HAI TỔ CHỨC KÝ GIẢ QUỐC TẾ CHỈ TRÍCH TÌNH TRẠNG ĐÀN ÁP BÁO CHÍ Ở VN
Hai tổ chức bảo vệ ký giả quốc tế đã cùng lên tiếng chỉ trích tình
trạng kiểm duyệt khắt khe và đàn áp quyền tự do báo chí tại VN, chỉ vài
ngày sau khi VN đọc báo cáo định kỳ về tình hình nhân quyền trước Hội
đồng Nhân quyền LHQ.
Hai tổ chức này là Ủy ban Bảo vệ Ký giả có trụ sở tại Mỹ, và Tổ chức
Phóng viên Không biên giới, có hành dinh tại Pháp. Trong buổi công bố về
chỉ số Tự do Báo chí Toàn cầu, Tổ chức Phóng viên Không biên giới tiếp
tục xếp hạng VN gần như cuối bảng, trong danh sách 180 quốc gia.
Trong khi đó, phúc trình của Ủy ban Bảo vệ Ký giả nêu lên bằng chứng
về tình trạng gia tăng đàn áp trong năm qua của bạo quyền VN đối với các
ngòi bút độc lập, không chịu sự thống trị của chế độ.
Cả hai tổ chức này đều nhận định rằng, VN trở thành một nhà tù lớn
thứ nhì trên thế giới, chỉ sau Trung Cộng, với hàng loạt người bị bắt
giam chỉ vì thể hiện quyền tự do ngôn luận của mình.
ĐẢNG CSVN CẤM BÁO CHÍ NHẮC NHỞ VỀ CUỘC CHIẾN HOA – VIỆT NĂM 1979
Một chỉ thị mật đã được gửi đến giới truyền thông trong nước, nội
dung nghiêm cấm đề cập đến cuộc chiến năm 1979 khi Trung Cộng xua 500
ngàn quân đánh vào biên giới phía bắc VN. Chỉ thị này đến từ ban Tuyên
giáo Trung ương CSVN, với lý do là để "tránh gây thương tổn đến mối quan
hệ Hoa – Việt".
Vài ngày trước đây, tờ báo Petro Times đã nhanh nhảu đăng tải một bài
viết có nội dung tưởng niệm 35 năm diễn ra cuộc chiến biên giới phía
bắc, trong đó có trích dẫn câu tuyên bố của tay trùm Trung Cộng Đặng
Tiểu Bình vào khi đó là "muốn dạy cho VN một bài học" về tội phản phúc.
Tuy nhiên vào tối hôm qua thì bài báo này đã bị gỡ bỏ.
Cần nói thêm là vào năm trước, nhiều tờ báo nhà nước đã đăng các loạt
bài vở cùng các tài liệu về cuộc chiến đẫm máu này, với hàng trăm ngàn
người chết thuộc hai phía và nhiều vùng đất bị san bằng thành bình địa.
Vào tháng trước, một số tờ báo lớn cũng đăng tải hàng loạt bài viết về
trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 nhằm tưởng niệm 40 năm Trung Cộng lấn
chiếm biển đảo của VN.
Chỉ thị mật này hoàn toàn ngược lại với nội dung trong thông điệp đầu
năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là sẽ tưởng niệm 40 năm hải chiến
Hoàng Sa và 35 năm cuộc chiến biên giới phía bắc. Tuy nhiên, dù đảng
CSVN sợ gây mất lòng Trung Cộng, nhưng giới đấu tranh trong nước cho
biết là họ sẽ tiến hành các cuộc tưởng niệm trên mọi miền đất nước trong
ngày 17/2 tới đây.
TƯ GIA CỦA NHÀ ĐẤU TRANH HUỲNH NGỌC TUẤN LẠI BỊ TẤN CÔNG
Vào tối thứ Ba vừa qua, tư gia của gia đình ông Huỳnh Ngọc Tuấn, một
cựu tù nhân lương tâm, đã bị một nhóm côn đồ kéo đến và ném những viên
đá lớn làm vỡ mái nhà. Trước đó, gia đình ông Tuấn phát giác có 4 tên an
ninh lảng vảng trước nhà nên đã đóng chặt cửa.
Đây là vụ tấn công mới nhất nhắm vào ông Huỳnh Ngọc Tuấn, một người
cha cùng với hai con là Huỳnh Thục Vy và Huỳnh Trọng Hiếu đã bền bĩ đấu
tranh suốt nhiều năm qua. Vào cuối năm ngoái, ông Tuấn cũng bị công an
đánh nứt xương ngực khi ông cùng với Luật sư Lê Thị Công Nhân và một số
người khác đến thăm cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Trội ở Hà Nội.
