Sunday, December 1, 2013

Nói Với Người Cộng Sản

Chủ nhật ngày 01.12.2013    
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Dian
Kính chào quí thính giả, quí vị đảng viên cộng sản lâu năm và các bạn công an, bộ đội,
Cách đây ít bữa, ông nhà báo Lê Phú Khải, cựu trưởng phân xã Đài Tiếng nói Việt Nam tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đã kể lại câu chuyện ông đi thăm Liên Xô vào đầu năm 1991. Trong chuyến thăm đó ông Khải được một nhà báo Liên Xô giỏi tiếng Việt đưa đi gặp một vị trí thức lớn của Liên Xô chuyên lo về việc cải cách hiến pháp. Ông Khải đã hỏi vị trí thức Liên Xô này về mối quan tâm lớn nhất của ông ta lúc đó là gì, thì được trả lời: đó là tập trung nghiên cứu tư tưởng của Mông-tét-ki-ơ, học giả người Pháp của thế giới tư bản phương Tây hồi thế kỷ 18. Thế là ông Lê Phú Khải cảm ơn và đứng lên xin phép về luôn và ông Khải tự rút ra kết luận "chúng ta đã đi lộn đường hơn hai thế kỷ." Trong câu chuyện kể lại ông Khải thể hiện coi như đã mãn nguyện cho chuyến thăm Liên Xô khi nghe được chi tiết trên từ vị trí thức lớn của Liên Xô lúc đó.
Chín tháng sau cuộc gặp vừa kể, Liên Xô bị giải tán, thiên đường xã hội chủ nghĩa, theo cách gọi của Đảng Cộng sản Việt Nam, sụp đổ hoàn toàn sau hơn 70 năm tồn tại. Khối xã hội chủ nghĩa đồ sộ của thế giới, sau gần nửa thế kỷ cạnh tranh quyết liệt với khối tư bản chủ nghĩa, đã vỡ tan tành.
Tư tưởng Mông-tét-ki-ơ đề cập ở trên chính là nguyên tắc Tam quyền phân lập, nghĩa là chính phủ, quốc hội và hệ thống tư pháp xét xử phải độc lập với nhau, không được chịu sự chỉ đạo chung của bất kỳ đảng phái, một nhóm người hay một cá nhân nào.
Thưa quí vị, quí bạn, câu chuyện vừa kể từ Liên Xô cách đây đúng 20 năm nghe có vẻ đã xa vời, nhưng nếu liên tưởng tới Việt Nam của chúng ta ngày hôm nay thì thực sự câu chuyện đó vẫn giữ nguyên đầy đủ ý nghĩa và ở một mức nào đó còn mang tính chất bi thương hơn nhiều.
Bởi cho đến tận ngày hôm nay, nếu ai kêu gọi, đòi hỏi phải thực thi nguyên tắc Tam quyền phân lập thì đều bị Đảng Cộng sản Việt Nam qui cho là "lệch lạc", "phản động" và có thể bị tù đày.
Nhìn xa hơn nữa, chúng ta sẽ thấy Việt Nam đã bỏ lỡ một cơ hội hiếm có vào năm 1954 khi người Pháp phải rút quân về nước sau trận Điện Biên Phủ. Nếu như Việt Nam chúng ta vẫn duy trì và phát huy tiếp tinh thần Mông-tét-ki-ơ của người Pháp để lại thì chắc chắn ngày nay chúng ta đã có một thể chế chính trị tam quyền phân lập giống như các nước dân chủ, văn minh khác rồi.
Nhưng chữ "nếu" đó đã không xảy ra vì như tất cả chúng ta đã biết, Hồ Chí Minh – lãnh tụ tối cao của Đảng Cộng sản Việt Nam – đã luôn thể hiện sự toàn tâm, toàn ý đi theo đường lối của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Liên Xô, tức là không chấp nhận Tam quyền phân lập. Xấu hơn nữa, Hồ Chí Minh chính là người đã đưa ra các lời kêu gọi sắt máu quyết đánh đổ chính thể Việt Nam Cộng hòa – chính thể theo tinh thần Mông-tét-ki-ơ. Như thế, Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã tước đi cơ hội thứ hai đất nước Việt Nam có thể có một nền chính trị theo tinh thần Mông-tét-ki-ơ.
Thưa quí vị, thưa quí bạn công an, bộ đội, về mặt tình cảm và truyền thống dân tộc, chúng ta cần tôn trọng những người già, những người quá cố, nghĩa là quí vị, quí bạn hay nhiều người trong chúng tôi vẫn có thể có những tình cảm tốt đẹp, có sự tôn trọng đối với ông Hồ Chí Minh. Nhưng chúng ta cũng không nên để sự tôn trọng hay tình cảm tốt đẹp đó che đi mất những sự thật đã ảnh hưởng hệ trọng tới sự phát triển của đất nước, tới sự tồn vong của dân tộc chúng ta.
Kho tàng trí tuệ dân gian của Việt Nam chúng ta đã có một câu châm ngôn rất hay: "Một kẻ hay lo bằng kho người hay làm." Như vậy, từ xa xưa ông cha chúng ta đã nhận ra và đánh giá cao vai trò quan trọng của những người làm lãnh đạo, những người lao động trí óc. Nhưng chính câu châm ngôn này cũng lưu ý chúng ta về sự nguy hiểm và những hệ lụy vô cùng tai hại nếu những kẻ làm lãnh đạo, hay những người lao động trí óc lại sai lầm hoặc cố tình bắt dân chúng, cộng đồng đi vào những con đường sai lầm.
Đó chính là vấn đề nói lên sự xuất sắc, vĩ đại của Mông-tét-ki-ơ khi ông đề ra và phát triển một học thuyết chính trị để giúp nhân loại, giúp các quốc gia bớt đi khả năng gặp phải những kẻ lãnh đạo sai lầm hay tồi tệ. Ngày nay, tất cả quốc gia văn minh, có sự phát triển bền vững đều là các quốc gia hoan nghênh và ứng dụng đầy đủ tinh thần của Mông-tét-ki-ơ.
Việc hiểu biết nhiều hay ít, sự hoan nghênh, áp dụng mạnh hay yếu đối với tinh thần tam quyền phân lập của Mông-tét-ki-ơ cũng là một căn cứ giúp chúng ta đánh giá, phân biệt được giữa những lãnh tụ vĩ đại với lãnh tụ tầm thường, giữa những trí thức cấp tiến, có tầm nhìn xa với những trí thức lạc hậu, có tầm nhìn hạn hẹp.
Thưa quí vị, quí bạn, nếu chúng ta muốn đất nước không phải hứng chịu thêm nhiều những kẻ lãnh đạo bất tài hay không muốn có những kẻ lãnh đạo chỉ có tài mị dân, nịnh dân như đã qua thì đương nhiên chúng ta phải cố gắng cùng nhau để nguyên tắc tam quyền phân lập của Mông-tét-ki-ơ phải được thừa nhận và thực thi đầy đủ ở Việt Nam càng sớm càng tốt.
Dian và Tiến Văn kính chào tạm biệt quí vị, quí bạn và xin hẹn gặp lại vào giờ này tuần tới.
Tiến Văn
(1/12/2013)

No comments:

Post a Comment