Ngày 18.02.2012
Lời dẫn: Trong vòng mấy tháng qua, bỗng dưng có nhiều quan chức VN hùng hổ tuyên bố là sẽ chịu trách nhiệm về đủ mọi vấn nạn, từ chuyện xe cộ bốc cháy trên đường cho đến tình trạng kẹt xe. Nhưng sẽ chịu như thế nào và tự kỷ luật mình ra sao, thì không thấy người nào nói rõ, trong khi xe cộ cứ đều đều bốc cháy và mới thí điểm đổi giờ thì xe vẫn kẹt tứ tung trên đường phố. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài bình luận dưới đây của Lê Phục Văn, có tựa đề "Đua nhau nhận trách nhiệm", qua sự trình bày của anh Song Thập.
Sau hàng chục năm có thói quen đổ thừa và chạy tội, chỉ trong vòng mấy tháng qua đã có hàng loạt quan chức đột ngột tuyên bố nhận trách nhiệm về những vấn nạn trong xã hội. Thậm chí là có chuyện ông bộ trưởng Công thương và ông bộ trưởng Giao thông Vận tải cùng lên tiếng sẽ nhận trách nhiệm về chuyện xe cộ bỗng dưng cháy nổ trên đường phố.
Và trong một hành động mới nhất, bộ giao thông vận tải lại hùng hồn tuyên bố là sẵn sàng nhận trách nhiệm nếu như cuộc thí điểm đổi giờ học, giờ làm ở Hà Nội vẫn dẫn đến tình trạng kẹt xe. Nhưng nhận trách nhiệm như thế nào thì chẳng có ông hay bà nào nói rõ ra cho bàng quan thiên hạ được biết. Trong khi đó thì giở tờ báo nào ra cũng thấy là xe đã tắt máy cũng vẫn cháy mỗi ngày, và sau một tuần thí điểm đổi giờ thì buổi sáng có vẻ ít kẹt xe, nhưng chiều tối thì rối loạn giao thông ở khắp nơi. Thậm chí là một số tuyến đường ít xảy ra kẹt xe thì bây giờ cũng tắt nghẽn giao thông suốt mấy giờ liền.
Nhưng không chỉ đau đầu về chuyện kẹt xe, người dân Hà Nội cũng điêu đứng vì bị đảo lộn giờ giấc sinh hoạt. Rất nhiều học sinh phải học đến 7 giờ tối, giáo viên thì đi sớm về trễ, và phụ huynh thì phải nhờ người thân đưa đón con mình. Và đây chỉ mới là một tuần sau Tết, đường sá còn vắng vẻ vì hàng chục ngàn người lao động từ các miền quê nghèo vẫn chưa kịp kéo lên thành phố để kiếm sống.
Thế rồi chỉ sau một tuần lễ thí điểm, nhà cầm quyền thành phố nhóm họp, sau đó đánh công điện hỏa tốc đến các ban ngành ra lệnh đổi giờ học thêm một lần nữa. Theo đó thì thay vì học đến 7 giờ tối, các học sinh trung học chỉ học đến 6 giờ chiều, tức lùi lại một tiếng. Lệnh mới này có hiệu lực thi hành vào ngày 13 tháng Hai.
Có nghĩa là sau gần 70 năm cầm quyền, đảng CSVN cứ tiếp tục mang dân tộc và đất nước ra làm thí điểm cho những sáng kiến được nghĩ ra bất chợt trong một buổi nhậu hay một cuộc du hí nào đó ở ngoại quốc, thay vì nghiên cứu rốt ráo về mọi khía cạnh trước khi mang ra thí điểm để tránh làm đảo lộn đời sống của người dân.
Nhưng đảng không làm như thế. Họ có thói quen cứ làm đại rồi rút tỉa kinh nghiệm sau. Họ hùng dũng tuyên bố "nếu sai thì sửa", nhưng càng sửa thì lại thêm sai. Lý do là khi cái sai nằm ngay trong cốt lõi thì không thể nào sửa được. Ví dụ như một đầu cầu bị lún thì không thể sửa bằng cách đổ đất hay nện đá xuống thêm, mà phải đào cả cái móng lên để làm lại nếu không muốn nó lại lún tiếp.
Chuyện đổi giờ cũng vậy. Một triệu chiếc xe gắn máy cùng chở con đến trường một lần thì dù giờ học là 7 giờ sáng, hay 5 giờ sáng... vẫn có 1 triệu chiếc xe vào những giờ đã đổi đó. Lý do là nếu cha mẹ nào không thể đưa đón con cái vào những giờ đó thì họ cũng sẽ nhờ người khác đưa đón giùm. Nếu không thì con cái làm sao đến trường hay về nhà, trong khi hệ thống chuyên chở công cộng mà ngay cả ông bộ trưởng Đinh La Thăng đi một lần là tởn đến già, thử hỏi làm sao học sinh có thể xử dụng được?
Nói một cách tóm tắt, cái "sáng kiến" đổi giờ này cũng tối tăm mù mịt như cái sáng kiến học lệch giờ vào mấy năm trước đây ở Sài Gòn. Thật sự thì cái sáng kiến học lệch giờ không sai vì nhiều nước đã từng áp dụng. Chỉ có điều là nhà cầm quyền Sài Gòn không áp dụng một cách đúng đắn. Lẽ ra phải phân chia toàn thành phố ra nhiều khu vực có giờ học khác nhau. Các trường trong khu vực phải tuân thủ theo giờ giấc đó. Dĩ nhiên, chuyện học lệch giờ này sẽ gây đảo lộn cho việc đưa đón con cái đối với một số gia đình và đặc biệt là giới giáo viên, nhưng họ sẽ tự dàn xếp bằng cách đổi trường để có giờ giấc thích hợp cho việc đưa đón con cái hay đi dạy học.
Và đó chính là cách tính toán chi ly trước khi mang ra áp dụng, chứ không thể hùng hổ nói rằng mình sẽ chịu trách nhiệm khi mang ra áp dụng, rồi sau đó lại đổ tội là cấp dưới làm sai hay trình độ dân trí thấp để chạy trốn trách nhiệm.
Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là nếu chịu trách nhiệm thì có dám từ chức hay không? Hay là chuyển từ vị trí bộ trưởng lên nắm ghế phó thủ tướng như ông cựu bộ trưởng giáo dục Nguyễn Thiện Nhân? Chắc là không, vì cả đảng chưa bao giờ có tiền lệ dân chủ đó. Trừ phi là bị lộ bởi tội tham nhũng hay đánh bạc thì may ra mới bị kỷ luật hoặc mất chức. Có lẽ vì thế mà bà phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan mới cho rằng nền dân chủ ở nước ta khác xa với các nước tư bản.
Ở các nước tư bản, giới quan chức chịu trách nhiệm trước dân nên phải từ chức nếu làm điều gì đó sai trái. Ở nước ta, đảng "đặt đâu thì ngồi đó" nên các quan chức chỉ chịu trách nhiệm trước đảng, mặc kệ dân muốn nói gì thì nói. Đó là chưa kể phải chi rất nhiều tiền, và nhiều thứ khác nữa, mới ngồi được những cái ghế đó. Khi chưa lấy lại đủ vốn đủ lời thì làm sao mà từ chức được!
Lê Phục Văn
No comments:
Post a Comment