Monday, February 27, 2012

HAI BÀ TRƯNG – ANH THƯ NƯỚC VIỆT

Ngày 27.02.2012     

Lời dẫn của HS: Hôm nay là ngày giỗ Nhị vị Trưng Vương, hai vị anh thư đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc qua cuộc khởi nghĩa dựng lại nền tự chủ cho giòng giống Tiên Rồng, mặc dù chỉ kéo dài có mấy năm. Thế nhưng cuộc khởi nghĩa này đã gây rúng động cho triều đình Đại Hán, khơi dậy ý chí của con dân Việt suốt cả mấy trăm năm sau đó, với hàng chục cuộc khởi nghĩa khác nhau mà mục tiêu tối thượng là giành lại độc lập cho dân tộc. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài viết về Nhị vị Trưng Vương của Việt Thái, qua sự trình bày của anh Song Thập.
Theo Khâm Định Việt Sử, vào mùa xuân năm thứ 40 sau Công Nguyên, tức năm Canh Tý thời nhà Hán, thuộc năm Kiến Vũ thứ 16, hai chị em thuộc quận Giao Chỉ, có tên là Trưng Trắc và Trưng Nhị, đã khởi binh đánh đuổi thái thú Tô Định, rồi tự lập lên làm vua.

Đề cập đến chiến tích huy hoàng này, sử sách đã nhắc đến những hành động bạo ngược tàn ác của giặc phương Bắc đối với con dân nước Việt trong thời kỳ này. Từ năm 34, Tô Định được nhà Hán cử sang làm Thái thú. Tô Định đã bắt giết nhiều Lạc hầu, Lạc tướng, ép buộc người dân Việt lên rừng tìm ngà voi, xuống biển mò ngọc trai để vơ vét của cải. Trước sự lầm than của dân chúng, quan huyện lệnh Đặng Thi Sách gửi thư yêu cầu Tô Định phải chấm dứt sự lộng hành. Chẳng những không nghe, Tô Định còn bắt giết ông và gia tăng đàn áp dân Việt.
Cái chết của ông Thi Sách đã châm ngòi cho cuộc tổng khởi nghĩa đã âm ỉ từ lâu vì ông là phu quân của bà Trưng Trắc. Bà Trưng Trắc cũng là cháu ngoại của vua Hùng vương. Căm phẫn trước cái chết của chồng, bà cùng người em sinh đôi là Trưng Nhị dựng cờ khởi nghĩa tại huyện Mê Linh, chiêu binh mãi mã với quyết tâm giành lại giang sơn và nền độc lập cho đất nước. Những tiếng trống từ rừng Mê Linh đã đánh thức tinh thần dân tộc, bùng sáng lên ý chí để tranh đấu cho Tổ quốc, nỗi đau riêng chuyển thành thù chung, tình nhà nợ nước khiến cho nổi uất hận như thủy triều dâng. Cả dân tộc Việt đã đáp ứng lời kêu gọi khởi nghĩa của hai Bà, và tiếng trống Mê Linh đã làm khiếp vía tên thái thú Tô Định và đoàn quân xâm lược của phương Bắc.
Cuộc tiến binh của đoàn quân Lĩnh Nam đã vượt ra khỏi lãnh thổ Văn Lang, lên đến tận phía nam Động Đình Hồ. Đoàn quân ngày càng đông đảo hơn khi tiến đến vùng Lưỡng Việt, tức Quảng Đông và Quảng Tây ngày nay, với thành phần tướng lãnh hùng hậu như Doãn Công, Ông Hựu, Ông Đông, Đào Kỳ cùng các công chúa Phương Dung, Bạch Nương, Hồng Nương, Tía Nương, Lê Chân, Bát Nàn, Bảo Châu, Nguyệt Thai, Nguyệt Độ... Bà Trưng Nhị được phong là Bình Khôi công chúa.
