Saturday, February 25, 2012

ĐẦU NĂM, CÔNG NHÂN ĐÃ KHỔ VÌ BÃO GIÁ

Ngày 24.02.2012     

Lời dẫn: Sau những ngày nghỉ ăn Tết, khi trở lại thành phố kiếm sống, giới công nhân cảm thấy choáng váng vì mọi thứ đều tăng giá, kể cả tiến thuê nhà, bất chấp chiến dịch vận động của nhà cầm quyền đối với giới chủ nhà. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả nỗi lòng của những công nhân nghèo trong bài phóng sự dưới đây, qua sự trình bày của chị Dian.
Mới ra tết, nhưng nhiều công nhân giật mình khi thấy nhiều thứ đã lên giá. Không chỉ các mặt hàng thiết yếu mà giá nhà trọ cũng đã tăng. Nhiều nơi giá nhà trọ chưa tăng nhưng cũng nơm nớp lo vì bà chủ nhà nói gần nói xa là vì giá cả tăng nên có lẽ cũng phải tăng tiền thuê nhà.

Chị Nguyễn Thị Bích Hằng, công nhân công ty Pou Yuen, cho biết là sau khi về quê ăn Tết, nay vừa trở lại đã thấy chóng mặt vì mọi thứ đều tăng giá. Trước Tết thì tô hủ tiếu 10 ngàn đồng. Sau Tết đã lên 12 ngàn đồng. Dĩa cơm cũng tăng từ 15 ngàn lên 17 ngàn đồng. Nếu hỏi tại sao thì ai cũng bảo là trong năm giá thực phẩm tăng nhưng vẫn giữ giá, nên ra Tết phải tăng.
Chị Võ Thị Đường, một công nhân công ty may thêu ở khu công nghiệp Tân Tạo quận Bình Tân, cũng ngán ngẫm cho biết là giá thịt tươi, rau đậu ngoài chợ sau Tết cũng tăng cao. Giá trong siêu thị không tăng, có khi rẻ hơn, nhưng chị không có điều kiện đi siêu thị vì nhà chị cách siêu thị đến sáu cây số. Ngày thường đi làm về là vội vã chạy ra chợ mua đồ rồi về nấu, đâu còn thì giờ lên tận siêu thị. Nếu có thì họa chăng vào ngày Chủ nhật, nhưng phải mua nhiều mới bõ công đi. Mà tủ lạnh không có thì làm sao giữ gìn thực phẩm. Vì vậy đành chấp nhận đi chợ gần nhà, dù biết là đắt hơn rất nhiều. Chẳng như giá thịt trong siêu thị chỉ có 70 hay 80 ngàn một ký, nhưng mua ở chợ thì cả 100 hay 120 ngàn đồng một ký. Cầm tiền đi chợ cứ có cảm giác như bị móc túi.
Thực tế là từ sau Tết Nhâm Thìn, không chỉ ở Bình Tân mà ở các quận huyện khác, nhiều quán ăn, dịch vụ đều niêm yết giá mới, tăng ít nhất là vài ngàn đồng. Dường như Tết là cái mốc để người buôn bán có lý do tăng giá. Trước tết, khi lương tăng thì giá cả cũng tăng theo khiến người dân khốn đốn vì lương tăng không bù được giá cả gia tăng. Nhưng sau tết, khi lương chưa tăng mà giá đã tăng thì đời sống lại càng khó khăn hơn nữa. Mặc dù nhà cầm quyền có nhiều biện pháp trợ giúp như chương trình bình ổn giá nhưng giới công nhân lại không dễ được hưởng mặc dù là mục tiêu giúp đỡ của các chương trình đó.
Từ đầu năm 2012, mặc dù nhà cầm quyền quận huyện đã nỗ lực vận động giới chủ nhà trọ không tăng tiền thuê nhà, nhưng trên thực tế giá nhà trọ vẫn cứ tăng. Anh Nguyễn Văn Thiện, trọ ở khu phố 5, phường Linh Xuân quận Thủ Đức, cho biết khu nhà trọ của anh vừa tăng giá mỗi phòng lên 100 ngàn đồng. Lý do mà chủ nhà đưa ra là vì mọi thứ trong chợ đều tăng giá.
Chị Nguyễn Thị Mơ cũng cho biết là vào tháng 11 năm ngoái, phòng trọ của chị ở đã tăng giá nhưng chủ nhà vừa thông báo là sắp tăng tiếp. Chẳng biết sẽ tăng bao nhiêu nhưng cứ nghe tăng giá là thấy choáng váng
Ở quận Bình Tân, nhiều khu trọ cũng đã tăng giá hoặc lăm le tăng giá. Chị Bùi Thị Mai, ở trọ trong khu phố 5, phường Bình Trị Đông, cho biết đầu tháng Giêng, chủ nhà đã tăng từ 1 triệu 100 ngàn đồng lên 1 triệu 300 ngàn đồng một tháng. Gần đó, tại khu trọ trên đường 51, phường Tân Tạo, chị Võ Thị Đường cũng cho biết tiền thuê cũng mới tăng vào tháng 11, mà theo thông lệ ở khu trọ này thì cứ một năm tăng giá hai lần vào tháng mười một và tháng tư. Năm ngoái nghe nói có cuộc vận động không tăng giá nhà trọ nhưng khu này vẫn tăng hai lần. Chủ nhà đã nói xa nói gần là sắp tới sẽ tăng thêm 200 ngàn đồng nữa.
Đề cập đến việc các nhà trọ vẫn tăng giá mặc dù đã cam kết không tăng, ông Nguyễn Văn Hạnh, chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Bình Tân cho biết là nhà cầm quyền quận đã chỉ thị là nếu phát giác thấy chủ nhà trọ nào không giữ lời cam kết thì báo ngay cho nhà cầm quyền phường đó. Nhưng trên thực tế, đây là vấn đề rất tế nhị vì nhiều nhà trọ cứ tăng giá mà công nhân thì ngại đi báo vì không muốn rắc rối. Họ sợ nếu chủ nhà gây khó dễ, không cho ở nữa thì phải vất vả đi tìm chỗ trọ khác. Chưa kể, chủ nhà trọ cũng có cái lý của họ là giá cả tăng không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của công nhân mà chính đời sống của họ cũng bị ảnh hưởng nên họ phải tăng giá thì mới đủ sống.
Có nghĩa là các chiến dịch vận động cũng như không. Giới chủ nhà cũng học theo nhà nước cộng sản. Cam kết là một chuyện, nhưng có thực hiện hay không thì là chuyện khác!
SGTT

No comments:

Post a Comment