Ngày 05.02.2012
Lời dẫn: Tình trạng cướp đất cướp nhà ở VN đã diễn ra công khai ở nhiều nơi, thậm chí là có người chết hay tự thiêu, nhưng dư luận ít khi biết đến vì không có vụ nổ súng như ở Tiên Lãng. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả vài câu chuyện liên quan đến dự án khu đô thị mới ở Thủ Thiêm và xa lộ Hà Nội trong bài phóng sự tổng hợp dưới đây, qua sự trình bày của chị Dian.
So với Tiên Lãng, Hải Phòng, Bắc Giang... thì dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm tại Sài Gòn đã sai phạm một cách công khai, trắng trợn và lộ liễu hơn nhưng không được phép lên tiếng. Các báo đài, không được làm phóng sự, điều tra vì đây là vùng cấm! Tại sao?
Lợi dụng quyết định số 367 do ông thủ tướng ký ngày 04/06/1996, nội dung cho phép trưng thu 930 mẫu đất để làm khu đô thị mới quận 2, giới quan chức đã trưng thu thêm 150 mẫu nữa mà không cần ra quyết định. Sau đó họ tùy tiện cưỡng chế, đập phá nhà dân, kể cả nhà cán bộ hay đảng viên cũng không tha! Bây giờ thì đập phá luôn cả các cơ sở tôn giáo, thậm chí nhà của Việt kiều.
Đây là những vụ ăn cướp giữa ban ngày, và tệ hơn nữa là vừa ăn cướp, vừa la làng! Các vụ cướp đất này đã dẫn đến những vụ chết người, tự thiêu, bị tâm thần... nhưng bị bưng bít nên dư luận không hề hay biết!
Vào cuối năm 2010, khi căn nhà ở được dùng làm cơ sở của Hội thánh Memmonite của Mục sư Nguyễn Hồng Quang ở tổ 5 khu phố 1, phường Bình Khánh quận 2, bị cưỡng chế, thì nhà cầm quyền tiện tay cưỡng chế luôn căn nhà tạm của bà Chuốt trên 70 tuổi, khiến bà này ngất xỉu. Nhà cầm quyền vội vàng đưa bà đi cấp cứu nhưng không tận tình cứu chữa khiến bà qua đời. Sau đó nhà cầm quyền giữ xác bà lại sau đó bí mật đưa đi hỏa táng, rồi dùng thủ đoạn mua chuộc và hù dọa người thân, nên mọi việc diễn ra êm thắm, không một người dân nào được biết và tuyệt đối không được phép nhắc đến chuyện này.
Trong một vụ cướp đất khác thuộc dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, nhà cầm quyền Sài Gòn đã tùy tiện ra giá, bồi thường trái pháp luật. Đất rõ ràng là đất thổ cư nhưng khi tịch thu thì lại áp giá đất nông nghiệp. Rõ ràng là đất mặt tiền nhưng lại bồi hoàn theo giá trong hẻm. Tất cả những hành vi "ngẫu hứng" đó đã khiến hàng chục gia đình đứng ngồi không yên, phải đi khiếu nại với những hậu quả đau đớn...
Bà Bé, cư ngụ tại số 781 xa lộ Hà Nội thuộc phường Thảo Điền quận 2, cho biết là khoảng 8 giờ sáng ngày 2 thàng 11 năm 2011, khi lực lượng cưỡng chế đến đòi tháo dỡ căn nhà, cũng là cửa tiệm kinh doanh vật liệu xây dựng của gia đình, vợ chồng bà đã năn nỉ cho hoãn vài ngày để tự tháo dỡ nhưng không được chấp nhận.
