Monday, February 13, 2012

QUYỀN TỰ DO BÁO CHÍ CỦA ĐẢNG

Ngày 13.02.2012     

Lời dẫn: Trong khi đảng và nhà nước cộng sản luôn ra rả biện minh là người dân Việt có quyền tự do báo chí, thì các hành động của ban tuyên giáo trung ương lại cho thấy điều ngược lại. Mới đây nhất, trong buổi họp đầu năm, các tổng biên tập đã nhận lệnh phải tập trung tuyên truyền vào những vấn đề mà đảng cộng sản muốn báo chí phải loan tải. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài quan điềm dưới đây của LLDTCNTQ, với tựa đề "Quyền tự do báo chí của đảng", qua sự trình bày của anh Hải Nguyên.
Muốn biết quyền tự do báo chí được ghi trong hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa VN ra sao thì chỉ cần đọc một bản tin trên các tờ báo sau Tết Nhâm Thìn về buổi họp của đại diện báo chí với ông Đinh Thế Huynh, uỷ viên bộ chính trị kiêm trưởng ban tuyên giáo trung ương.

Bản tin cho biết là trong buổi họp đó, ông Huynh đưa ra 6 nhiệm vụ cho giới báo chí phải làm trong thời gian tới. Và cả 6 nhiệm vụ đều gói gọn trong cụm từ "tập trung tuyên truyền" vào những vấn đề mà đảng đề ra. Đó là kỷ niệm 82 năm đảng cộng sản ra đời, các nghị quyết của đại hội đảng lần thứ 11, các chính sách kềm chế lạm phát và ổn định kinh tế, hô hào nông dân cày cấy vụ đông xuân, quảng bá các lễ hội hè, chú trọng đến an toàn giao thông, vệ sinh thực phẩm và vận động thế giới ủng hộ VN.
Ngoài cụm từ "chống lãng phí và tiêu cực" trong đề mục tuyên truyền lễ hội, người ta không thấy nhắc nhở gì đến quốc nạn tham nhũng, nhưng lại nhấn mạnh đến việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của HCM.
Nhưng xui cho ông Huynh và đảng cộng sản VN, là cùng lúc thì bên phía láng giềng 4 tốt, các tờ báo Tàu lại khui ra một tài liệu lịch sử, nội dung nói rằng ông Hồ Chí Minh ôm mối tình si cho đến khi chết với một phụ nữ người Hoa thứ nhì, có tên là Lâm Y Lan. Trước đây, cũng chính người láng giềng "tốt bụng" đó cho đăng các tài liệu về người phụ nữ Tàu có tên Tăng Tuyết Minh mà họ khẳng định là vợ của ông Hồ, cũng với những tình tiết rất lâm ly bi đát. Cả hai câu chuyện tình đều có chung một kết thúc là ông Hồ không thể kết hôn với bà nào, chỉ vì cái trở ngại lớn nhất là chủ nghĩa cộng sản đại đồng và mối quan hệ giữa hai đảng cộng sản anh em.
Dĩ nhiên, đối với giới truyền thông thì tin này quả là nóng hổi và sốt dẻo. Nóng hơn nữa là nó không do thế lực thù địch nào tung ra, mà chính các tờ báo của người bạn láng giềng phương Bắc, được trích dẫn từ thư khố quốc gia. Thế nhưng đối với các tờ báo của đảng, thì đây là vấn đề nhạy cảm, không nằm trong 6 nhiệm vụ được giao, đụng vào là có thể đi tù như nhà báo Hoàng Khương, hay mất mạng như nhà báo Hoàng Hùng.
Nhưng kể ra thì hơi kỳ quặc. Chuyện ông Hồ nếu có vợ, hay có vài mối tình si, cũng đâu có gì là mất đạo đức mà phải giấu diếm hay xem đó là đề tài cấm kỵ? Nó chứng tỏ ông Hồ cũng là con người có tình cảm, biết rung động và gần gũi với nhân thế. Tại sao các đàn em của ông như Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh có cơn rơi con rớt tùm lum thì không sao, trong khi một ông già gần đất xa trời, chỉ ao ước làm một cái lễ kết hôn âm thầm với người tình, thì cả hai đảng đều chống đối?
Câu trả lời là vì bản chất tuyên truyền và đánh bóng lãnh tụ đã khiến cho đảng cộng sản VN bây giờ bị mắc nghẹn, và bị đàn anh Trung Cộng nắm lá bài tẩy để lấn át. Đảng cộng sản đã lỡ nói láo về một lãnh tụ có đời sống khắc khổ, suốt đời chỉ nghĩ đến đất nước và dân tộc nên không có thời giờ nghĩ đến chuyện lập gia đình. Nhưng nếu nói vậy thì chẳng khác nào nói rằng ông Lê Duẩn chẳng làm gì nhiều vì phải chăm lo cho hai ba bà vợ và một bầy con, thời giờ đâu nữa mà lo cho đất nước?
Đúng là chuyện ngu ngơ, vì rất nhiểu vĩ nhân của thế giới, có vợ con đầy đàn, vẫn được dân tộc họ yêu mến và kính trọng cho đến hàng trăm năm sau. Và chuyện tình của họ luôn luôn là đề tài hấp dẫn đối với báo chí và dư luận. Chắc chắn là chúng đỡ khô khan và nhàm chán hơn là các câu nói được chắp vá, vay mượn rồi gán ghép là của ông Hồ. Không tin thì cứ để cho tờ báo nào đó đăng câu chuyện tình của ông Hồ với bà Lâm Y Lan mà xem. Bảo đảm là dân chúng sẽ mua sạch không còn một tờ vì lòng hiếu kỳ.
Và đó chính là chỗ khác nhau giữa một nền báo chí tự do và báo chí cộng sản. Trong các xứ tự do dân chủ, không thể có chuyện các chủ bút khúm núm ngồi nghe một quan chức ấm ớ nào đó ra lệnh hay dạy dỗ họ phải viết lách như thế nào. Trái lại các quan chức luôn lắng nghe ý kiến của giới chủ bút, nếu không muốn bị báo chí moi móc đời tư và mổ xẻ những việc làm của họ mỗi ngày. Họ có thể ủng hộ các chủ trương đúng đắn của chính phủ để nâng cao dân trí, tiếp tay với pháp luật để mang lại trật tự cho xã hội. Nhưng họ cũng sẵn sàng chỉ trích mãnh liệt những việc làm sai trái của các quan chức và các bất công trong xã hội.
Và đó là lý do tại sao báo chí được xem là đệ tứ quyền trong các chế độ có tam quyền phân lập. Họ có thể là phóng viên của các cơ quan truyền thông chính phủ, lãnh lương từ tiền thuế của dân. Nhưng cũng như các đồng nghiệp làm việc cho các tờ báo tư nhân, họ đều hành xử đúng theo phương châm của ngành báo. Đó là phải nói sự thật và bênh vực cho lẽ phải. Họ có thể thiên vị phe chính phủ, nhưng không chấp nhận bất cứ quan chức nào ra lệnh, hay có lời lẽ đe dọa, đối với các bài viêt của họ.
Nói một cách tóm tắt, đối với giới báo chí ở các xứ dân chủ, không có đề tài nào gọi là nhạy cảm hay cấm kỵ nếu liên quan đến sinh mạng và đời sống của người dân. Trong khi đó ở VN thì hoàn toàn ngược lại. Đây là điều bất hạnh lớn nhất cho dân tộc, và cho giới cầm bút tại VN!
LLDTCNTQ

No comments:

Post a Comment