Thứ Sáu, ngày 28.02.2014
CSVN có thể lường gạt một số người
một thời gian dài, nhưng họ không thể lường gạt cả một dân tộc một các
vĩnh viễn. Lịch sử thật sự về trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 và toàn
bộ lịch sử Việt nam đang được viết lại và sự thật sẽ được phơi bày cho
toàn dân tộc về tính phản quốc của một tập đoàn mãi quốc cầu vinh. Mời
quý thính giả nghe phần Bình Luận của Nguyễn Hưng Quốc với tựa đề: "Trận
hải chiến Hoàng Sa và một lịch sử được viết lại" sẽ được Hướng Dương
trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay
Từ năm 2009, lúc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên con đường lưỡi bò
chạy quanh Hoàng Sa và Trường Sa trong khu vực Biển Đông, trận chiến
Hoàng Sa năm 1974 lại trở thành một vấn đề thời sự khiến nhiều người
thao thức. Mấy tuần lễ gần đây, trận chiến ấy lại trở thành một vấn đề
thời sự lần nữa khi nó sắp tròn 40 tuổi. Lần này, nó không còn là một
thao thức nữa. Nó đã tượng hình rõ thành một số nhận thức mới, có khả
năng làm thay đổi một số vấn đề.
Nhà báo Huy Đức, trong bài "Hoàng Sa & hòa giải quốc gia" đăng
trên facebook ngày 12 tháng 1, 2014, cho kỷ niệm 40 năm trận chiến Hoàng
Sa là cơ hội tốt để thúc đẩy tiến trình hỏa giải giữa những người Việt
Nam với nhau.
Sự hòa giải ấy khởi phát từ việc nhìn nhận những người lính ở miền
Nam trước đây cũng có "ý thức bảo vệ đất nước" không hề kém những người
bộ đội ở miền Bắc, theo kiểu nói của nhà cầm quyền. Nhận thức ấy dẫn đến
một nhận thức khác: Những người "sẵn sàng xả thân bảo vệ non sông, đất
nước" khi có ngoại xâm như thế nhất định không phải là "ngụy". Chính vì
vậy, Trung tâm Minh Triết ở Việt Nam đã chính thức tôn vinh bà quả phụ
Nguỵ Văn Thà, nguyên Thiếu tá (sau, được truy phong hàm Trung tá), Hạm
trưởng hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10, người đã hy sinh trong trận hải chiến
Hoàng Sa vào ngày 19 tháng 1, 1974.
Ở đây,...tôi chỉ muốn tập trung vào hai khía cạnh khác liên quan đến
việc Trung Quốc đánh cướp Hoàng Sa từ trong tay của quân đội Việt Nam
Cộng Hòa vào năm 1974.
Thứ nhất, quan hệ giữa tinh thần quốc gia và thể chế.
Nhìn lại lịch sử, có hai vấn đề nổi bật: Một, thể chế có thể thay đổi
nhưng tinh thần quốc gia của người Việt, nói chung, vẫn không thay đổi:
Sống dưới bất cứ triều đại hay chế độ nào, người dân Việt Nam nói chung
vẫn tha thiết với sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nước mình, và khi
cần, không ngại hy sinh tính mạng để bảo vệ những giá trị cao quý và
thiêng liêng ấy. Hai, bản chất của triều đại hay chế độ được đánh giá
chủ yếu trên công việc bảo vệ hay không bảo vệ những giá trị ấy. Cho đến
nay, cha ông chúng ta và cả chúng ta không tiếc lời ca ngợi các triều
đại nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê hay nhà Tây Sơn chủ yếu vì những chiến công
hiển hách của họ trong công cuộc bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ.
Ngược lại, từ thế hệ này đến thế hệ khác, chúng ta nguyền rủa Mạc Đăng
Dung và Lê Chiêu Thống cũng vì những sự khuất phục của họ trước kẻ thù.
