớp bị bắt trong khi
tháo chạy. Sầm Nghi Đống tự tử. Tàn quân còn lại theo lời tâu của Tôn Sĩ
Nghị khi về đến Quảng Tây là chỉ còn 5 ngàn người.
Sau chiến thắng, để giảng hòa giữa hai nước, vua Quang Trung cử sứ
thần sang nối lại bang giao và được vua nhà Thanh chấp nhận. Vua Càn
Long phong Ngài làm An Nam Quốc Vương và chấm dứt ý đồ xâm lược VN. Đây
là trang sử đẹp, làm vẻ vang triều đại Quang Trung và thế hệ Tây Sơn.
Trong thời gian yên ổn, vua Quang Trung tiếp tục huấn luyện quân sĩ
để chuẩn bị đánh chiếm lại Lưỡng Quảng và những vùng đất bị Trung Hoa
cưỡng chiếm trong lịch sử. Nhưng tâm nguyện chưa thành thì Ngài băng hà
vào đêm 29 tháng 7 nǎm Nhâm Tý (1792), hưởng dương 40 tuổi.
Đến nay, chiến thắng Đống Đa với chiến công oanh liệt của Bắc Bình
Vương Nguyễn Huệ vẫn mãi mãi in đậm trong tâm khảm của người Việt khắp
nơi về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc.
Nhưng 200 năm sau chiến thắng vang dội này, khi khối cộng sản Liên Xô
và Đông Âu tan rã thì tập đoàn lãnh đạo CSVN theo gót Lê Chiêu Thống
thần phục triều đình Tàu Cộng để tiếp tục nắm quyền cai trị đất nước. Từ
đó, một dân tộc từng là cường quốc trong vùng Đông Nam Á, với nhiều
thành tích hào hùng trong công cuộc đuổi Hán, diệt Mông, phá Tống, bình
Chiêm, dẹp Minh, thắng Thanh... bắt đầu lụn bại dần dưới sự lãnh đạo của
một nhóm người "hèn với giặc" nhưng "ác với dân" khiến mảnh giang san
mà các bậc tiền nhân, đã đổ xương máu gìn giữ suốt gần 5000 năm qua đang
có nguy cơ lọt vào tay Tàu Cộng.
Chính vì thế, khi nhớ chiến thắng Đống Đa, tưởng nhớ Đức Quang Trung
và thế hệ Tây Sơn, nhiều con dân Việt sẽ cảm thấy ngậm ngùi và tủi nhục
trước sự xâm lấn ngày càng hung hãn hơn của Trung Cộng trên Biển Đông,
và thái độ sự ương hèn của tập đoàn lãnh đạo CSVN ngày hôm nay./.
Việt Thái
No comments:
Post a Comment