Chính trường Úc Châu
Úc là một trong những nước văn minh hiện có đàn bà cai trị. Đây chẳng phải là một chuyện lạ, nhất là ở các nước dân chủ. Nước Đức chẳng hạn, có bà Angela Merkel làm thủ tướng. Cần nói thêm là bà Merkel xưa kia sống bên Đông Đức, từng có thời mang thẻ đảng viên đảng cộng sản. Thế nhưng một nước Đức thống nhất đã đặt vận mạng vào tay bà, bởi vì bà đã bỏ đảng cộng sản đằng sau lưng rồi.
Thủ tướng nước Úc hiện nay, bà Julia Gillard, cũng có hoàn cảnh xuất thân khá tương tự. Lúc xưa bà Gillard rất thiên tả. Lúc còn đi học, bà ủng hộ một đoàn thể theo chủ nghĩa cộng sản. Nhưng rồi thời thế đổi thay, bà cũng quay một góc 180 độ. Vào năm ngoái, đảng Lao Động cầm quyền dồn gánh nặng lên vai bà, khi ấy là phó thủ tướng để làm một cuộc cách mạng lịch sử, hất văng thủ tướng kiêm thủ lãnh đảng là ông Kevin Rudd, khi ông này mất đi sự tín nhiệm từ dân chúng.
Cái khó khăn đầu tiên của vị nữ thủ tướng đầu tiên của Úc, sau 26 vị thủ tướng thuộc nam giới đảm nhận vai trò này, khởi đầu từ đấy. Thế nhưng điều trớ trêu là, khi thay đổi người lãnh đạo với niềm tin là vận mệnh đảng sẽ lên, đảng Lao Động dưới tay bà Gillard lại như con diều giấy gặp cơn mưa.
Hai tháng sau ngày đảo chánh lật đổ ông Rudd, bà giải tán quốc hội để tổ chức tổng tuyển cử. Nhưng kết quả “dở khóc dở cười” là phe Lao Động cầm quyền lẫn phe liên minh đối lập Tự Do/Quốc Gia, không bên nào có đủ 76 ghế trong hạ viện 150 ghế để lập chính phủ. Với 72 ghế, bà Gillard cần có thêm 4 ghế, trong khi thủ lãnh đối lập Tony Abbott chỉ cần thêm 3 ghế vì phe ông có trong tay 73 ghế. Cuối cùng thì nhờ chiêu dụ được 4 ghế ứng viên độc lập, bà Gillard thành lập được chính phủ với đa số một ghế.
Nhưng từ ngày ấy cho đến nay, chính phủ Lao Động suốt một năm chỉ có xuống chứ không có lên. Mức ủng hộ của dân chúng đối với họ hiện chỉ còn 28%, mức thấp nhất trong lịch sử thăm dò dư luận của Úc. Và trong cuộc thăm dò dư luận mới nhất, người dân Úc cũng muốn vị thủ lãnh đối lập lên làm thủ tướng hơn là bà Gillard. Cứ theo những số liệu ủng hộ và chống đối này, thì người ta không nói tới chuyện “thua thắng” trong cuộc bầu cử tới nữa, mà cầm chắc là đảng Lao Động sẽ thất cử thê thảm trong kỳ tuyển cử tới.
Lý do chính yếu dẫn đến sự suy sụp của phe chính phủ, là người dân bình thường không còn hiểu nổi lập trường, hay nói đúng hơn, là cái “không-có-lập-trường” gì hết của bà thủ tướng. Thông thường trong những thể chế dân chủ, “ý dân là ý trời”. Thế nhưng, bà thủ tướng Úc thì bất chấp ai muốn gì, và cho rằng chỉ có bà là biết đất nước này cần những gì, và bà nhất định bắt buộc mọi người phải theo ý bà. Người ta thường nói là "anh hùng tạo thời thế" nhưng bà Gillard thì đang cho rằng mình là "anh thư tạo thời thế".
Nhưng với nền kinh tế Úc hiện hết sức phồn vinh, tỉ lệ thất nghiệp ở mức dưới 5 %, đồng Úc kim đang có hối xuất cao nhất kể từ 25 năm qua, thời thế bây giờ không phải là một thời thế tồi tệ mà phải cần một bậc anh thư trổ tài cứu giúp, huống hồ gì bà Julia Gillard tuy có tài nhưng chưa đạt tới mức “kinh bang tế thế”!
Bà Gillard nhất định đưa ra loại thuế than, thuế “tài nguyên quặng mỏ” để bắt các đại công ty đầu tư khai thác khoáng sản phải nộp thêm thuế. Chính phủ của bà cũng đang chạy đôn chạy đáo tìm cách tống khứ người xin tỵ nạn sang các nước khác, lập hệ thống truy cập internet có tốc độ nhanh trên khắp lục địa mênh mông này. Những chính sách này đang bị chỉ trích từ mọi giới trong xã hội, và càng ngày càng lộ rõ những yếu kém và xảo ngôn của phe cầm quyền.
Không phải là bà thủ tướng đang chê cử tri “ngu ngốc”, có điều là bây giờ đảng Lao Động không còn chính sách nào để thu hút những thành phần xã hội mà lâu nay vẫn bỏ phiếu cho họ. Đó là giới công nhân hay giới nhà nghèo. Nhưng bây giờ công nhân hầm mỏ của Úc lãnh lương hơn 100 ngàn Úc kim một năm, không thuộc vào giai cấp nghèo nữa. Họ cũng không còn lệ thuộc vào các nghiệp đoàn nữa như trước kia.
Cũng may là trong hoàn cảnh kinh tế khủng hoảng, hoặc sắp khủng hoảng trên toàn thế giới, nước Úc vẫn còn có “của ăn của để”, vẫn có thể đi mượn nợ về chi xài và vì vậy người dân tuy chán ghét nhưng vẫn nhẫn nhục chịu đựng, chờ hai năm tới đi bỏ phiếu hất cẳng chính phủ Lao Động.
Nói một cách tóm tắt, chính trường Úc hiện nay có vẻ tương tự như chính tình Việt Nam mặc dù hai thể chế ở hai đầu của thước đo dân chủ. Một đầu là dân chủ quá độ, và đầu kia thì độc tài tuyệt đối. Hai giới lãnh đạo đều giống nhau ở điểm là dùng những mỹ từ xảo ngôn để tự bốc thơm tài lãnh đạo của mình, để cố giữ ngôi vị cho mình, bất chấp nguyện vọng của người dân.
Nhưng ở Úc, người dân còn có cơ hội là được dùng lá phiếu để "dạy" cho giới cầm quyền một bài học về sự khinh thường sức mạnh của dân chúng. Trong khi ở Việt Nam, lá phiếu cử tri chỉ là để tô điểm cho chế độ chứ không có giá trị gì hết.
Và đó là cái khác nhau giữa nền dân chủ Úc và nền độc tài VN!
Đằng Phong Hầu
No comments:
Post a Comment