Giới lãnh đạo Trung Quốc biết rất rõ điều đó. Biết, nên ngay sau năm
1975, họ đã xúi giục Khmer Đỏ liên tục tấn công và quấy phá nước Việt
Nam xã hội chủ nghĩa anh em của họ. Biết, nên đầu năm 1979, họ đã xua
quân tràn qua biên giới giết hại bao nhiêu người Việt Nam. Biết, nên gần
đây họ không ngừng gây sức ép đối với Việt Nam hầu như trên mọi phương
diện, từ kinh tế đến xã hội, chính trị và cả quân sự nữa. Tất cả mọi
tham vọng đối ngoại của Trung Quốc đều chỉ tập trung vào một điểm: biến
Trung Quốc thành một siêu cường quốc, trước hết, trong khu vực; và sau,
trên phạm vi thế giới. Hết. Không có chút lý tưởng nào liên quan đến chủ
nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản cả.
Tuyệt đối không.
Tiếc, hình như giới cầm quyền ở Việt Nam lại không nhận ra điều đó.
Trước, đầu năm 1979, họ tin tưởng: vì tình hữu nghị giữa hai nước xã hội
chủ nghĩa anh em, Trung Quốc sẽ không tấn công họ. Rồi Trung Quốc tấn
công thật. Sau này, họ cũng lại tin Trung Quốc, một đồng chí tốt và một
láng giềng tốt, cũng sẽ không tấn công họ, dù, từ lời nói đến hành động,
Trung Quốc cứ lấn hết hòn đảo này đến vùng biển nọ. Họ vẫn tin như thế.
Nên gọi sự tin tưởng ấy là gì nhỉ?
Thứ hai, qua các thay đổi trong cách nhận định về trận hải chiến
Hoàng Sa năm 1974, chúng ta thấy rõ một số điều. Một, những người chiến
thắng bao giờ cũng có tham vọng giành độc quyền viết lịch sử. Trong gần
40 năm qua, kể từ tháng 4, 1975, nhà cầm quyền cs đã giành, giành một
cách triệt để và quyết liệt, sự độc quyền ấy. Họ viết lại toàn bộ lịch
sử hiện đại Việt Nam. Họ nhặt sự kiện này và loại bỏ sự kiện khác. Họ tô
hồng điều này và bôi đen điều khác. Họ thần thánh hóa người này và súc
vật hóa người khác. Trong tham vọng ấy, họ đã gạt bỏ toàn bộ những gì
liên quan đến Việt Nam Cộng Hòa trong nỗ lực bảo vệ Hoàng Sa. Gạt bỏ
hoàn toàn. Nhưng kết quả ra sao? Trả lời câu hỏi ấy, chúng ta thấy rõ
thêm điều thứ hai này nữa: không ai có thể vĩnh viễn chôn vùi hay xuyên
tạc sự thật. Sự thật chỉ bị đè nén và giấu giếm chứ không thể bị tiêu
diệt. Một lúc nào đó, nó lại xuất hiện. Và khi xuất hiện, nó đòi hỏi
lịch sử phải được viết lại.
Ở Việt Nam, chúng ta chỉ quen với khái niệm viết lịch sử chứ ít có
dịp làm quen với khái niệm viết lại lịch sử. Trên thế giới, ít nhất với
giới nghiên cứu, đó là điều hiển nhiên: Lịch sử luôn luôn được viết lại.
Viết đi rồi viết lại. Viết lại rồi viết lại nữa. Hành động viết-lại
lịch sử, thật ra, là một trận chiến âm thầm không phải đề giành giật sự
thật mà còn để giành giật quyền lực: Người nào giành được lịch sử sẽ
giành được cả tương lai.
Trong cuộc giành giật này, tôi cho cộng đồng người Việt Nam ở hải
ngoại cũng như cộng đồng giới làm báo trên mạng, cả trong nước lẫn ngoài
nước, đã có công đóng góp rất lớn. Bằng cách thường xuyên nhắc nhở đến
trận chiến oanh liệt ấy. Với sự nhắc nhở ấy, cùng lúc họ làm được hai
việc: Một, họ tạo nên một thứ đối-ký ức (counter-memory), nói theo chữ
của Michel Foucault, tức một ký ức khác với ký ức chính thống – vốn được
xem là lịch sử - mà nhà cầm quyền muốn bảo tồn. Và hai, bằng việc duy
trì thứ đối-ký ức ấy, người ta cũng dần dần gây sức ép lên bộ máy tuyên
truyền của nhà nước để, một mặt, họ phải công nhận, ít nhất, một phần sự
thật, và mặt khác, viết lại lịch sử với một chút nhân nhượng hơn.
Nhân nhượng chứ không phải thi ân.
Nguyễn Hưng Quốc
No comments:
Post a Comment