Ngày 08.02.2012
Lời dẫn: Một trong những bộ trưởng nổi đình nổi đám nhất trong giàn nội các mới của ông Nguyễn Tấn Dũng là ông Đinh La Thăng, bộ trưởng giao thông. Những tiếng la của ông Thăng trong mấy tháng qua đã gây tranh cãi ầm ĩ trong dư luận. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài quan điểm của LLDTCNTQ, có tựa đề "Ông bộ trưởng to họng", qua sự trình bày của anh Hải Nguyên.
Trong một hành động chưa từng có, và có vẻ ngông nghênh, ông bộ trưởng giao thông Đinh La Thăng vào đầu năm mới đưa ra đề nghị cách chức các quan đầu tỉnh nào có số tai nạn giao thông gia tăng 3 năm liên tiếp.
Gọi là ngông nghênh vì có vẻ như ông Thăng đang say men chiến thắng sau một loạt các sáng kiến được đưa ra, gây tranh cãi ầm ĩ trong dư luận, mà thật sự thì chưa có cái nào mang lại thành công hay chứng tỏ là có hiệu quả. Điển hình như việc ra lệnh thay đổi giờ học giờ làm để hạ giảm tình trạng kẹt xe ở Hà Nội và Sài Gòn. Vào ngày 1 tháng Hai, sáng kiến này đã bắt đầu được áp dụng ở Hà Nội, nhưng theo ghi nhận của báo chí thì xe vẫn kẹt ở mọi nẻo đường dẫn đến các trường học.
Một sáng kiến nữa của ông Thăng là thu lệ phí lưu hành và lệ phi chạy xe vào trung tâm thành phố trong giờ cao điểm thì chưa mang ra thí nghiệm. Thoạt đầu thì ông Thăng nói rằng sáng kiến này sẽ giúp cắt giảm lượng xe cộ lưu thông trong các thành phố lớn. Nhưng sau đó thì hồn nhiên thú nhận là để kiếm thêm tài chánh cho bộ giao thông xây thêm đường sá ở vùng biên giới để bảo vệ đất nước.
Nó có nghĩa là không chỉ có giới quan chức Hải Phòng ăn nói bất nhất, vu oan giá họa cho người khác, mà ngay cả ông bộ trưởng giao thông cũng ăn gian nói dối với dân chúng. Nhưng đáng nói hơn nữa là ông Thăng lại lộ ra bộ mặt lạm quyền và thiếu hiểu biết về phạm vi trách nhiệm của một người lãnh đạo đất nước.
Lý do là việc cách chức các quan đầu tỉnh không phải là trách nhiệm của ông Thăng, mà là của thủ tướng chính phủ. Nhưng nếu như họ bị cách chức vì để cho tai nạn giao thông gia tăng, thì trong cương vị bộ trưởng giao thông, ông Thăng phải là người bị cách chức đầu tiên. Không lẽ ông Thăng khờ khạo đên độ không biết rằng các xe cộ gây ra tai nạn có thể đến từ hàng chục tỉnh thành khác nhau, từ các tài xế của nhiều địa phương khác nhau, chứ không thuộc về một tỉnh thành riêng biệt nào?
Xin đơn cử một ví dụ cho ông Thăng dễ hiểu. Một chiếc xe đò có bảng số Hà Nội, được cầm lái bởi một tài xế có bằng lái xe ở Nghệ An, lao thẳng vào một chiếc xe đò bảng số Sài Gòn, do một tài xế lấy bằng từ thành phố Đà Lạt, cầm tay lái. Tai nạn thảm khốc này xày ra trên quốc lộ 1, thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa, với 50 người chết. Ông quan đầu tỉnh nào phải chịu trách nhiệm về tai nạn này? Hà Nội, Sài Gòn hay Khánh Hòa?
Câu trả lời là ông bộ trưởng giao thông có trách nhiệm đầu tiên. Nếu không có can đảm từ chức ngay lập tức như các bộ trưởng Nhật Bản hay Nam Hàn thì việc làm đầu tiên là ông Thăng phải mở cuộc điều tra. Và một trong những chi tiết quan trọng nhất trong cuộc điều tra là phải xem đoạn đường đó có thường xảy ra tai nạn hay không? Nếu có nhiều vụ xảy ra trước đây thì rõ ràng là ông quan đầu tỉnh và cả ông Thăng đều đáng bị cách chức hay bỏ tù. Lý do là họ biết đoạn đường đó nguy hiểm nhưng vẫn không có biện pháp giải quyết, tức thiếu trách nhiệm dẫn đến "hậu quả vô cùng nghiêm trọng".
Khi đó thì ông Thăng không thể chạy tội là vì giới hữu trách địa phương không báo cáo lên bộ nên ông không biết. Và ông quan đầu tỉnh cũng không thể nói rằng mình có báo cáo, nhưng bộ trả lời là thiếu kinh phí nên không tu bổ hay nâng cấp đường sá. Ở các xứ dân chủ, những màn ngụy biện đó dễ dẫn đến những bản án nặng nề hơn và dễ tiêu tùng sự nghiệp chính trị hơn.
Nhưng có lẽ phải nói rõ thêm chút nữa để ông Thăng khỏi ấm ức tranh cãi là cá nhân ông làm sao quản lý hết mọi con đường trên đất nước. Đúng như thế, ngay cả siêu nhân cũng không làm được điều đó. Và đó chính là lý do tại sao mà mọi quốc gia đểu phải có bộ giao thông, rồi bên dưới là các cục, sở hay ty giao thông địa phương. Khi xảy ra tai nạn thảm khốc, chẳng hạn như sập cầu hay cháy xe, thì trách nhiệm sẽ đi từ dưới lên trên. Trách nhiệm đầu tiên là người đứng đầu cơ quan giao thông địa phương, các cơ quan liên hệ như cảnh sát hay ủy ban hành chính tỉnh, và cuối cùng là ông hay bà bộ trưởng giao thông. Nhưng nếu tai nạn xày ra trên các quốc lộ, xa lộ hay thiết lộ thì trách nhiệm lại đi từ trên xuống dưới vì chúng thuộc phạm vi quản trị của cấp trung ương chứ không phải địa phương.
Tuy nhiên "nói gần nói xa, chẳng qua nói thật". Chức vụ bộ trưởng, dù ở bất cứ quốc gia nào, cũng là một trọng trách. Những người ngồi ở các ghế đó là những người phải có tài đức, có tầm nhìn xa và phải có trách nhiệm, chứ không thể là những chiếc "thùng rỗng kêu to", đưa ra hàng loạt sáng kiến nhưng đều "bất khả thi" vì "phi thực tế". Hàng trăm dự án giao thông đang chậm trễ hay phẩm chất sút kém đang cần được đôn đốc hay cách chức những kẻ điều hành các dự án đó thì ông Thăng không lo, lại lo ngắm nghé cái ghế thủ tướng để có quyền cách chức các ông quan đầu tỉnh.
Coi chừng "trèo cao dễ bị té nặng". Vì ông Nguyễn Tấn Dũng có thể cách chức ông Thăng và bổ nhiệm một ông quan đầu tỉnh nào đó vào chiếc ghế bộ trưởng giao thông. Khi đó thì đừng có đấm ngực la làng "con chim chết vì tiếng gáy"!
LLDTCNTQ
No comments:
Post a Comment