Quan chức Hải Phòng họp giải quyết vụ Tiên Lãng
Sau khi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng coi vụ cưỡng chế thu hồi đất đối với ông Ðoàn Văn Vươn là một quyết định sai trái, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hải Phòng Dương Anh Ðiền đã chủ trì một buổi họp gồm các ngành liên quan để giải quyết vụ cướp đất tại Tiên Lãng.
Được biết các ban nghành sẽ chú tâm về các lãnh vực điều tra như nhiệm vụ quản lý đất đai, nhiệm vụ các cơ quan bảo vệ pháp luật, kiểm điểm và xử lý vụ việc cũng như thông tin tuyên truyền về vụ Tiên Lãng. Kết quả điều tra sẽ được báo cáo đến thủ tướng chính phủ trướng ngày 30 tháng 3. Hiện nay một số quan chức địa phương đã bị đình chỉ chức vụ như ông Lê Văn Hiền, phó Bí Thư Huyện Ủy Tiên Lãng, và ông Nguyễn Văn Khanh, phó Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân huyện Tiên Lãng. Việc truy tố ông Ðoàn Văn Vươn về tội "Giết người và chống người thi hành công vụ" được coi là điểm nổi bật trong vụ cưỡng chế thu hồi đất Tiên Lãng vì nhiều người cho rằng nếu chính quyền đã không dùng lực lượng công an và quân đội cưỡng chế đất thì ông Vươn và gia đình đã không quá tuyệt vọng phải ra tay chống đỡ.
Việt Nam chối không bán phá giá trụ điện gió sang Hoa Kỳ
Phát ngôn nhân bộ Ngoại Giao Lương Thanh Nghị phủ nhận lời cáo buộc Việt Nam bán phá giá các trụ điện gió sang Hoa Kỳ. Ông Nghị kêu gọi Washington cần khách quan và công bằng trong cuộc điều tra của bộ Thương Mại Hoa Kỳ về các sản phẩm bán phá giá. Được biết một ủy ban duyệt xét giao thương tại Hoa Kỳ đã đề nghị chính quyền Obama điều tra việc bán phá giá các trụ điện sản xuất từ Trung Quốc và Việt Nam, cũng như các máy giặt làm tại Mễ và Nam Hàn. Liên Đoàn Sản Xuất Trụ Gió tại Hoa Kỳ từng cho rằng Trung Quốc và Việt Nam được ưu đãi một cách bất công. Tuy nhiên, mức xuất cảng các trụ điện gió sang Hoa Kỳ bắt đầu giảm mạnh từ năm 2010. Số trụ điện gió từ Việt Nam giảm 23% tương đương với gần 52 triệu mỹ kim, so với Trung Quốc giảm 42% tương đương hơn 103 triệu mỹ kim. Bộ Thương Mại sẽ công bố kết quả điều tra vào ngày 26 tháng 3, và quyết định phạt các nước bán hàng phá giá sẽ được công bố vào tháng 6 năm nay.
Hàng chục ngàn người dân tại Kawhmu chào đón lãnh tụ Miến Điện Aung San Suu Kyi
Lãnh tụ Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ Aung San Suu Kyi đã được hàng chục ngàn người xếp hàng trước cả giờ, chào đón hai bên đường và tặng hoa tại tỉnh Kawhmu. Được biết đoàn xe gồm trên 30 chiếc xe hơi và hàng trăm chiếc xe gắn máy đã hộ tống bà Suu Kyi đến gặp người dân Kawhmu trong cuộc vận động tranh cử quốc hội vào đầu tháng 4 năm nay. Bà Aung San Suu Kyi kêu gọi dân Miến Điện tin tưởng và ủng hộ các ứng cử viên Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ cho 48 ghế tại quốc hội. Theo bà "không có một đảng phái nào có thể mang lại lợi ích cho dân tộc nếu không được người dân ủng hộ". Cuộc bầu cử quốc hội sẽ là thước đo dân chủ tại Miến Điện sau khi nhà cầm quyền quân phiệt tỏ ra khoan dung đối với thành phần đối lập trong 49 năm qua và thả khoảng 650 tù nhân chính trị. Một cuộc bẩu cử tự do sẽ giúp các nước phương Tây an tâm đầu tư vào Miến Điện sau nhiều thập niên cấm vận kinh tế. Tuy nhiên vào sáng thứ sáu, nhà sư Shin Gambira đã bị nhà cầm quyền Rangoon bắt giam trở lại sau khi được thả vào tháng trước. Tu sĩ Gambira đã bị kết án 68 năm tù về tội tham gia cuộc biểu tình chống chế độ độc tài vào cuối năm 2007. Tưởng cần nhắc lại, Hoa Kỳ đã bình thường hoá ngoại giao với Miến Điện vào tháng trước sau khi tổng thống Thein Sein, vị tướng đứng hàng thứ 4 trong nhóm cầm quyền quân phiệt, tỏ thiện chí đối với thành phần phản kháng và các lực lượng giải phóng chống chính quyền.
