Ngày 14.02.2012
Lời dẫn: Nhắc đến Miến Điện là người ta phải nhắc đến bà Aung San Suu Kyi, người phụ nữ nhỏ nhắn nhưng có một trái tim vĩ đại dành cho đất nước và dân tộc. Bà là niềm hy vọng của Miến Điện, sau nhiều năm sống dưới bàn tay sắt của các tập đoàn quân phiệt. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài bình luận dưới đây của ông Ngô Nhân Dụng, bỉnh bút nhật báo Người Việt ở Mỹ, qua sự trình bày của anh Song Thập.
Bà Aung San Suu Kyi nói bà sẽ ra ứng cử. Ðây là một quyết định can đảm. Thêm một biểu hiện của đức can đảm mà bà Suu Kyi đã chứng tỏ hơn hai chục năm qua.
Người phụ nữ này đã hy sinh tình cảm gia đình, vì một lý tưởng: cứu đất nước khỏi nạn độc tài. Chế độ độc tài đã gây nên tình trạng chậm tiến, hơn 50 triệu dân sống trong cảnh nghèo đói nhất châu Á, mặc dù khi còn sống dưới chế độ thực dân Anh, Miến Ðiện vốn là một nước giàu nhất Ðông Nam Á.
Bà Suu Kyi đã trở thành ngọn hải đăng của phong trào dân chủ Miến Ðiện, sau khi bà diễn thuyết lần đầu tiên lên tiếng đòi tự do dân chủ vào năm 1988. Bà Suu Kyi và các người cùng chí hướng thành lập Liên Ðoàn Dân Tộc vì Dân Chủ (NLD). Bà đi diễn thuyết khắp nơi, mặc dù bị chính quyền cấm đoán.
Chính quyền quân phiệt đã hứa hẹn thay đổi chế độ một lần vào năm 1990, tổ chức bỏ phiếu bầu quốc hội. Bà Suu Kyi và đảng bà đã tin tưởng và tham dự cuộc bầu cử này. Ðảng NLD thắng 60% số phiếu và chiếm 80% số ghế trong quốc hội. Đám quân phiệt liền trắng trợn bãi bỏ kết quả bầu cử, bắt giam các dân biểu đối lập, cấm NLD hoạt động. Bà Aung San Suu Kyi bị bắt giam nhiều lần. Cả thế giới văn minh đã tạo áp lực buộc đám quân phiệt phải trả tự do cho Aung San Suu Kyi.
Năm 2009, nhà cầm quyền quân phiệt quyết định quản thúc bà Suu Kyi 18 tháng, mục đích không cho bà tham dự cuộc bầu cử năm 2010. Các nước trong khối ASEAN dự tính kêu gọi Miến Ðiện trả tự do cho bà, nhưng bị Cộng Sản Việt Nam phản đối. Phát ngôn nhân Lê Dũng nói Hà Nội luôn luôn ủng hộ chính quyền Miến Ðiện, kể cả quyết định quản thúc mới này.
Nhưng năm nay, Miến Ðiện đang biến chuyển. Giới lãnh đạo mới của nhóm quân phiệt đã thả một số tù nhân chính trị, cho phép các mạng lưới được tự do hơn, chính thức mời bà Suu Kyi tái lập Liên Ðoàn Dân Tộc Dân Chủ và tham dự cuộc bầu cử bổ túc sắp tới để điền khuyết 48 ghế dân biểu trong quốc hội.
Khi đồng ý tham dự cuộc bầu cử, bà Aung San Suu Kyi đã giúp cho nhóm quân phiệt được tiếng tốt, và bà chấp nhận cuộc tranh đấu ở nghị trường với các dân biểu "gia nô" do chính quyền tuyển chọn. Chắc phải có những dấu hiệu vững chắc từ phía các tướng lãnh mới khiến bà Aung San Suu Kyi chấp nhận cuộc "đánh cá" lịch sử này. Bà tuyên bố, điều quan trọng là phải thiết lập một thể chế tôn trọng pháp luật. Điều này quan trọng hơn cả việc thả tù nhân chính trị. Bởi vì dù thả hết tù nhân chính trị mà không tôn trọng luật pháp thì bất cứ lúc nào họ cũng có thể bắt lại. Vì thấu hiểu tấm lòng người dân, cho nên Aung San Suu Kyi quyết định tham dự cuộc đánh cá này với hy vọng dân chủ hóa đất nước.
Hiện phong trào chống lại tình trạng Trung Quốc bành trướng thế lực trên quê hương Miến đang sục sôi, qua các cuộc biểu tình khắp nơi khiến các tướng lãnh cũng bị động tâm, lòng yêu nước của họ được đánh thức dậy. Có nhiều dấu hiệu cho thấy nhóm quân phiệt, trong đó có lãnh tụ tối cao Than Shwe, cho thấy họ đang bị "ngột ngạt" dưới sức ép của Trung Quốc.
Ðám quân nhân cầm đầu Miến Ðiện không có những ràng buộc về "chủ nghĩa" hay "ý thức hệ" với đảng cộng sản Trung Quốc. Họ coi chế độ độc tài như một phương tiện để mưu đồ lợi ích cho bản thân và gia đình, chứ không phải vì theo một chủ nghĩa nào đó. Cho nên họ có thể thay đổi chế độ nếu thấy có một con đường khác đạt được các mục tiêu cá nhân. Họ nhận thức ra rằng một chế độ độc tài bất chấp pháp luật sẽ có ngày làm hại chính họ hoặc con cháu họ. Không có gì bảo đảm một nhóm độc tài khác, trong 10 năm hay 20 năm nữa, sẽ tôn trọng những tài sản mà các nhà độc tài thời nay thu góp cho gia đình hưởng. Chỉ có một thể chế tôn trọng pháp luật mới bảo vệ quyền tư hữu lâu dài.
Ðó có lẽ là lý do chính khiến nhóm lãnh tụ quân phiệt muốn thay đổi. Có vẻ như bà Aung San Suu Kyi biết rõ tình hình nội bộ của chính quyền quân phiệt. Bà là niềm hy vọng của nước Miến Ðiện. Bà cũng mang hy vọng cho một Mùa Xuân Á Châu, đang tiếp theo sau cơn gió Xuân từ các nước Á Rập và Trung Ðông!
Ngô Nhân Dụng
No comments:
Post a Comment