Thứ Sáu, ngày 07.02.2014
Khi đảng CSVN, qua điều 4 hiến
pháp, một mình một chợ thống lĩnh nhà nước và xã hội dân sự, thì đảng,
các doanh nghiệp tư lẫn công, các cán bộ cấp cao, những sâu mọt xã hội
như Huỳnh Thị Huyền Như và hệ thống pháp lý, đều là cá mè một lứa hè
nhau cướp của nhân dân và nhà nước, bất chấp công lý. Mời quý thính giả
nghe phần Bình Luận của Bảo Ngân với tựa đề: "Khi kẻ cướp bảo vệ kẻ cắp"
sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm
nay.
Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như được bộ chính trị CSVN xếp vào hàng một
trong mười "đại án tham nhũng" được đưa ra xét xử để minh chứng cho
quyết tâm chống tham nhũng của đảng cộng sản trước công luận. Tuy nhiên
không có ai trong số 23 bị cáo đứng trước vành móng ngựa bị hội đồng xét
xử tuyên án mà có dính dáng đến tội danh tham nhũng.
Sau 21 ngày xét xử, Huyền Như đã phải chịu mức án chung thân với tội
danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ngoài ra bà này còn phải bồi thường gần
4.000 tỷ đồng cho bị hại, nhưng xác suất được bồi thường chỉ là con số
Zê-rô tròn trĩnh. Huỳnh Thị Huyền Như giờ đây được gán cho biệt danh
siêu lừa đảo, nguyên là trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ – chi nhánh
Saigon của ngân hàng Công thương Việt Nam, một ngân hàng quốc doanh.
Đọc lại toàn bộ vụ án của Huyền Như, chúng ta thấy có điểm giống với vụ
án nước hoa Thanh Hương của Nguyễn Văn Mười Hai trước đây. Cũng vẫn là
vay lãi suất cao, sau đó vay của người sau trả cho người trước, cứ thế
cho đến khi không còn vay được nữa thì vỡ nợ. Thủ đoạn thì cũ nhưng vẫn
có đất dụng võ vì đánh đúng vào lòng tham con người. Cái mới ở đây là
cái tên của một ngân hàng lớn của nhà nước, ngân hàng Công Thương Việt
Nam được vinh dự đồng hành cùng vụ án siêu lừa đảo Huyền Như. Khi kết
thúc xét xử mọi người không khỏi ngỡ ngàng với phán quyết của tòa án,
không bắt ngân hàng này phải bồi thường tiền cho khách hàng. Ngay cả khi
khách hàng chứng minh tiền của họ đang còn được gởi trong ngân hàng
này, bằng giấy xác nhận số dư tài khoản tại ngân hàng Công Thương tháng
gần nhất, nhưng ngân hàng này vẫn trơ trẽn không công nhận và đổ hết
trách nhiệm lên siêu lừa đảo Huyền Như, với mục đích xù tiền. Từ năm
2007 đến khi vụ án này được đưa ra xét xử, mọi người mới thấy rõ được
những hoạt động giao dịch ngầm của các nhóm lợi ích cả công lẫn tư, đan
xen chằng chịt trong hệ thống ngân hàng. Các văn bản pháp luật được ban
hành trong lĩnh vực tài chính, cũng bị thao túng bởi các nhóm lợi ích
theo kiểu cá lớn nuốt cá bé, ngân hàng nhà nước thôn tính ngân hàng tư
nhân. Trước khi CSVN gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế Giới năm 2007, thì
các dấu hiệu suy thoái kinh tế đã tiềm ẩn. Khi kinh tế đình trệ mà ngân
hàng mọc lên nhiều như nấm sau mưa thì việc cho vay của các ngân hàng là
vô cùng khó khăn, do thủ tục pháp lý và sức hấp thụ vốn của cả nền kinh
tế đang yếu dần vì lãi suất cao. Để bảo toàn vốn và có tiền trả lãi cho
người gởi, cũng như giải quyết nợ xấu từ các dự án bất động sản, các
ngân hàng quay sang đầu tư vào trái phiếu chính phủ, cho các tập đoàn
nhà nước vay, ngân hàng này cho ngân hàng khác vay hay đánh bạc trên thị
trường chứng khoán. Trong vụ án Huyền Như, một ngân hàng tư nhân có tên
là ngân hàng Á Châu nổi tiếng là làm ăn phát đạt nhưng cũng đầy nghi
vấn là nơi rửa tiền của CSVN, do ông Nguyễn Đức Kiên một trong những
người lãnh đạo ngân hàng này đã bị bắt, cho nhân viên ngân hàng mình đem
718 tỷ đồng đi gởi ở ngân hàng Công Thương quốc doanh để kiếm lời. Mặc
dù có đầy đủ chứng từ chứng minh chuyện ngân hàng Á Châu gởi tiền vào
ngân hàng này, nhưng ngân hàng Công Thương quốc doanh đá quả bóng sang
siêu lừa đảo Huyền Như, còn hỏi thủ phạm thì cô ta trả lời: không nhớ,
không nghe, không trả lời, không biết và thế là chấm hết. Màn cướp tiền
trắng trợn công khai giữa chốn công đường của ngân hàng Công Thương Việt
Nam có sự giúp sức đắc lực của tòa án và cơ quan điều tra, Viện Kiểm
Sát CSVN. Tại sao có thể khẳng định như vậy, vì với hậu quả là số tiền
mà Huyền Như lừa đảo lên tới 4.000 tỷ đồng, nhưng ông chánh án cứ nhắc
đi nhắc lại là bị cáo phạm tội với động cơ cá nhân chứ không có tổ chức,
để thoải mái tuyên phạt mức án tù chung thân cho cô ta. Trong khi đó
vào năm 2005, đối tượng Ngô Thanh Lam, nhân viên Ngân hàng Ngoại Thương
Việt Nam truy cập vào một số tài khoản của khách hàng chiếm đoạt 75 tỉ
đồng, thì đã bị tử hình về tội tham ô, Ngân hàng Ngoại Thương phải chịu
trách nhiệm trả tiền cho khách hàng. Tòa án CSVN còn dùng nhiều tiểu xảo
như: Không thu hồi hết tài sản, tiền phạm tội mà có; không cho luật sư
sao chép hết hồ sơ vụ án với 70.000 trang bút lục; không triệu tập người
làm chứng, người có liên quan như: Chủ tịch, Tổng Giám đốc, Kế toán
trưởng Ngân hàng Công thương ra tòa.v.v... Viện Kiểm Sát thì phụ họa
bằng cách không thực thi quyền xét hỏi nhiều vấn đề chưa rõ ràng theo
luật định. Còn người đại diện ngân hàng Công Thương Việt Nam là tâm điểm
trong vụ án này, góp "vui" cho phiên tòa bằng cách không phải trả lời
trực tiếp các câu hỏi của các luật sư. Chủ tọa Nguyễn Đức Sáu kiên quyết
từ chối khi các luật sư yêu cầu đại diện Ngân hàng Công thương phải trả
lời trực tiếp các câu hỏi theo luật định. Có thể đúc kết bài viết với
câu nói của bà Tổng GĐ Cty SBBS là người nước ngoài cũng là nạn nhân, bà
này đã cay đắng phát biểu: "Công ty chúng tôi mở tài khoản tại ngân
hàng Công Thương, vì tin tưởng là ngân hàng Quốc doanh, ngân hàng của
Nhà nước, nhưng cuối cùng cũng bị mất trắng tiền gởi".
Thế đấy khi kẻ cướp bảo vệ kẻ cắp, thì chân lý biến thành kẻ ăn xin.
Bảo Ngân
No comments:
Post a Comment