Wednesday, February 22, 2012

ĐỪNG DỄ TIN NHƯ THẾ

Ngày 21.02.2012     

Lời dẫn: Giới báo chí lề đảng có quyền ca tụng tài ba của ông Nguyễn Tấn Dũng trong vụ Tiên Lãng, nhưng cụ bà Lê Hiền Đức, người đứng ra bênh vực dân oan suốt mấy chục năm qua, vẫn không thể tin được ông Dũng. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài viết của cụ Lê Hiền Đức, mà ban biên tập phải lược bỏ bớt một số câu chữ để đúng thời lượng, qua sự trình bày của Hoàng Ân.
Ông Nguyễn Tấn Dũng vừa kết luận về vụ cưỡng chế ở Hải Phòng thì hàng loạt tờ báo liền giật những cái tít rất kêu, một số rất đậm chất phường tuồng. Chằng hạn như Một kết luận hợp lòng dân của tờ Sài Gòn Giải Phóng, Kết luận của Thủ tướng "thấu tình, đạt lý" của đài Tiếng Nói VN, thậm chí là "Tiên Lãng và con tim đã vui trở lại" của tờ Vietnamnet...

Điều ấy chẳng làm tôi ngạc nhiên vì giật tít như thế là "công việc" của các tờ báo trên. Các tờ báo mang danh "nhân dân" như Nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân không đăng tin hay bình luận gì đáng kể cũng chẳng làm tôi ngạc nhiên. Phóng viên Việt Nam viết thế nhưng nhiều khi không nghĩ như thế. Chẳng nói đâu xa, ngay trước ngày ông Dũng kết luận, tờ báo Giáo dục Việt Nam cử người tới phỏng vấn tôi. Tôi chỉ nêu giả định"sự nghiêm minh của Thủ tướng trong việc xử lí các cán bộ vi phạm trong vụ việc ở Tiên Lãng sẽ làm gương cho các địa phương khác trong cả nước". Khi đăng bài đó, tờ báo không thêm thắt câu nào, nhưng lại giật cái tít: "Cưỡng chế ở Hải Phòng: "Bà già" Lê Hiền Đức kỳ vọng vào Thủ tướng" thì thật đáng rầu lòng.
Kỳ vọng ư? Tôi đâu có đem "trái tim lầm chỗ để trên đầu" như thế! Vì kết luận mới chỉ là lời nói mà tôi thì đã thấy rất rõ khoảng cách ghê gớm giữa lời nói và việc làm của ông Dũng. Dưới đây là vài thí dụ để minh hoạ.
Năm 2006, khi nhậm chức thủ tướng, ông Dũng cao giọng tuyên bố: "Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay". Từ đó tới nay, tham nhũng ở ViệtNam ngày càng trầm trọng mà ông vẫn tại vị. Năm 2009 ông Dũng đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân kỷ niệm 55 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ông Giáp phản đối vụ khai thác bauxite ở Tây Nguyên và sự quan ngại về công nhân nước ngoài vào theo dự án này. Ông Dũng nắm tay ông Giáp, khẳng định là "chính phủ xin tiếp thu ý kiến của Đại tướng". Vậy mà hai ngày sau, khi tiếp xúc cử tri ở Hải Phòng, ông Dũng tuyên bố là bộ Chính trị đã quyết định tiến hành khai thác mỏ bauxite.
Ngày 25 tháng 11 năm ngoái, phát biểu trước quốc hội, ông Dũng tuyên bố Việt Nam có đủ căn cứ pháp lý và lịch sử về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thế nhưng mấy tháng trước đó, khi các cuộc biểu tình diễn ra tại Hà Nội và Sài Gòn nhằm phản đối Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông, ông Dũng làm ngơ trước việc lực lượng công an ngăn chặn, bắt bớ, đánh đập, giam giữ và phạt vạ người biểu tình. Hiện nhiều người từng tham gia biểu tình vẫn còn bị sách nhiễu. Một trong những "biểu tình viên" tích cực nhất là bà Bùi Thị Minh Hằng đã bị "đưa đi cải tạo", thực chất là bị giam giữ mà không cần xét xử.
Không riêng gì ông Dũng, có thể nói mọi quan chức mà tôi từng tiếp xúc trong 10 năm trở lại đây đều ít nhiều "nói một đằng làm một nẻo", khiến người dân không biết đâu mà lần và không thể nào tin được. Trong kết luận về vụ Tiên Lãng, ông Dũng chỉ nói những điều không thể nói khác đi vì nhân chứng và vật chứng đã quá đủ.
Cách đây ít hôm, trong bài "Thế thiên hành đạo", tôi có viết: "Chừng nào ông Đoàn Văn Vươn và những người thân của ông còn phải nằm trong vòng lao lý, còn chưa được bồi hoàn các quyền lợi về vật chất, tinh thần đã bị xâm phạm thì chừng đó tôi còn nhìn chính quyền trung ương của Việt Nam như là sự phóng to của chính quyền huyện Tiên Lãng và thành phố Hải Phòng". Nay lao lý vẫn lao lý, cửa nát nhà tan vẫn cửa tan nhà nát, màn trời chiếu đất vẫn màn trời chiếu đất. Việc giải quyết lại được giao cho thành phố Hải Phòng thực hiện theo kiểu xử lý nội bộ, mà phó chủ tịch thành phố là Đỗ Trung Thoại, người đã đã dối trá tới mức "vô liêm sỉ", tráo trở" tới mức "không còn giới hạn", được cử làm tổ trưởng rồi đổi sang tổ phó thường trực.
Nhưng điều gì làm tôi ngạc nhiên nhất?
Đó là việc trong mấy ngày qua, từ nhiều tỉnh thành, hàng chục người dân bị cướp đất đai nhà cửa, phải khiếu nại tố cáo hàng năm, hàng chục năm với hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lá đơn mực hoà máu, mồ hôi và nước mắt mà vẫn chưa thu được kết quả gì, đã gọi điện cho tôi bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi trước kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Than ôi, đất đai, nhà cửa bị cướp trắng, đi kêu cầu bị đá vòng, đá hất từ chỗ nọ sang chỗ kia, bị khước từ, mắng chửi, xua đuổi, o ép, thậm chí bị hành hung mà bà con vẫn phấn khởi, tin tưởng, trông mong, hi vọng ư? Bà con chúng ta quả là quá tốt, phẩm chất người Việt xưa nay vốn là như vậy đấy. Nhưng đặt niềm tin của mình cho đúng chỗ thì sẽ không hối hận, thưa bà con.
Ngay sau khi ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hô hào diệt bầy sâu tham nhũng rồi ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hô hào chỉnh đốn đảng cộng sản, tôi đã có thư ngỏ gửi hai ông để hưởng ứng song tới nay đã thấy chút hồi âm nào đâu nào. Tôi e tất cả chỉ là "nhân nghĩa của bà Tú Đễ"!
Lê Hiền Đức

No comments:

Post a Comment