Ông Tuấn cho biết là mỗi hòn đá ném vào nhà ông có trọng lượng hơn 1
ký, và nếu rơi trúng người thì có thể dẫn đến tử vong hay trọng thương.
Ông cho rằng các hành vi này của giới công an là ngày càng quá khích và
quá nguy hiểm.
Trong khi đó thì các nguồn tin tại tỉnh Đồng Tháp cho biết là hàng
ngàn công an chìm nổi tiếp tục siết chặt việc bao vây tư gia của ông
Nguyễn Bắc Truyển và người vợ sắp cưới của ông. Nhiều người dân nói
rằng, họ chưa bao giờ nhìn thấy một lực lượng công an dày đặc đến độ như
thế. Nguồn tin này cho biết thêm là hiện 22 người đến thăm ông Truyển
vẫn còn bị giam giữ trong các đồn công an suốt hai ngày qua.
NÔNG DÂN VÂN NAM GIAO CHIẾN VỚI CÔNG AN TRUNG CỘNG
Vào hôm qua, hàng trăm người dân tại thị trấn Baha tỉnh Vân Nam đã
kéo đến đồn công an để đòi trả tự do cho những người bị bắt trong vụ tấn
công đập phá một nhà máy gây ô nhiễm trong khu vực. Cuộc biểu tình biến
thành một cuộc hỗn chiến khi công an ra tay đàn áp, gây thương tích cho
nhiều người, trong đó có hai công an.
Trước đó, công an đã ra tay bắt giữ một số người dân đã tham gia vào
vụ đốt phá một nhà máy vào hôm thứ Sáu tuần qua. Theo lời kể của người
dân thì suốt 14 năm qua, nhà máy này liên tục xả nước thải và khói bụi
ra xung quanh, gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống và sức khỏe của họ.
Cũng vào hôm qua thì một trận động đất có cường độ 6.8 độ Richter
diễn ra tại khu tự trị Tân Cương nhưng chưa biết rõ mức thiệt hại. Cần
nói thêm, Tân Cương là một vùng đất bất ổn suốt nhiều năm qua vì các
xung đột giữa các sắc dân thiểu số với người Hán. Vào tháng 3 năm 2008,
một trận động đất lên đến 7.3 độ Richter cũng diễn ra ở Tân Cương, nhưng
nhà cầm quyền Trung Cộng đã cố ém nhẹm mức thiệt hại về nhân mạng trong
vụ đó.
TRUNG CỘNG YÊU CẦU TÂY BAN NHA RÚT LẠI LỆNH TRUY NÃ GIANG TRẠCH DÂN
Nhà cầm quyền Bắc Kinh đang gia tăng sức ép, buộc chính phủ Tây Ban
Nha phải rút lại lệnh truy nã quốc tế đối với cựu lãnh tụ Trung Cộng
Giang Trạch Dân về tội "diệt chủng dân Tây Tạng".
Vào đầu tuần này, bộ tư pháp Tây Ban Nha đã phát lệnh truy nã, thể
theo đơn kiện của một nhà sư Tây Tạng đang định cư tại Tây Ban Nha. Tuy
nhiên trước áp lực của Trung Cộng, vào hôm qua đảng cầm quyền tại quốc
hội Tây Ban Nha đã đồng ý xem xét lại một đạo luật cho phép các tòa án
nước này được tiến hành xét xử những tội phạm ở hải ngoại.
Cần nói thêm, người đệ đơn kiện lên tòa án Tây Ban Nha là nhà sư
Thubten Wangchen, một thành viên thuộc quốc hội lưu vong Tây Tạng. Vào
năm 2006, ông Wangchen đệ đơn yêu tòa án mở cuộc điều tra về các hành
động "diệt chủng" của nhiều nhà lãnh đạo Trung Cộng trong thập niên 80
và 90, trong đó có ông Giang Trạch Dân, Lý Bằng và Hồ Cẩm Đào.
Sau nhiều năm tháng thu thập bằng chứng, vào hôm thứ Ba vừa qua, một
chánh án Tây Ban Nha đã phát lệnh truy nã ông Giang Trạch Dân để mang ra
xét xử, khiến Trung Cộng nổi giận.
No comments:
Post a Comment