Tuesday, July 5, 2011

ÔNG LÊ ĐỨC THÚY VÀ PHÁP CHẾ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Bình Luận
 
Vừa bước vào đầu tài khóa 2011-2012 (tức đầu tháng 7 mỗi năm) báo chí Úc châu đã sôi sục vì tin tức liên quan đến các quan chức cấp cao tại Việt Nam, Mã Lai và Indonesia nhận tiền hối lộ lên đến 25 triệu Úc kim. Những nhân vật bị cáo buộc nhận tiền hối lộ là viên chức tại các quốc gia Á châu, nhưng các nhân vật đang bị truy tố trước luật pháp của Úc lại là những viên chức của 2 công ty Úc.

Theo tờ Sydney Morning Herald ngày 2/7/2011, các nhân vật Úc sau đây đang bị cảnh sát liên bang truy tố trước tòa:   -
  1. 1.Ông Myles Curtis cựu giám đốc điều hành công ty Securency
  2. 2.Ông John Leckenby cựu giám đốc điều hành công ty Note Printing Australia
  3. 3.Ông Mitchell Anderson cựu tổng ủy viên tài chánh của Securency
  4. 4.Ông Ron Marchant cựu tổng ủy viên tài chánh Note Printing Australia
  5. 5.Ông Barry Brady cựu quản đốc về thương vụ của Note Printing Australia
Và sẽ có thêm nhiều người khác bị truy tố trong tương lai. Dưới chế độ pháp trị Úc, mọi người đều được xem là vô tội trước khi bị tòa kết án. Cần phải xác định rõ rằng các nhân vật Úc nêu trên không bị cáo buộc là nhận tiền hối lộ. Họ chỉ bị cáo buộc là đã tham gia vào công tác hối lộ những nhân vật trọng yếu tại một vài quốc gia Á châu mà thôi.
Đối với Úc châu và các nước dân chủ khác trên thế giới thì chuyện này không có gì lạ. Nước Úc theo chế độ pháp trị. Pháp trị là một trong 3 yếu tính quan trọng và bất khả phân ly của nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên đang thịnh hành trên năm châu bốn bể.
Tuy nhiên vấn đề trở nên phức tạp hơn vì tại Việt Nam, hai cha con cựu Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Lê Đức Thúy và Lê Đức Minh lại bị cảnh sát Úc tình nghi là có nhận tiền hối lộ.
Theo nhật báo Sydney Morning Herald thì từ năm 1999 đến năm 2005, số tiền hối lộ đã lên đến 10 triệu Úc kim. Và người nhận là giám đốc tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Indonesia, ông Herman Joseph Susmanto, và 2 cha con ông Lê Đức Thúy.
Chính phủ Mã Lai cũng đã truy tố người tình nghi liên hệ là cựu phó thống đốc Ngân hàng Trung ương, ông Mohamed Daud Dol Moin và chính phủ Indonesia cũng đã chính thức mở cuộc điều tra về tai tiếng này. Nhưng nhà cầm quyền Việt Nam vẫn im hơi lặng tiếng, mặc dù chính quyền Úc đã chính thức yêu cầu mở cuộc điều tra.
Ở đây có lẽ cũng nên mở ngoặt để nói về chế độ pháp trị được giảng dạy công khai tại các học đường, đại học và được bình luận thường xuyên trong các phiên xử của các tòa án Úc Đại Lợi.
Một cách tóm lược, chế độ pháp trị có các yếu tố sau đây:
  1. 1.Sự độc lập tuyệt đối của ngành Tư pháp đối với Lập pháp và Hành pháp.
  2. 2.Sự bình đẳng tuyệt đối giữa các hữu thể pháp lý, dù hữu thể pháp lý ấy là một nguyên thủ quốc gia hay là một người cùng đinh trong xã hội.
  3. 3.Tính chí công vô tư của các nguyên tắc luật pháp.
  4. 4.Pháp trị thực sự chỉ hiện hữu trong một thể chế chính trị đa nguyên đa đảng.
Đó là lý do tại sao mà Lực lượng Dân tộc Cứu nguy Tổ quốc chủ trương xây dựng một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên cho một nước Việt Nam thời hậu cộng sản.
Cái khó khăn hiện nay là Việt Nam không theo chế độ pháp trị. Các đỉnh cao trí tuệ trong chính trị bộ CSVN và trong ban chấp hành trung ương đảng cho rằng, chế độ pháp trị tại các nước Tây phương quá kém, không xứng đáng với dân tộc Việt Nam đang sống dưới sự cai trị “anh minh” của đảng CSVN “vĩ đại anh hùng và Bác Hồ muôn vàn kính yêu”.
Theo họ thì chế độ luật pháp tại Việt Nam, tức Pháp chế Xã hội Chủ nghĩa, có tính ưu việt hơn chế độ pháp trị rất nhiều.
Càng khó khăn hơn nữa là các quan chức CSVN, từ Tổng bí thư, Tiến sĩ Chính trị học, đến các bậc khoa bảng khác trong đảng, chưa bao giờ hạ mình khai kim khẩu, giải thích với quốc dân thế nào là pháp chế xã hội chủ nghĩa cả.
Tuy nhiên từ thực trạng của VN, chúng ta có thể mường tượng các yếu tố của pháp chế xã hội chủ nghĩa như sau:
  1. 1.Hệ thống tòa án và công an là công cụ của đảng và vô cùng tham nhũng.
  2. 2.Không hề có sự bình đẳng giữa những hữu thể pháp lý. Ông Lê Đức Thúy từng là trợ lý cho Tổng bí thư Đỗ Muời, đến năm 2008 được thủ tướng NguyễnTấn Dũng bổ nhiệm làm chủ tịch ủy ban giám sát tài chánh quốc gia.
  3. 3.Việc trì hoãn cuộc điều tra ông Thúy và con trai ông có thể được diễn giải như giúp cho các nhân vật này có thời giờ tẩu tán tài sản hoặc hạ cánh an toàn. Điều này chứng tỏ pháp chế xã hội chủ nghĩa thiếu tính chí công vô tư.
Có thể kết luận rằng, pháp chế xã hội chủ nghĩa là một mỹ ngữ xảo từ, dùng để sơn son thiếp vàng cho một chế độ độc tài độc đảng. Sau 60 năm gọi là “tranh đấu quyết liệt diệt trừ tham nhũng” và qua hàng chục đại hội đảng, mỗi đại hội đều ca ngợi những thành công vượt bực của đảng ta, thành quả ngày hôm nay là sự ô nhục của chế độ, Việt Nam bị liệt vào danh sách những quốc gia tham nhũng nhất nhân loại.
Nếu chúng ta cứ để cho pháp chế xã hội chủ nghĩa và độc tài đảng trị tồn tại chừng một thập niên nữa tại Việt Nam, không biết tình trạng tham nhũng và nỗi quốc nhục của toàn dân sẽ đến mức độ nào.
Đà Giang
Ngày 3/7/2011

No comments:

Post a Comment