Thứ Tư, ngày 12.02.2014
Thầy Đỗ Việt Khoa đã gióng lên một
tiếng chuông báo động tình trạng tiêu cực trong giáo dục. Cả nước ai
cũng biết. Thầy đã hoàn thành “sứ mệnh” của mình. Thầy không còn gì hối
tiếc phải rời bỏ một môi trường độc hại, trù dập, và thù hằn đó. Thầy
nên mừng vì sẽ thoát khỏi cái môi trường giả dối của những người gù
...”. Qua chuyên mục Chuyện Nước Non Mình, mời quý thính giả nghe bài
“Sinh Nhầm Thế Kỷ Và Sống Nhầm Chỗ”, của Nguyễn Văn Tuấn sẽ được Tâm Anh
trình bày sau đây
Đọc bản tin viết về sự việc thầy Đỗ Việt Khoa sắp bỏ nghề giáo mà
thấy buồn nôn. Buồn không phải vì chuyện thầy Khoa bỏ ngành Giáo dục,
nhưng vì câu hỏi "được gì, mất gì". Câu hỏi gì mà tàn nhẫn thế! Nhưng nó
phản ảnh cái động cơ đằng sau của mọi việc làm trong xã hội VN ngày
nay.
Người nào hăng say tích cực quá, người khác sẽ đặt câu hỏi "chắc được
gì đằng sau"; người nào đấu tranh chống tiêu cực (như thầy Khoa) cũng
bị dèm pha "được gì". Nếu ai cũng nghĩ "được gì, mất gì" thì chẳng ai
làm từ thiện, chẳng ai lo chuyện công, chẳng có lý tưởng gì cả; tất cả
chỉ vì quyền lợi vật chất đằng sau. Một xã hội gồm toàn những người như
thế thì thật là dã man. Trong phần mở đầu này, mời các bạn đọc vài ý
kiến của tôi và của hai người rất đặc biệt...
Tin thầy Đỗ Việt Khoa bỏ nghề giáo có lẽ chẳng làm ai ngạc nhiên,
nhưng người ta vẫn thấy buồn buồn. Không ngạc nhiên là vì sau khi thầy
Khoa can đảm vạch ra những tiêu cực trong ngành giáo dục nói chung và
thi cử nói riêng, thầy và gia đình đã hứng chịu biết bao tai tiếng do
những kẻ không lạ tung ra. Nguy hiểm hơn, người ta còn mướn cả côn đồ
hành hung thầy. Có khi người của trường học thầy đang công tác chẳng
giấu diếm mặt mũi, ngang nhiên đến nhà hành hung thầy. Trong môi trường
Việt Nam độc hại như thế, tôi đoán thầy khó mà "sống" được với đồng
nghiệp trong trường. Tôi chợt nhớ đến câu của một bạn đọc ở một đại học
Hà Nội viết cho tôi rằng "Trong thế giới người gù, thì người thẳng lưng
bị coi là dị dạng". Thầy Khoa là một "dị dạng" trong quần thể của những
người gù. Nhưng sự việc thầy Khoa bỏ dạy học vẫn là một tín hiệu cho
thấy nền giáo dục nước nhà thiếu lành mạnh. Do đó, sự ra đi của thầy
Khoa khỏi ngành giáo dục là chuyện có thể đoán được dù nó để lại một dấu
ấn buồn.
Trái lại với nhiều người, tôi nghĩ rằng thầy Đỗ Việt Khoa đã chọn
đúng hướng đi: nên rời cái trường học đó. Thầy đã gióng lên một tiếng
chuông báo động tình trạng tiêu cực trong giáo dục. Cả nước ai cũng
biết. Thầy đã hoàn thành "sứ mệnh" của mình. Thầy không còn gì hối tiếc
phải rời bỏ một môi trường độc hại, trù dập, và thù hằn đó. Thầy nên
mừng vì sẽ thoát khỏi cái môi trường giả dối của những người gù.
Nhưng sự ra đi của thầy Khoa và những sự kiện mang tính bạo lực xảy
ra cho cá nhân thầy làm cho chúng ta phải suy nghĩ về xã hội hiện nay.
Một người can đảm đứng lên tố cáo tiêu cực, được đông đảo người dân cả
nước ủng hộ, nhưng trong thực tế thầy là một người rất cô đơn. Đồng
nghiệp trước mặt thầy thì lên tiếng ủng hộ, còn sau lưng thầy thì im
lặng hay nói xấu thầy. Qua báo chí, người ta có cảm giác có hàng triệu
người ủng hộ việc làm của thầy, nhưng những người này không bảo vệ được
thầy khỏi những bàn tay của những kẻ ác ôn tìm cách hãm hại thầy và gia
đình thầy. Ngay cả Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân thoạt đầu cũng tỏ vẻ quan
tâm đến thầy, mà cuối cùng vẫn không làm gì được cho thầy, không bảo vệ
quyền được nói thật của thầy. Trường hợp của thầy Khoa có lẽ là tín
hiệu mà xã hội Việt Nam muốn gửi ra: đừng có dại dột vạch trần tiêu cực
trong giáo dục ở Việt Nam. Một xã hội mà trong đó kẻ ác ngang nhiên lộng
hành, còn người lương thiện bị trù dập; một xã hội bất lực trước cái ác
và không bảo vệ được người ngay kẻ thẳng thì nên xem đó là xã hội gì?
Câu chuyện của thầy Khoa làm tôi nhớ đến chuyện bên Tây, nhưng kết
cục thì khác nhiều so với kết cục của thầy Khoa. AB là một chuyên viên
về bệnh lý học và Giảng sư cao cấp của một đại học lớn và danh tiếng bên
Anh; sếp của anh ta là Giáo sư RE, một chuyên viên nội tiết chuyên về
loãng xương, cũng là người rất nổi tiếng trong lĩnh vực xương. Khoảng 4
năm trước, AB tố cáo sếp của anh vi phạm đạo đức khoa học. Số là RE
trình bày một nghiên cứu trong một hội nghị chuyên ngành với những dữ
liệu mà AB không đồng ý, vì anh là người trực tiếp làm phân tích markers
mà chưa thấy những dữ liệu đó. AB làm lớn chuyện, đòi hỏi xem dữ liệu
đó ở đâu ra và đại học mở cuộc điều tra. Kết quả điều tra cho thấy RE
chịu ảnh hưởng của công ty dược trong việc phân tích dữ liệu, và đã có
vài sơ suất (chẳng hạn như ký tên tuyên bố là người giữ dữ liệu, nhưng
thực tế thì công ty giữ). Sự nghiệp của RE bị tổn hại nặng nề, bị giáng
chức hành chính, nhưng AB thì vẫn phây phây, vẫn làm trong đại học.
Đó là bên Anh, nơi mà người ta quí trọng sự thật, tôn trọng những
người dám nói thật, thậm chí dám tố cáo cả sếp của mình mà không phải
chịu những đợt hành hung và ám hại như trường hợp của thầy Khoa. Nhìn
như thế để chúng ta thấy thầy Khoa sinh nhầm thế kỷ và sống nhầm quốc
gia, nhầm chỗ.
Nguyễn Văn Tuấn
No comments:
Post a Comment