Monday, July 4, 2011

Những đứa trẻ mưu sinh trên đường phố Thủ đô

Chuyện Nước Non mình

Vào dịp hè, những đứa trẻ ở các vùng ngoại thành lân cận lại hối hả lên phố thị mưu sinh bằng đủ thứ nghề nhọc nhằn, vất vả, chỉ mong sao kiếm được những đồng tiền nho nhỏ để phụ giúp gia đình và chuẩn bị hành trang cho năm học mới…

Vào mùa này, các bến xe, nhà ga, vỉa hè, góc phố… ở Hà Nội đầy ắp những đứa trẻ từ 10 đến 15 tuổi, trong những bộ quần áo cũ kỹ bạc màu đi đánh giày, nhặt vỏ chai, bán vé số hay bán bánh, với tiếng rao ơi ới “Cô ơi mua cho cháu chiếc bánh!”, “Chú ơi mua giùm cháu tấm vé số!”. Trong lúc đói khát và rã rời chân tay nhưng các em vẫn bước đi với hy vọng bán thêm được miếng bánh hay vài tấm vé số.

Phần lớn các em là những đứa trẻ ở quê nghèo thuộc ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận, ráng kiếm vài đồng cho gia đình trong lúc nghỉ hè. Một trong những em đó là Nam, quê ở Ba Vì, chuyên đánh giày trên đường Huỳnh Thúc Kháng của Hà Nội. Nam mới học xong lớp 5, khuôn mặt lúc nào cũng buồn trên thân hình gầy ốm.

Nam mồ côi cả cha lẫn mẹ, ở với ông bà từ nhỏ. Ông bà lam lũ, chắt chiu từng đồng từ những vụ mùa để cho đứa cháu được đến trường nhưng cái nghèo quanh năm đeo đuổi họ. Khi lên lớp 3, Nam đã xém nghỉ học vì ông bà quá già, bệnh hoạn liên miên, nên không có tiền đóng học phí. Nhưng vì muốn được đi học, Nam đã đi theo mấy đứa trẻ lớn hơn trong làng lên Hà Nội đi đánh giày để kiếm tiền đi học.

Nam kể: “Mới đầu em chủ yếu đánh giày ở chợ Phùng Khoang - Hà Đông nhưng chỉ được vài đồng ít ỏi, có hôm chẳng được đồng nào. Từ sáng đến tối bụng, đói rã mà vẫn phải đi bộ cả chục cây số về nhà”. Nhưng mùa hè năm nay, Nam bắt đầu đánh giày trên đường Huỳnh Thúc Kháng của Hà Nội và mỗi ngày trung bình kiếm được 50 ngàn (tức khoảng 2 Mỹ kim). Khi nhắc đến chuyện học hành, Nam cất giọng buồn buồn: “Em muốn được đi học lắm! Nhưng không biết em có kiếm đủ tiền để lo cho ông bà không?”.

Ở bến xe Giát Bát, có cậu bé Quang, quê ở Thanh Hóa. Mùa hè năm nay Quang ra Hà Nội kiếm sống bằng nghề ve chai và bán vé số. Quang mới học hết lớp 7, vừa nghỉ hè là cậu lên tàu đi thẳng ra ga Giát Bát. Quang kể: “Mẹ em mất lâu rồi, bị cuốn trôi trong một trận lũ. Ngày ấy em còn nhỏ lắm may mà được ba cứu sống. Ba em đang làm xe ôm ở ngoài này, thỉnh thoảng mới về quê một lần”.

Mổi ngày Quang đi bán vé số và nhặt ve chai bằng đôi tay gầy ốm, từ sáng cho đến tận khuya mới về, lúc nào đói thì mua bánh mì ăn. Hai cha con thuê một căn phòng chật hẹp, chỉ vừa đủ kê một chiếc giường nhỏ bé. Đến 5 giờ sáng hôm sau, hai cha con lại bắt đầu một ngày nhọc nhằn để mưu sinh…

Tại thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm của Hà Nội có một cái xóm mệnh danh là "xóm ngô khoai". Đó là một khu xóm gồm những người dân nghèo đến từ huyện Mỹ Đức, rong ruổi buôn bán bằng những chiếc xe ba bánh tự chế để bán ngô khoai trên khắp các nẻo đường của thủ đô.

Cả xóm có khoảng một chục trẻ em phụ giúp công việc cho cha mẹ. Từ việc nổi lửa, cạo sắn, gọt khoai và kể cả đẩy xe đi rao hàng… chúng đều làm được. Từ khoảng 2, 3 giờ chiều đến khi nào bán hết hàng, các em mới trở về, đôi khi đến 1 giờ sáng.

Nhưng cho dù nhọc nhằn như vậy cũng chưa chắc là có lời. Một người trong xóm cho biết: “Một trái ngô chỉ lãi 1000 đồng, một cân khoai chỉ lãi 10 ngàn đồng. Một cái bánh sắn trừ tiền bơ, gạo, đường chỉ lãi khoảng 2000 đồng”. Nếu như thế thì bao nhiêu ngày bán hàng rong mới đủ học phí một tháng của các em?

Ở “xóm ngô khoai” này có một cậu bé có cái tên khá đẹp là Phạm Phát Đạt. Dù chỉ mới lên 4 nhưng cháu đã theo cha đi bán hàng, và trong ngày thì miệt mài gọt sắn khoai trong khi nhiều đứa trẻ khác ở lứa tuổi của cháu còn chưa biết cầm dao như thế nào. Nhưng ở xóm nghèo này, những đứa trẻ như thế đã hiểu thế nào là đời sống của kiếp nghèo và những cạm bẫy của xã hội.

Để kiếm được đồng tiền nơi vỉa hè hay góc phố Hà Nội, những đứa trẻ quê nghèo còn phải đối diện với biết bao nguy hiểm khác. Những đứa trẻ lần đầu lên Hà Nội đánh giày như Nam sẽ rất dễ bị những đàn anh đi trước dọa nạt hay tranh giành “lãnh địa”. Tệ hơn thế nữa chúng luôn luôn là những “con mồi” của những kẻ vô lương tri. Có lần đi đánh giày mệt quá, Nam ngủ quên trên vỉa hè. Đến lúc tỉnh dậy thì tiền bạc đã bị móc hết. Nhiều trẻ em khác thì bị trấn lột ngay giữa đêm khuya vắng!

Chưa kể là các tệ nạn xã hội rất dễ quyến rũ những đứa trẻ ngây thơ. Con đường mưu sinh của những đứa trẻ đó dằng dặc những ưu phiền, và không có gì để gọi là ổn định. Nhưng đằng sau những khát khao kiếm tiền cháy bỏng đó là một ước mơ đến tội nghiệp: "Em muốn được đi học. Em thèm được cắp sách đến trường".

Có ai không chảy nước mắt trước những câu nói đó không?

Một phóng viên trong nưóc

No comments:

Post a Comment