Chúng ta hãy ví dụ Việt Nam có được nền báo chí tự do và một nhà báo tư nhân dám đặt câu hỏi với Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng: “Chừng nào đất nước ta có dân chủ?”. Ngài Tổng bí thư trả lời: “Phải chờ đến tết Ma-Rốc”.
Câu trả lời của ông tổng bí thư đảng CSVN dĩ nhiên không phải là một ẩn dụ chính trị khó hiểu và ông Nguyễn Phú Trọng cũng không cần tránh né vấn đề bằng cách trả lời chệch hướng. Ông đã trả lời rất thẳng thắn. Trong ngôn ngữ nhân gian Việt Nam, tết Ma-Rốc có nghĩa là còn lâu hoặc không bao giờ có cả. Đảng CSVN của ông cương quyết “nhất thống giang hồ, thiên thu trường trị” trên đầu trên cổ dân Việt Nam.
Có 2 yếu tố rất đơn giản:
- 1.Người bình dân thì cho rằng nước Ma Rốc quá xa xôi ở đâu tuốt tận Bắc Phi, hầu như người Việt không ai nghĩ đến.
- 2.Người trí thức có nghiên cứu về chính trị thì biết rằng nước Ma Rốc theo chế độ Hồi giáo bảo thủ và là một trong những chế độ quân chủ chuyên chế hiếm hoi còn sót lại trên thế giới ngày nay. Muốn nước này trở nên dân chủ, sợ còn khó hơn là thuyết phục cộng sản Bắc Hàn hãy cải tổ.
Tuy nhiên nếu trả lời như thế là ông Nguyễn Phú Trọng đã chủ quan và sai lầm nghiêm trọng. Lý do là vì, với cuộc cách mạng tin học toàn cầu ngày hôm nay, không một khoảng cách không gian hoặc địa lý nào có thể ngăn cản sự giao lưu giữa các quốc gia trên thế giới như ông mong mỏi cả. Ma-Rốc hay Libya, Ai Cập, Yemen, Tunisia hoặc Syria chỉ cách Việt Nam một cái “click” trên con chuột của máy điện toán, hoặc điện thọai di động mà thôi.
Hơn thế nữa, vào thứ Sáu ngày 1 tháng 7 vừa qua, trong một cuộc trưng cầu dân ý công khai và được quốc tế xác nhận là rất công bằng, đa số người dân Ma-Rốc đã đồng thuận dân chủ hóa chế độ chính trị tại quốc gia này, từ một nền quân chủ chuyên chế trở thành nền quân chủ lập hiến, đa đảng, tương tự như Anh Quốc, Úc Đại Lợi, Nhật Bản, Canada hoặc Tân Tây Lan.
Biến cố thuận tiện cho dân chủ này là thành quả quyết tâm tranh đấu của toàn dân Ma-Rốc, lấy nguồn cảm hứng qua cuộc cách mạng hoa lài phát xuất từ Ai Cập. Tuy nhiên viễn kiến của quốc vương Mohammed Đệ Lục trong việc từ bỏ vương quyền tuyệt đối để chấp nhận tính ưu việt của ý dân cũng là một yếu tố quyết định. Yếu tố này giúp cho cuộc cách mạng dân chủ Ma-Rốc trở thành một tiến trình lành mạnh, đoàn kết xã hội và không đổ máu.
Tiến trình của chế độ quân chủ lập hiến Ma-Rốc sẽ diễn ra như sau:
Một quốc hội đa nguyên đa đảng sẽ được bầu. Một chính đảng hoặc một liên minh các chính đảng có đa số ghế sẽ được quốc vương mời thành lập chính phủ. Thủ lãnh của họ sẽ giữ chức thủ tướng. Thủ tướng sẽ toàn quyền hành xử các trách nhiệm hành pháp trong quốc gia Ma-Rốc. Một đảng phái hoặc liên minh thiểu số trong quốc hội sẽ giữ vai trò đối lập trong quốc hội.
Tư pháp sẽ hoàn toàn độc lập đối với hành pháp và lập pháp. Có hai lãnh vực quan trọng mà vị quốc vương vẫn giữ quyền kiểm soát. Đó là quân đội và tôn giáo, kể cả việc bổ nhiệm các tướng lãnh trong quân đội.
Đây là một tiến trình cải tổ có tính đột phá, nhưng vẫn có những nhóm đấu tranh trẻ tuổi không đồng ý vì họ còn muốn tiến xa hơn nữa trong tiến trình dân chủ hóa. Tuy nhiên 98% đại đa số dân Ma-Rốc đã đồng thuận với những cải tổ này.
Tại sao chế độ quân chủ chuyên chế và phong kiến Ma Rốc vốn bị mọi người, kể cả người cộng sản VN chê bai và khinh thường, lại có thể công nhiên qua mặt chế độ CSVN, trong tiến trình dân chủ hóa như thế?
Câu trả lời đơn giản là trong tất cả các chế độ độc tài ngự trị loài người, từ quân chủ chuyên chế (như Ma-Rốc), độc tài cá nhân chủ nghĩa (như Đức Quốc Xã Hitler), độc tài quân phiệt (như Miến Điện) cho đến độc tài giáo phiệt (như Iran), chưa có độc tài nào tệ hại và phản tiến bộ bằng độc tài đảng trị xã hội chủ nghĩa.
Nhất là kỹ thuật nắm quyền mà CSVN học hỏi từ sư phụ Đặng Tiều Bình và các đàn anh Trung Cộng. Kỹ thuật nắm quyền đó là độc đảng cai trị và luân phiên cai trị.
Độc đảng cai trị là giúp cho “phe ta” nắm quyền vĩnh viễn và không “chia sớt” cho bất cứ cá nhân hoặc phe nhóm nào khác về quyền “yêu nước” như mình. Luân phiên cai trị là thay phiên nắm quyền và thụ hưởng bổng lộc. Kẻ nắm quyền trước sẽ sắp đặt cho kẻ nắm quyền sau. Kẻ nắm quyền sau triệt để bảo vệ cho kẻ trước. Nguyên tắc tập thể lãnh đạo bao che nhau, tha hồ tham nhũng mà không bao giờ luật pháp có thể đụng đến.
Từ đó có thể kết luận rằng, nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là thiên đường trên hạ giới của các vua tham nhũng.
Sở dĩ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể trả lời như vậy vì ông ước mơ rằng thiên đường đó sẽ trường tồn thiên thu. Bán thêm cho TQ nhiều vùng biển, đất đai và hải đảo nữa của tổ tiên để lại hầu chia chác cho nhau. Không biết tiến trình dân chủ hóa tại Ma-Rốc ngày 1/7 vừa qua có khả năng đánh thức ông Trọng và các đồng chí của ông khỏi giấc miên trường vị kỷ này hay không?
Đà Giang
No comments:
Post a Comment