Chia quân làm hai đạo, mỗi Bà cầm một đạo quân với sức tiến công như chẻ tre làm cho bọn giặc xâm lược không kịp trở tay, hè nhau trốn chạy. Tại Liên Lâu, sau khi tập trung các toán quân vào hai đạo quân lớn, đáng kể nhất là hai cánh quân của hai nữ tướng tài ba là Ả Tắc và Ả Di, toàn quân đã bao vây và tấn chiếm thành trì này. Liên Lâu thất thủ, Tô Định dẫn tàn quân chạy về Hoa Đông thì bị phục binh, toàn quân tan vỡ.
Chưa đầy một tháng kể từ khi xuất quân, Hai Bà Trưng đã thu giang sơn về một mối, gồm có Long Biên và 64 thành trì. Hai Bà đã cùng thế hệ Lĩnh Nam viết nên trang sử oai hùng cho dân tộc, mở đầu cho các phong trào kháng chiến sau này. Thể theo lời yêu cầu của ba quân tướng sĩ, hai Bà lên ngôi vương, đặt thủ đô ở Mê Linh.
Cuộc khởi nghĩa của hai Bà đã làm rúng động cả triều đình nhà Hán. Hai năm sau, với quyết tâm tái chiếm quận Giao Chỉ, nhà Hán đem hai vạn quân thiện chiến, do Mã Viện làm soái tướng, từ Hồ Nam mở đường xẻ núi tiến đánh nước Nam. Năm 43 Quý Sửu, phải chống đỡ cả bốn mặt trận, đạo binh của nữ tướng trẻ tuổi Lê Chân đã đánh bại và giết được tướng giặc là Bình Hầu Hán Vũ tại hồ Lãng Bạc.
Tại mặt trận Mê Linh, các tướng sĩ của hai Bà bị Mã Viện dùng thế gọng kềm vây hãm nên phải lui binh về Kim Khê trấn thủ. Khi Mê Linh thất thủ, một số nữ tướng đã trầm mình ở ngã ba sông Hồng và sông Hát để tuẫn tiết chứ không muốn sa vào tay giặc.
Mã Viện tiếp tục truy đuổi, tập trung hết lực lượng vây đánh Kim Khê. Trong khi bên địch càng ngày càng gia tăng quân số thì quân binh của hai Bà lâm vào cảnh "sức cùng lực kiệt", phải rút lui ra sông Hát. Gần đến sông Hát thì bị đạo quân tiên phuông của địch đuổi theo. Biết đại sự đã không thành, nhiều tướng lãnh như Cao Thị Liên, Nàng Quốc, Ngọc Kính, Phùng Tú, Phùng Huyền, Hoàng Cát đều tự sát tại mặt trận hoặc gieo mình xuống sông tuẫn tiết.
Quân Mã Viện lại ồ ạt tiến đánh Sơn Nam, tàn quân Lĩnh Nam rút về Thần Phù. Công chúa Tía Nương hai mươi tuổi, tình nguyện cầm quân ngăn chận mũi tiến công, chống trả với gần hai vạn tinh binh của địch. Nhưng cuối cùng quân ít thế cô, Tía Nương công chúa nhảy xuống cửa biển Thần Phù tự vận. Riêng Hai Bà thì tuẫn tiết tại sông Hát.
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng và giành lại quyền tự chủ cho dân tộc dù chỉ kéo dài có mấy năm nhưng đã gây chấn động khắp nơi và lưu danh muôn thuở. Lịch sử Việt đã trân trọng ghi công hai Bà, cùng với hàng ngàn tướng sĩ Lĩnh Nam đã hy sinh vì đại nghĩa. Cuộc khởi nghĩa mùa Xuân năm Canh Tý của Nhị vị Trưng Vương đã viết nên trang sử có một không hai trong lịch sử Đông Phương nói riêng và giới anh thư thế giới nói chung.
Đền thờ hai Bà do dân chúng Lưỡng Việt nhớ ơn lập ra tại Xã Hát Môn, đến nay vẫn còn khói hương nghi ngút.
Việt Thái

No comments:

Post a Comment