Ngày 16.02.2012
Lời dẫn: Gần hai chục năm loay hoay với luật Đất Đai, đảng cộng sản VN vẫn chưa thoát ra được cái vòng kim cô về quyền sở hữu ruộng đất mà họ gọi là "sở hữu toàn dân", nhằm dễ dàng tước đoạt đất đai của người dân bất cứ lúc nào họ muốn. Chính điều này đã dẫn đến vụ cướp đoạt và nổ súng ở khu đầm Cống Rộc. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài phân tích dưới đây của ông Đào Tuấn, nhận định về luật đất đai của chế độ cộng sản, qua sự trình bày của chị Dian.
Vào ngày 31 tháng 5 năm 2003, tức gần 10 năm về trước, quốc hội VN thảo luận về việc sửa đổi Luật Đất đai. Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào nêu ra hàng loạt câu hỏi: "Với khái niệm đất đai là sở hữu toàn dân và Nhà nước là chủ sở hữu thì Nhà nước là ai? Chủ sở hữu là ai?".
Theo ông Đào, chế độ sở hữu này đã dẫn đến tình trạng "có rất nhiều Nhà nước trong một Nhà nước" khi xã, huyện, tỉnh hay bất cứ cấp nào cũng là nhà nước, cũng được giao đất, cho thuê đất dẫn đến tình trạng dân không biết Nhà nước nào giao đất cho mình". Đại biểu Dương Trung Quốc thì cho rằng "Quyền sở hữu toàn dân là một thứ hư quyền, là chẳng phải của ai cả. Trong khi đó, về lý thuyết, người dân chỉ có quyền sử dụng đất. Đó là một thứ quyền rất mỏng manh".
Nguyên bộ trưởng tư pháp Nguyễn Đình Lộc thì đề cập thẳng thắn đến việc "không thể lẩn tránh vấn đề căn bản trong luật đất đai là quyền sở hữu". Điều đáng lưu ý là ông Lộc từng đảm nhiệm vị trí trưởng Ban biên tập Hiến pháp năm 1992.
Nhưng tất cả những phát biểu đó đều vô nghĩa khi về nguyên tắc, chế độ sở hữu đất đai trong luật không thể trái với Hiến pháp, tức luật gốc, luật mẹ của các luật.
Quyền sở hữu đối với ruộng đất thực sự được đặt ra ngay trong bản dự thảo Hiến pháp năm 1980. Ông Vũ Mão, một cựu quan chức của quốc hội, khi trả lời câu hỏi "vì sao" có sự thay đổi chế độ sở hữu đất đai kể từ bản Hiến pháp năm 1980, đã thừa nhận: "Khi đó xu hướng, nhận thức chúng ta về xây dựng chủ nghĩa xã hội có 'hơi quá' so với thực tiễn cuộc sống". Tới đầu những năm 90, khi Hiến pháp 1980 được sửa đổi, quan điểm này tiếp tục được đưa ra. Thậm chí ngay cả khi bản Hiến pháp 1992 không thừa nhận quyền tư hữu, thì Luật đất đai 1993, đã đẻ ra một thuật ngữ lạ "Quyền sử dụng đất". Trao đổi với nhà báo Huy Đức, Trưởng ban Biên tập Hiến pháp 1992, ông Nguyễn Đình Lộc lý giải: "Không ai có đủ dũng cảm đứng lên đòi bỏ sở hữu toàn dân, vì đó là một vấn đề nhạy cảm, đụng đến chủ nghĩa xã hội".
Tuy nhiên, Luật Đất đai 1993 đã rất tiến bộ so với "Luật mẹ" khi "lách hiến pháp" bằng cách giao 5 quyền đối với đất đai, trong đó có quyền chuyển nhượng "quyền sử dụng đất". Cả ông Vũ Mão và ông Nguyễn Đình Lộc đều không giải thích rõ nhận thức "hơi quá" thực chất là gì. Tuy nhiên, nhận thức "hơi quá" đó đã dẫn đến một hình thức "sở hữu toàn dân" trong Luật mẹ, tức "sở hữu nhà nước" trong Luật đất đai, và "Sở hữu vô chủ" trong thực tế, đã biến Luật đất đai, một bộ luật quan trọng liên quan đến gần 90 triệu dân, dù đã 4 lần sửa đổi, bổ sung. Riêng Luật đất đai 2003 có trên 400 văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện) chứa đầy những bất cập và xa lạ với thực tế.
Năm 2010, khi tổng kết thi hành luật đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên phát biểu, dù rào đón rằng đó chỉ là quan điểm cá nhân: "Tốt nhất là cho sở hữu tư nhân đất ở vì thực chất đã sở hữu tư nhân rồi mà ta cứ nói là sở hữu toàn dân, thành ra bao nhiêu chính sách ra không rõ!". Nhưng không thể sửa luật nếu như chế độ sở hữu đất đai trong "Luật mẹ" chưa thay đổi.
Ngày 26 tháng 3 năm 1970, sau khi được thông qua tại lưỡng viện, Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã ký sắc lệnh ban hành luật "Người cày có ruộng". Theo đó thì ruộng đất không trực canh đương nhiên bị truất hữu nhưng được bồi thường và được lấy để cấp phát cho các tá điền. Đến năm 1974, theo số liệu của Tổng nha Điền Địa, toàn miền Nam đã cấp phát gần 1 triệu 300 ngàn mẫu đất cho khoảng 750 ngàn nông gia. Nông dân còn nhận giấy chứng nhận sở hữu ruộng đất. Thành công nhất của Luật "người cày có ruộng" là chấm dứt chế độ tá điền ở miền nam. Nhưng các đại địa chủ cũng được bồi thường, chứ không bị tịch thu trắng trợn, với số tiền lên tới 171 tỷ đồng. Luật "Người cày có ruộng" bấy giờ được dư luận hết lời ca ngợi. Thậm chí còn được tờ The New York Times đánh giá là cuộc cách mạng ruộng đất mang nhiều tham vọng và tiến bộ nhất thế kỷ 20.
"Người cày có ruộng" thực chất chính là khẩu hiệu của đảng cộng sản khi tiến hành cuộc cách mạng vô sản. Sau cải cách ruộng đất 1954-1956, khẩu hiệu này đã được hiện thực hóa khi 810 ngàn mẫu ruộng đất, 100 ngàn trâu bò và 2 triệu nông cụ được chia cho 2 triệu nông dân. Nhưng ruộng đất lại trở thành của "toàn dân" chỉ rất nhanh sau đó. Sau "vụ án Cống Rộc", nhiều người đã vạch ra những bất cập xung quanh việc giao đất có thời hạn như 20 năm, 50 năm, hay 70 năm. Nhưng cuối cùng thì thời hạn cũng vẫn hết. Vì thế, nếu không có sự thay đổi căn bản về chế độ sở hữu, những "vụ án Cống Rộc" chắc chắn vẫn sẽ xảy ra.
Cương lĩnh của đảng cộng sản năm 2011 đã không còn cụm từ "chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu" như trong cương lĩnh 1991. Đây có thể là một tín hiệu "bật đèn xanh" để có thể thay đổi quyền sở hữu ruộng đất trong đợt sửa đổi Hiến pháp tới đây. Tuy nhiên, chính vụ án Cống Rộc mới là yếu tố thực tiễn thúc đẩy sự thay đổi này, để ít nhất các luật đất đai sẽ không phải "lách hiến pháp", và giới nông dân thực sự có ruộng đất và không bị đẩy đến bước đường cùng nữa!
Đào Tuấn
No comments:
Post a Comment