Anh Đào Văn Toại 27 tuổi, người con thứ ba trong gia đình ra quỳ xuống năn nỉ xin cho hai ngày nữa và hứa sẽ tự tháo gỡ toàn căn nhà. Toại tốt nghiệp trường Cao đẳng Công nghiệp và vừa đi nghĩa vụ quân sự về được một năm. Toại bảo: "Cháu sẽ nhờ bạn bè cùng đi bộ đội đến giúp tháo gỡ". Nhưng các lời năn nỉ ấy vẫn không làm lực lượng cưỡng chế đổi ý. Chủ gia nói thêm: "Nếu các anh không chấp nhận cho thêm vài ngày để tự tháo gỡ thì mời các anh vào nhà lập biên bản rồi hãy tiến hành". Thế nhưng những lời nói này cũng bị "bỏ ngoài tai" và việc tháo gỡ lập tức được tiến hành. Quá hoảng sợ, vợ chồng chủ gia ôm lấy ông Hùng, ông Phương, là chủ tịch và phó chủ tịch phường, nhưng vẫn không được.
Riêng Toại thì la lớn: "Các chú ơi, tha cho gia đình con. Bố mẹ con đã lớn tuổi. Con xin các chú mà các chú không cho thì chỉ còn nước con tự tử". Nói xong, Toại chạy vào nhà lấy một chai xăng, đổ lên người, bật hột quẹt. Thấy con làm liều, bà Bé chạy vào dùng chăn dập tắt lửa và cứu chữa cho con. Lúc đó một người mặc sắc phục công an mới nhảy vào dùng bình xịt lửa và một người khác nhảy vào siết cổ, túm hai tay Toại đè chặt xuống giường làm tuột cả da tay của Toại. Bà Bé kể; "Tôi vừa khóc, vừa van xin: Con tôi chết rồi, để cho con tôi chết được yên, đừng hành hạ nó nữa".
Cũng theo bà Bé, lẽ ra với thương tích khá nặng, họ đưa con bà đến cấp cứu tại bệnh xá của ngành bưu điện, cách đó 200 thước, nhưng họ lại chở đến Trung tâm Y tế quận 2 xa tới 5 cây số rồi chuyển lên bệnh viện Trưng Vương ở quận 10. Bà Bé kể: "Họ không cho tôi đi theo. Còn chồng tôi thì bị bắt lên phường. Nhà cửa bị san bằng, đồ đạc bị mất mát, con trai đi cấp cứu. Sự thật đau đớn và khủng khiếp quá".
Toại bị bỏng khá nặng. Mặc dù đã được giải phẫu nhưng đến nay Toại vẫn phải nằm bệnh viện để tiếp tục điều trị và chi phí chữa trị đã lên tới gần 100 triệu đồng. Bà Bé khóc nói: "Thực tình gia đình tôi không ai nghĩ cháu Toại lại làm như thế. Song có lẽ cháu nghĩ gia đình mình đã bị dồn vào bước đường cùng!". Bà rơm rớm nước mắt kể tiếp, gia đình bà hoàn toàn ủng hộ chủ trương mở rộng đường để thành phố khang trang, sạch đẹp, nhưng việc đền bù thiệt hại phải đúng luật. Đằng này, 342 thước vuông đất của bà là đất thổ cư, trên đó có nhà mà bà cũng như chủ cũ đã xử dụng để ở và kinh doanh từ năm 1993, "vậy mà quận lại bồi thường bằng giá đất nông nghiệp, chấp nhận sao được?".
Quả thật, đất của gia đình bà Bé là đất thổ cư, và sự thật này, đã được ông Vũ Minh Uyển, trưởng khu phố xác nhận. Hơn thế, tại văn bản số 275 ký ngày 8-7-2011 chính nhà cầm quyền phường cũng thừa nhận là việc "bồi thường với giá đất nông nghiệp là rất thiệt thòi cho gia đình"...
Ông Kiệm, cha của Toại, tỏ ra mệt mỏi: "Họ nói như vậy nhưng đến ngày 10-10-2011 lại ra quyết định cưỡng chế, dẫn đến tình trạng đau lòng của con trai tôi"!
MẠC HỒNG KỲ - NGUYỄN THỊNH
No comments:
Post a Comment