Thêm một tu sĩ Tây Tạng tự thiêu
Một nhà sư ngoài 30 tuổi đã tự thiêu chống Trung Quốc tại tỉnh Tứ Xuyên vào thứ bẩy tuần này. Lực lượng an ninh Trung Quốc ngay sau đó đã đưa tu sĩ Tây Tạng đi mất tích. Đây là vụ tự thiêu thứ 21 kể từ năm ngoái trong cuộc chiến chống lại Trung Quốc xâm chiếm Tây Tạng và đàn áp tôn giáo. Cô Stephanie Brigden thuộc nhóm tranh đấu tự do cho Tây Tạng tại Hoa Kỳ giải thích rằng các tu sĩ tiếp tục tự thiêu vì họ trở nên bất lực trước tình trạng đàn áp dã man của Trung Quốc. Điều cô ta quan tâm hiện nay là danh sách các tu sĩ Tây Tạng sẵn sàng tự thiêu cho chính nghĩa. Tuy nhiên không phải tu sĩ nào cũng có quyết định cho vận mạng của mình vì một số tu sĩ đã bị bắn chết trong các cuộc đụng độ giữa người Tây Tạng và lực lượng võ trang Trung Quốc. Hiện nay cảnh sát Trung Quốc trú đóng và theo dõi tu sĩ Tây Tạng ngay trong các tu viện. Hình Đức Đạt Lai Lạt Ma bị cấm và các buổi học tập chính trị nhồi sọ gia tăng. Một tu sĩ Tây Tạng mỉa mai cho rằng hiến pháp Trung Quốc quy định cho phép tự do tín ngưỡng nhưng thực tế không ai có quyền tự do hành đạo. Tự thiêu là một hành động rên siết của người Tây Tạng muốn đánh thức lương tâm thế giới vì không ai muốn phải chết.
Hoa Kỳ áp lực Trung Quốc về nhân quyền tại Tây Tạng
Ông Daniel Russel, phụ tá đặc biệt cho tổng thống Obama xác nhận Hoa Kỳ sẽ nêu vấn đề đàn áp nhân quyền tại Tây Tạng trong chuyến gặp gỡ của phó chủ tịch nước Tập Cận Bình và tổng thống Barack Obama vào hôm nay ngày 14 tháng 2 tại tòa bạch ốc. Washington đang quan tâm về các cuộc đàn áp người Tây Tạng tại Tứ Xuyên và Hoa Kỳ muốn Trung Quốc phải tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người Tây Tạng. Được biết, phó chủ tịch nước Tập Cận Bình được coi là nhân vật lãnh đạo Trung Quốc vào cuối năm nay đã tuyên bố nhân ngày kỷ niệm chuyến viếng thăm Trung Quốc của tổng thống Nixon vào 40 năm trước rằng Hoa Kỳ nên tránh các vấn đề nhậy cảm và cần khách quan đối với các mục tiêu chiến lược và phát triển của Trung Quốc. Trong khi đó mức mậu dịch của Trung Quốc đầu tiên thuyên giảm vào đầu năm kể từ 2 năm qua. Mức nhập cảng giảm 15.3% so với năm ngoái và mức xuất cảng giảm 0.5%. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cho rằng tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm nay chỉ có thể đặt được phân nửa 8.2% như dự tính vì tình trạng nợ tại các nước châu Âu sẽ khó lòng tiếp tục mua hàng Trung Quốc như trước.
Phụ tá tổng thống Nam Hàn Lee Myung-bak từ chức
Ông Kim Hyo-jae phụ tá chính trị cho tổng thống Lee Myung-bak đã phải từ chức hôm thứ sáu về cáo buộc bỏ tiền mua phiếu trong cuộc tranh cử bầu chủ tịch đảng cầm quyền nay gọi là Saenuri. Được biết ông Kim là một trong những người đang bị biện lý cuộc lấy cung về những quan hệ trong vụ chủ tịch quốc hội Park Hee-tae hối lộ một quan chức trong đảng trước khi được bầu làm chủ tịch đảng vào năm 2008. Được biết tổng thống Lee Myung-bak đã nhận đơn từ chức của người phụ tá thâm niên mà không hề lên tiếng. Nhân viên điều tra cho biết một người từng giúp việc cho ông Kim Hyo-jae đã trao nhiều bao thư tiền cho các dân cử trước khi bỏ phiếu chọn lãnh tụ đảng. Ông Kim Hyo-jae từng là cánh tay phải của tổng thống Lee Myung-bak trong cuộc vận động tranh cử tổng thống và được thăng chức phụ tá chính trị cho tổng thống Lee từ năm ngoái.
No comments:
Post a Comment