Wednesday, December 4, 2013

Tin tức ngày thứ Tư, 04.12.2013

DÂN OAN KHẮP NƯỚC CÙNG TRANH ĐẤU

Theo tin tức chúng tôi ghi nhận vào sáng hôm nay 4/12 có hơn 200 người dân tại Bà Rịa, Vũng Tàu đã kéo đến trụ sở công an phường để đòi giải quyết những trường hợp oan ức của họ từ mấy chục năm nay. Hoảng sợ trước một số đông đồng bào kéo đến bất thần như vậy, một lực lượng công an hơn 300 tên đã kéo đến bao vây và văn phòng công an phường phải đóng cửa và lực lượng công an này đã phải xua đuổi các đồng bào về lại địa phương
. Trong khi đó thì tại Hà Nội, có hơn 30 người dân vì quá phẫn nộ trước hành động của văn phòng tiếp dân tại số 1 Ngô Thì Nhậm không nhận đơn giải quyết cho họ, hơn 30 dân oan này quyết định đi đến các tòa đại sứ của Úc Đại Lợi, Anh Quốc và cộng hòa liên bang Séc để kêu oan. Đông đảo công an Hà Nội cũng phải bu quanh dầy đặt để áp chế người dân trở về công viên Lý Tự Trọng. Trong lúc đó thì tại Hải Phòng, bà Lê Thị Vân cũng đã bị công an Hải Phòng bắt giam từ hôm qua vì bà đã đến trụ sở ủy ban thành phố Hải Phòng giăng biểu ngữ kêu oan cho trường hợp đất đai của bà bị bọn cầm quyền cướp đi từ nhiều năm nay. Từ trụ sở công an Hải Phòng, bà Lê Thị Vân phát biểu:
Mời quý thính giả theo dõi buổi phỏng vấn bà Lê Thị Vân tại đồn công an Hải Phòng ngay sau phần tin tức hôm nay.

VN VẪN LÀ QUỐC GIA CÓ TỆ NẠN THAM NHŨNG HÀNG ĐẦU THẾ GIỚI

Chế độ CSVN tiếp tục bị xem là chế độ tham nhũng hàng đầu thế giới, với thứ hạng 123 trong tổng số 177 quốc gia được Tổ chức Minh bạch Quốc tế đánh giá theo chỉ số tham nhũng. Vào năm ngoái chế độ CSVN bị xếp hạng thứ 123 trong số 176 nước, có nghĩa là năm nay thì khá hơn nhưng số điểm vẫn như cũ là 31 trên 100.
Cần nói thêm là Tổ chức Minh bạch Quốc tế tính toán chỉ số tham nhũng dựa trên mức độ hối lộ và tham nhũng của giới quan chức tại các quốc gia đó. Các số liệu đều đến từ những cấp có thẩm quyền và khả tín.
Hai quốc gia được đánh giá trong sạch nhất là Đan Mạch và Tân Tây Lan. Hoa Kỳ đứng hạng 19, trong khi nước Nga đứng hạng 127, tức tệ hơn cả VN. Trung Cộng thì đứng hạng 80, tức không thay đổi so với năm ngoái. Và đứng cuối bảng vẫn là Somalia, Bắc Hàn và A Phú Hãn.

MÔI TRƯỜNG KINH DOANH TẠI VN VẪN RẤT BẤP BÊNH VÌ QUÁ NHIỀU RỦI RO

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự đoán mức tăng trưởng kinh tế của VN trong hai năm tới chỉ xấp xỉ 5.5%, nhưng nhấn mạnh là môi trường kinh doanh tại VN vẫn rất bấp bênh vì có nhiều rủi ro.
Theo báo cáo thì các rủi ro chính yếu là nguồn dự trữ ngoại tệ thấp, tình trạng thiếu công bằng giữa hai khối quốc doanh và tư doanh, tốc độ cải cách cơ cấu kinh tế quá chậm chạp, và sự hỗn loạn trong ngành ngân hàng. Theo Ngân hàng Thế giới thì tệ nạn tham nhũng là một trong những nguyên nhân chính yếu làm suy yếu mức tăng trưởng và hệ thống an sinh phúc lợi của VN.
Báo cáo cũng nêu lên 3 chủ điểm quan trọng là khả năng cạnh tranh thương mại, tệ nạn tham nhũng và hố sâu giàu nghèo tại VN.

