Lời dẫn của HS: Lá thư Úc châu kỳ này xin giới thiệu với quý thính giả về truyền thống tổ chức Hội chợ Tết của người Việt tại Úc, một sắc dân đang đứng thứ 5 về tỷ lệ dân số của lục địa Úc châu "đất rộng, người thưa", qua sự trình bày của chị Như Giang.
Năm mới Nhâm Thìn vừa qua, Lá thư Úc châu xin gửi lời chúc Tết muộn đến quý thính giả. Nhân dịp này xin bàn tới cái Tết ta của khoảng một phần tư triệu người Việt định cư trên đất Úc này.
Với tỷ lệ dân số đông vào hàng thứ năm so với các sắc dân khác, và mỗi ngày mỗi đông hơn, tết Nhâm Thìn của người Việt diễn ra trong mùa bãi trường của học sinh nên cộng đồng người Việt ở Úc có vẻ ăn Tết hơi lớn trong năm nay. Đâu đâu cũng có hội chợ Tết, trước và sau ngày 23 tháng Giêng. Ngay cả khi người viết đặt bút xuống viết bài này thì Tết đã trôi qua cả tuần, nhưng vẫn còn hội chợ Tết "lai rai". Nếu không phải là hội chợ hai ngày do các Cộng Đồng Người Việt Tự Do ở các tiểu bang tổ chức, thì cũng là hội chợ một ngày do các hội đồng thương mại người Việt đứng ra tổ chức.
Cũng có múa lân, cũng có đốt pháo tưng bừng. Và tuy không phải là năm bầu cử ở bình diện liên bang, và phần lớn các tiểu bang, nhưng giữa trời nóng mùa hè xứ Úc, người ta cũng chẳng lấy làm ngạc nhiên khi hàng chục chính trị gia bản xứ mặc đồ lễ long trọng, có người còn "áo dài khăn đóng", ngồi giữa cái nắng chang chang chờ lúc được mời lên diễn đàn, nói vài chữ lắp bắp như "Chúc Mừng Năm Mới" không ...bỏ dấu, nghe rất vui tai ở các hội chợ Tết của người Việt tại Sydney hay Melbourne.
Sau đó hàng trăm ngàn người, cả Úc lẫn Việt sát cánh đề huề, chen chúc đi mua sắm băng nhạc, ăn uống tưng bừng với những món ăn mà chính chúng ta cũng không nhớ là có phải là món cổ truyền nhân dịp Tết hay không. Trẻ em thì sắp hàng tham gia những trò chơi như đi cầu tuột, nhẩy nhót trong các lâu đài nhựa được bơm phồng, trong khi người lớn chen chúc quanh những gian hàng vui chơi như thẩy tiền, ném lon hoặc đua nhau đứng hát ka-ra-ô-kê thật lớn.
Thật sự thì không phải hội chợ năm nào cũng có màu sắc thương mại như thế. Nhiều người Việt vẫn còn luyến tiếc khi ít thấy các gian hàng trưng bầy các hoạt động về chính trị hay tranh đấu. Những lãnh vực này rất được chú trọng trong các hội chợ Tết đầu tiên nhằm nhấn mạnh đến khía cạnh tỵ nạn chính trị và quá khứ thuyền nhân của sắc dân Việt định cư tại Úc. Vào thời điểm đó, cộng đồng người Việt còn phôi thai, chưa có đủ sức về thương mại hay chính trị, nên những người tổ chức phải chạy đôn chạy đáo, xin ủng hộ chỗ này một tí, chỗ kia một tẹo để cho người trong cộng đồng có chỗ vui xuân với nhau.
Dần dà theo năm tháng, hội chợ Tết không còn tập trung tại một nơi mà được tổ chức ở những nơi có đông người Việt sinh sống, đặc biệt là tại thành phố Melbourne, và không còn thuộc phạm vi trách nhiệm của ban chấp hành cộng đồng người Việt tại các tiểu bang. Những người tổ chức có thể là một hiệp hội thương mại địa phương, phối hợp với hội đồng thành phố, tạo thêm một ngày lễ vui nhộn nữa cho nước Úc nói chung và tại địa phương nói riêng.
Trong khung cảnh gia đình thì sau mấy chục năm, những giá trị cổ truyền của người Việt cũng mai một đi ít nhiều. Thế nhưng vẫn có gia đình mỗi năm vẫn tổ chức gói bánh chưng, bánh tét, làm bánh tổ, kho thịt nước dừa, muối dưa cải chua, nấu canh măng, mọc, miến. Lễ tiễn đưa "Ông Táo chầu trời" vào ngày 23 tháng Chạp và lễ cúng rước ông bà vào ngày giao thừa vẫn được tiến hành rất nghiêm trang, tùy theo giờ giấc thích hợp của gia đình.
Đám trẻ ngày nay tuy tiếng Việt chỉ còn nói được võ vẽ, nhưng về ăn uống thì vẫn còn rất rành "sáu câu". Có đứa nhất định chỉ ăn bánh chưng do ông bố làm từ hồi nó mới ra đời chứ không chịu ăn bánh chưng mua ngoài tiệm. Đứa khác thì trong tuần làm giám đốc, chỉ huy hàng trăm công dân Úc thuộc nhiều sắc tộc, nhưng cuối tuần vẫn kiên nhẫn ngồi cạnh cha mẹ để học cách xếp từng chiếc lá gói bánh chưng, bánh tét. Bàn về khía cạnh này, có người nói rằng giới trẻ ở đây, tuy bề ngoài cũng thời thượng chẳng kém gì giới trẻ Việt Nam, nhưng trong lòng thì vàng như chuối cau xứ Mẹ. Âu đấy cũng là nguồn an ủi cho những bậc cha mẹ đã một thời liều mình "ra đi tìm tự do trong cái chết" để tìm tương lai cho con cái.
Chỉ có một điều hơi buồn là giới truyền thông và chính trị chính mạch vẫn không thèm nói tới Năm Mới là của chung nhiều sắc dân Á châu, mà cứ khăng khăng gọi Năm Mới Âm Lịch là Tết... Tàu! Dĩ nhiên không ai oán trách hay ganh tị gì với những người một thời cũng di cư, cũng tị nạn như mình, nhưng cứ đem "râu ông nọ cắm cằm bà kia" như thế này thì thật không đúng. Vì Tết âm lịch cũng là tết chung của dân Đại Hàn, Trung Quốc và Việt Nam. Nếu chỉ gọi là Tết của người Tàu hay người Hoa thì quả là không công bằng.
Hy vọng những người Việt ở Úc đủ kiên nhẫn để giải thích cho các sắc dân và chính khách biết rõ về sự thật này. Nếu không lấy được chính danh, thì phải làm sao cho họ biết rằng, những buổi đi xem văn nghệ, ăn uống và vui chơi trong những hội chợ Tết do người Việt tổ chức là điều lý thú chẳng kém gì việc đi ăn uống ở các khu phố Tàu. Và quan trọng hơn cả là trong xã hội đa văn hóa ở Úc, người Việt đang có một chỗ đứng quan trọng, và phải được công nhận một cách xứng đáng.
Hẹn gặp lại quý thính giả vào một dịp khác. Trong khi chờ đợi xuân Quý Tị sắp tới, một lần nữa xin chúc quý vị một năm Nhâm Thìn thật an khang.
Đằng Phong Hầu
No comments:
Post a Comment