Wednesday, February 22, 2012

HỒNG HƠN CHUYÊN

Ngày 21.02.2012     

Lời dẫn: Một trong những quốc nạn tại VN là bài toán giao thông. Điều kỳ dị là bộ giao thông VN có đến 1000 giáo sư tiến sĩ chuyên ngành, tức một số lượng không thua kém gì các nước tiên tiến, nhưng cả nước lại không có được một cái xa lộ hiện đại nào, dù chỉ là một đoạn đường dài 1 cây số. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài bình luận dưới đây của Lê Phục Văn, qua sự trình bày của anh Song Thập.
Vào ngày 14/2 vừa qua, tờ báo Bee.net có bài phỏng vấn ông cựu thứ trưởng bộ nội vụ Thang Văn Phúc về vấn nạn giao thông. Đây là chuyện khác thường vì ông Phúc là cựu công chức bộ nội vụ chứ không phải là bộ giao thông. Thế nhưng, ông đã có một số nhận xét khá lý thú về quốc nạn giao thông hiện nay ở VN.

Theo ông Phúc thì không thể đổ lỗi cho bộ trưởng giao thông, vì tương tự như các vấn nạn khác trong xã hội, nguyên nhân chính yếu là đến từ sự yếu kém của cơ chế. Điển hình như bộ giao thông có gần 1000 giáo sư tiến sĩ chuyên ngành nhưng không được xử dụng đúng mức, nếu không muốn nói là ý kiến của họ không được ai lắng nghe. Ông Phúc cho rằng, khi nào những nhà khoa học được đặt đúng vị trí của họ, được tham gia quyết định các chính sách, chứ không phải dùng làm cảnh hay ngồi đó để tán dương tài lãnh đạo của đảng, thì đất nước mới có thể phát triển.
Tệ hơn thế nữa, ông Phúc cho biết là trong khi Nam Hàn có hàng ngàn cây số đường xa lộ, mà VN gọi là đường cao tốc, đạt tiêu chuẩn quốc tế, thì ở VN chưa có được một con đường nào hoàn hảo, dù chỉ là một cây số. Ngay cả đại lộ Thăng Long, con đường được xưng tụng là hiện đại nhất nước, cũng bị ông Phúc gọi là "đại lộ làng". Ông Phúc cũng mỉa mai nói rằng khi nhà nước mang hệ thống giao thông của VN ra so sánh với châu Phi thì quả là một sự nhục mạ đối với giới khoa học nước nhà.
Thế nhưng, cũng tương tự như nhiều quan chức về hưu khác, ông Phúc cũng trả lời quanh co, chứ không dám nói thẳng ra rằng chính cái chủ nghĩa cộng sản vô thực dụng, và cái đảng bất tài bất xứng của ông, là nguyên nhân chính yếu dẫn đến quốc nạn giao thông và vô số quốc nạn khác nữa, kể cả vấn nạn xài bằng giả trong giới quan chức. Từng là một thứ trưởng bộ nội vụ, chắc chắn ông Phúc thừa biết chủ trương "hồng hơn chuyên" khi bổ nhiệm các quan chức, đó là chưa nói đến vấn nạn chạy chức chạy quyền.
Chính vì thế, dù ông Phúc tỏ ra kỳ vọng, nhưng giới chuyên gia VN sẽ khó có một chỗ đứng xứng đáng trong cái chế độ vẫn bám lấy tư tưởng Mác – Lê hay Mao Trạch Đông làm ngọn đuốc soi đường. Điều mỉa mai là các ông tổ cộng sản đó đều gọi trí thức là "cục phân", và sẵn sàng thanh toán họ một cách không thương tiếc. Đối với các chế độ cộng sản, giới trí thức chỉ là một thứ công cụ để thực hiện một số công việc nào đó mà các đảng viên không làm được. Đó chính là nguyên nhân tại sao nền kinh tế và xã hội của các nước cộng sản cứ mỗi ngày một lụn bại, trong khi các nước tư bản thay vì giẫy chết thì càng lúc càng sống hùng sống mạnh.
Riêng ở Trung cộng, nếu như Đặng Tiểu Bình không chủ trương "mèo trắng mèo đen gì cũng được, miễn là bắt được chuột" thì Trung Cộng đã không có cơ hội trỗi dậy mạnh mẽ. Họ không chỉ thành công về kinh tế mà còn về khoa học. Chẳng hạn như trong lãnh vực không gian, Trung Cộng cũng tiến một bước rất dài. Chắc chắn đó là nhờ những đóng góp của giới khoa học gia Trung Quốc vì được trọng dụng tài năng. Tuy nhiên, giới trí thức Hoa Lục vẫn không nắm giữ được những vị trí quan trọng trong guồng máy chính trị.
Vào thập niên 1980, ông thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đã bắt chước chủ trương của họ Đặng, với một loạt trí thức Việt Nam Cộng Hòa còn sót lại đã được ông Kiệt trọng dụng trong việc cải tổ nền kinh tế, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng lạm phát triền miên và chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Rất tiếc là sau khi thành công, vì quá tự mãn và quá đa nghi, đảng cộng sản VN lại quay về với nếp tư duy cũ kỹ là ruồng rẫy giới trí thức, mà việc ra lệnh giải tán viện nghiên cứu chiến lược IDS của ông Nguyễn Tấn Dũng là một bằng chứng rõ rệt nhất. Kết quả là nền kinh tế tuột dốc thấy rõ, lạm phát mỗi năm mỗi tăng và giới đầu tư ngoại quốc cũng rục rịch rút lui.
Nhưng cái tệ hơn hết là đảng cộng sản VN không chịu hiểu, hay không có khả năng để hiểu, là kiến thức hoặc tri thức không chỉ đến từ các văn bằng hay chứng chỉ. Đảng khoe khoang về tỷ lệ khoa bảng trong quốc hội hay trong ban chấp hành trung ương đảng, nhưng thực tế cho thấy là mỗi khi những giáo sư tiến sĩ đó mở miệng phát biểu thì cả nước lại lặng người đi vì xấu hổ.
Chính vì vậy, người ta rất đồng ý với nhận định của ông cựu thứ trưởng Thang Văn Phúc. Một cái bộ có đến 1000 giáo sư tiến sĩ mà không sao giải được bài toán giao thông, thì rõ ràng là có nhiều vấn đề không ổn trong bộ này. Thế nhưng, những bất ổn này không chỉ hiện hữu trong bộ giao thông mà còn ở nhiều bộ khác, kể cả bộ chính trị. Nếu không thì tại sao đụng vào lãnh vực nào cũng thấy rối bời như một đám bùng nhùng.
Tất cả đều xuất phát từ một nguyên nhân mà ông Phúc không dám nói ra. Đó là cái thể chế quái đản của đảng cộng sản với chủ trương "hồng hơn chuyên"!
Lê Phục Văn

No comments:

Post a Comment