Ngày 01.02.2012
Lời dẫn: Đảng cộng sản VN đã lạm dụng hai chữ "nhân dân" quá lâu đến độ trở thành đề tài mỉa mai trong dân chúng. Đã đến lúc họ nên quay về lại những cái tên gọi mang ý nghĩa đích thực về chức năng của chúng như "ủy ban hành chánh", "viện công tố", "ngân hàng quốc gia", quân đội hay công an VN. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài viết dưới đây của tác giả Ngô Minh, qua sự trình bày của anh Nguyên Khải.
Mới đây, thành phố Đà Nẵng đề nghị thay cụm từ "chủ tịch ủy ban nhân dân" thành "thị trưởng", ví dụ gọi là thị trưởng Đà Nẵng, thị trưởng Huế, thị trưởng Hà Nội. Và cũng mới đây khi thảo luận về việc thực thi hiến pháp 1992, thành phố Sài Gòn đề nghị không gọi là ủy ban nhân dân mà gọi là ủy ban hành chính. Vào hôm trước, xem ti vi, thấy tin viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị đổi tên thành viện công tố.
Tôi rất tán đồng với những ý kiến này, vì nó chính xác cũng như khoa học, gan ruột mà rất đúng nghĩa. Từ mấy chục năm nay chúng ta gọi là ủy ban nhân dân mà không hiểu nó có nghĩa là gì. Ủy ban của nhân dân? Không ai giải thích được. Rồi viện kiểm sát nhân dân tối cao, viện kiểm sát nhân dân tỉnh, huyện là cái viện chi chi? Cái viện chuyên đi "kiểm sát nhân dân", chứ không kiểm sát đảng, không kiểm sát nhà nước, không kiểm sát chính phủ , không kiểm sát lãnh đạo, kiểm sát cán bộ ư? Rõ ràng là ý nghĩa của từ không ổn. Nước ta có rất nhiều tên gọi các tổ chức và cơ quan "đèo bòng" thêm hai chữ "nhân dân" một cách ép uổng như thế.
Nhưng không phải chỉ ở nước ta, mà nhiều nước "trong phe Xã Hội Chủ Nghĩa" xưa nay cũng gắn hai chữ "nhân dân" vào tên nước hay các tổ chức hành chính như Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Quân giải phòng nhân dân Trung Quốc, rồi thư viện nhân dân, giáo viên nhân dân, nghệ sĩ nhân dân v.v... Được vinh danh tột đỉnh như thế mà nhân dân không ai sung sướng hãnh diện gì cả. Lý do là vì nhân dân "kiếm ăn từng bữa toát mồ hôi", thời giờ đâu mà biết những chuyện đó.
Theo tôi hiểu thì thời kỳ đấu tranh chống đế quốc, giành chính quyền, các đảng cộng sản đều thêm 2 chữ "nhân dân" vào để tụ tập đông đảo người dân đi theo mình. Điều đó đúng và tỏ ra có hiệu quả. Nhưng khi đảng đã cầm quyền "cai trị" đất nước rồi, thì việc giữ nguyên hai chữ "nhân dân" sau các tên gọi hành chính trong bộ máy của mình là không còn tác tác dụng nữa, đôi khi trở thành trớ trêu và phản cảm. Ví dụ tên báo là Nhân Dân, nhưng tôi cam đoan là 80% nhân dân không đọc, mà chỉ có bí thư đảng bộ cơ sở trở lên, lãnh đạo và cán bộ lão thành mới đọc. Lý do là vì tin tức bài vở trên báo giống như công báo, không liên quan gì đến cuộc sông hàng ngày của dân chúng.
Cách đây hơn một chục năm, có một ông tổng biên tập tờ báo ở Hà Nội đã cho đăng một bài bàn về hai chữ "nhân dân". Đại ý bài viết là ở nước ta có nhiều tổ chức có chữ nhân dân kèm theo, chẳng hạn như "quân đội nhân dân", "công an nhân dân", "ủy ban nhân dân"... nhưng chỉ có vài tổ chức liên quan đến tiền bạc là của nhà nước, chẳng hạn như "kho bạc nhà nước", "ngân hàng nhà nước". Sau khi đăng bài này, ông tổng biên tập lập tức bị cách chức.
Nhưng nếu suy ngẫm lại thì ý kiến trong bài viết đó là hoàn toàn đúng. Vì sao kho bạc hay ngân hàng không được gọi là "Kho bạc nhân dân" hay "Ngân hàng nhân dân"? Đó là câu hỏi mà bất cứ ai cũng có quyền thắc mắc. Trong bộ máy hành chính một quốc gia, kho bạc hay ngân hàng không khác gì viện kiểm sát hay tòa án thì tại sao nơi này thì thêm chữ nhân dân, mà nơi khác thì thêm chữ "nhà nước"? Cách gọi tên như thể làm cho người dân có suy nghĩ giống như ông tổng biên tập tờ báo. Nó có nghĩa là tiền bạc thì nhà nước phải nắm, trong khi cái gì không dính đến tiền bạc thì là "của nhân dân". Đó là tư tưởng của bọn phản động xấu xa, bọn diễn biến hòa bình.
Dù có khẳng định "nhà nước ta là của dân, do dân và vì dân", cũng không thể gắn hai chữ "nhân dân" vào sau tên các cơ quan như vậy. Vì rõ ràng là nhân dân không bao giờ quản lý hay điều khiển được các tổ chức như quân đội hay công an.
25 năm đổi mới và hội nhập, ý nghĩa của hai chữ "nhân dân" trong tên gọi các tổ chức càng ngày càng mất tác dụng. Ví dụ một số quan chức trong "ủy ban nhân dân" tỉnh- huyện-xã, lợi dụng việc thu hồi ruộng đất ruộng của dân để xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị mới hay sân golf để chia nhau bán làm giàu. Nhân dân không chịu dời nhà thì "ủy ban nhân dân" cho lính đến cưỡng chế. Khi nhân dân tụ tập kéo nhau lên trung tâm thành phố để khiếu kiện đòi lại đất, thì "ủy ban nhân dân" lại sai "công an nhân dân" đi trấn áp, bắt trói nhân dân tống lên xe vì cho là "gây rối trật tự công công", "chống lại chính quyền".
Trong các cuộc xuống đường chống Trung Quốc xâm lấn biển đảo và giết chết ngư dân Việt thì "ủy ban nhân dân" lại sai "công an nhân dân" trấn áp, bắt bớ, thậm chí đạp vào mặt nhân dân. Các nhà tuyên huấn lập luận rằng, những cuộc xuống đường như thế dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Nhưng kẻ xấu nào nguy hiểm hơn bọn xâm lăng đang rình rập biên cương Tổ quốc? Tất cả những cảnh đàn áp ấy không phù hợp tí nào với những tên cái tên gọi có kèm chữ "nhân dân" ở đằng sau.
Cho nên để bảo đảm sự chính xác và không gây hiểu lầm, tôi đề nghị bỏ hai chữ "nhân dân" ra khỏi các tên cơ quan hay tổ chức. Dùng những cái tên sang trọng như: ủy ban hành chính, viện công tố, thị trưởng, hay quân đội, công an Việt Nam...
Vâng, hãy tha cho hai chữ "nhân dân"!
Ngô Minh
No comments:
Post a Comment