Đầu tuần này, một số báo chí và truyền thông VN ở hải ngoại đã phỏng vấn ông Lê Doãn Hợp, bộ trưởng Thông tin và Truyền thông của nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN. Ông Hợp sắp mãn nhiệm kỳ nên cung cách trả lời có hơi khác với mấy năm trước đây.
Ông Hợp cũng là nguồn phát khởi ra sự phân biệt giữa hai xu hướng viết lách tại VN. Một bên là "báo chí lề phải", tức báo chí nhà nước, và bên kia là "lề trái", tức những bài viết về các vấn đề mà chế độ cộng sản liệt vào hạng "nhạy cảm", có tính cách chống phá đảng và nhà nước.
Nhưng trong cuộc phỏng vấn nói trên, ông Hợp nói rằng người ta đã hiểu sai ý ông khi ông đưa ra ví von về luật đi đường để nhắn nhủ giới báo chí phải viết lách cho đúng theo luật lệ của nhà nước. Một lần nữa, người ta lại thấy rõ thêm là đảng cộng sản VN dùng người không đúng chỗ, hay không có người để đặt đúng chỗ.
Lý do là làm bộ trưởng thông tin và truyền thông, nhưng ông Lê Doãn Hợp dường như không biết rõ về định nghĩa và chức năng truyền thông. Không ai phủ nhận rằng, cũng như mọi ngành nghề khác, các hoạt động truyền thông đều phải tuân thủ theo luật pháp. Chẳng hạn như muốn ra báo thì phải xin phép, muốn phát thanh phát hình thì phải thuê làn sóng, và không được xúi giục bạo loạn hay có nội dung xâm phạm đến thuần phong mỹ tục của xã hội.
Ngoài những qui định đó, các xã hội dân sự không hề có vùng cấm hay nhạy cảm nào. Họ có quyền lục lọi đời tư của các ông thủ tướng hay bộ trưởng vì những người này đang là nhân vật của quần chúng. Chẳng những thế, một số quốc gia còn có đạo luật Tự do Thông tin, cho phép các cơ quan truyền thông được quyền yêu cầu các cơ quan chính phủ phải cung cấp mọi tài liệu, mọi biên bản liên quan đến các viên chức hay công ty quốc doanh để họ phổ biến cho dân chúng biết.
Nhưng trên hết là vấn đề đánh giá đúng sai, trung thực hay gian dối, là tùy thuộc nơi dư luận. Viết đúng thì có nhiều độc giả, kéo theo lượng quảng cáo sẽ gia tăng. Viết dở thì sẽ ế ầm, phải đóng cửa, dù đó là báo của chính phủ, chứ không phải như Thành ủy Sài Gòn vừa ra quyết định trích ngân quỹ mua hai tờ Nhân dân và Sài Gòn Giải Phóng của đảng, và phân phối về phường khóm để buộc người dân phải đọc.
Cũng trong cuộc phỏng vấn trên, ông Hợp còn cho biết là VN chưa thể có báo chí tư nhân vì chưa có điều luật nào cho phép điều đó. Chỉ câu nói này đã đủ chứng minh là VN không hề có tự do báo chí như đảng cộng sản ra rả biện hộ suốt mấy năm qua, đặc biệt là trong cái ngày gọi là kỷ niệm Báo chí Cách mạng 21/6 vừa qua.
Kinh dị hơn nữa, để biện hộ cho việc chưa có điều luật cho phép có báo chí tư nhân, ông Hợp nói rằng lực lượng nhà báo VN tuy có hơn 17 ngàn người nhưng "không có tính chuyên nghiệp cao" và "trình độ dân trí VN còn thấp".
Đúng là "miệng nhà quan có gang có thép". Chỉ vài tuần trước đây, trong hội nghị báo chí Á châu ở Hà Nội, bộ thông tin của ông Hợp khoe khoang là nền báo chí VN đã hiện đại hóa và đa dạng hóa không thua kém gì báo chí thế giới. Nhưng bây giờ thì thú nhận 17 ngàn phóng viên ký giả có tay nghề non kém mặc dù VN cũng có một số Đại học hay Cao đẳng về Báo chí, các ký giả khi hành nghề thì phải có thẻ bài do nhà nước cấp.
Nhưng điều đáng nói nhất là ông Hợp cho rằng trình độ dân trí VN còn thấp. Một dân tộc có tỷ lệ trên 90% người biết đọc biết viết, với hàng chục triệu sinh viên học sinh, mà trình độ dân trí vẫn còn thấp, thì quả là một điều sỉ nhục quá lớn của đất nước.
Như thế thì dân tộc VN đã quá sai lầm khi trao quyền lãnh đạo cho đảng cộng sản VN để điều hành đất nước. Hơn 60 năm cầm quyền mà dân trí VN vẫn còn thấp thì phải mất thêm bao nhiêu năm nữa mới có trình độ cao? Tại sao những quan chức cao cấp, từ Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng cho đến Lê Doãn Hợp, lại có những câu phát biểu vô cùng ngô nghê như thế?
Câu trả lời là vì họ được đào tạo từ trường đảng, từ học thuyết Mác – Lê, luôn xem mình là cái rốn của vũ trụ và người dân chỉ là những kẻ nô lệ của giai cấp cầm quyền.
Nhưng tội nghiệp nhất là 17 ngàn phóng viên của 700 tờ báo đảng. Họ đã cúc cung phục vụ cho chế độ mà vẫn bị xem là những người thiếu trình độ văn hóa!
No comments:
Post a Comment