NGÂN HÀNG DEUTSCHE BANK RÚT LUI KHỎI TẬP ĐOÀN HOÀNG ANH GIA LAI

Trước sức ép của các tổ chức bảo vệ môi sinh và nhân quyền quốc tế, đại ngân hàng Deutsche Bank đã rút toàn bộ số vốn đầu tư ở công ty Hoàng Anh Gia Lai, tuy nhiên không đưa ra lời giải thích nào về quyết định này.
Cần nhắc lại là tổ chức bảo vệ môi sinh Global Witness trong thời gian qua cáo buộc HAGL là đã vi phạm nhân quyền và hủy hoại môi trường khi chiếm đất để làm đồn điền cao su ở Lào và Campuchia. Ngân hàng Deutsche Bank của Đức đã đầu tư vào HAGL suốt nhiều năm qua, và đã giúp đưa cổ phiếu HAGL lên thị trường chứng khoán ở Anh vào năm 2011.
Tổ chức Global Witness đã có nhiều phiên họp với HAGL để yêu cầu cải thiện tình trạng hủy diệt đất đai và đời sống của nông dân Lào và Miên, nhưng không đạt được kết quả. Chính vì thế họ quay sang kêu gọi các nhà đầu tư ngoại quốc hãy chấm dứt làm ăn với HAGL.

PHI TRƯỜNG TÂN SƠN NHẤT CÀNG NGÀY CÀNG NHỎ LẠI

Một bài báo trên tờ Tuổi Trẻ trong nước cho biết là diện tích phi trường Tân Sơn Nhất đã sụt giảm từ 3600 mẫu đất, nay chỉ còn 1500 mẫu, với hàng ngàn nhà dân đang nằm sát hàng rào phi trường.
Trước năm 1975, Tân Sơn Nhất chiếm diện tích lên đến 36 cây số vuông, tức gấp 3 lần diện tích phi trường Changi của Singapore hiện nay. Vào thời điểm đó, phi trường Tân Sơn Nhất có số lượng máy bay lên xuống mỗi năm là cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Sau năm 1975, phi trường Tân Sơn Nhất bị chia cắt thành nhiều mảnh, và được phân phát cho các sĩ quan cao cấp của quân đội CSVN. Và hơn 1000 mẫu được sát nhập vào các quận Tân Bình, Gò Vấp để mở đô thị. Điều này dẫn đến việc phi trường này mất đi một hành lang an toàn và không thể mở rộng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế hiện nay.

NGƯỜI NẮM GHẾ THỦ LÃNH SỐ 2 CỦA BẮC HÀN BỊ THANH TRỪNG

Giới tình báo Nam Hàn tiết lộ là Bắc Hàn vừa bắt giam người lãnh đạo cao cấp thứ nhì của chế độ độc tài cộng sản này, và đã hành quyết hai phụ tá thân tín của người này.
Theo tin này thì Chang Song-Thaek chính là dượng của thủ lãnh tối cao Kim Jong-Un. Họ Chang nắm chức phó chủ tịch quân ủy trung ương Bắc Hàn và được xem là thủ lãnh số 2 của chế độ, đã trợ giúp rất nhiều cho họ Kim trong việc củng cố ngôi vị vào năm qua.
Nếu tin này là chính xác thì đây là biến cố chính trị lớn nhất kể từ khi ông Kim "Cha" qua đời vào năm 2011 ở đất nước cộng sản toàn trị Bắc Hàn.

TỔNG THỐNG SYRIA CÓ THỂ BỊ TRUY TỐ VỀ TỘI ÁC CHIẾN TRANH

Cao ủy đặc trách nhân quyền LHQ vào hôm qua tuyên bố là kết quả điều tra cho thấy những hành động tội ác chiến tranh tại Syria đã được ra lệnh từ cấp chỉ huy cao nhất, kể cả Tổng thống Bashir al-Assad.
Bà Navi Pillay, trưởng cao ủy nhân quyền LHQ, nói rằng cơ quan của bà đã có những bằng chứng và danh sách những kẻ đã ra lệnh thi hành các vụ tàn sát người dân Syria, với hơn 100 ngàn người chết trong hai năm qua.
Bà Pillay tuyên bố là không ai có thể tưởng tượng nổi mức độ tàn ác mà cả hai phe đã thực hiện ở xứ này. Lời tuyên bố này có nghĩa là các chỉ huy của cả hai phe đều phải chịu trách nhiệm về những tội ác chiến tranh này, bao gồm cả Tổng thống al-Assad và những thủ lãnh phe nổi dậy. Danh sách những người này đang được giữ kín và đã chuyền cho tòa án hình sự quốc tế để bắt đầu việc truy tố.

No comments:

Post a Comment