Saturday, July 16, 2011

Người mẹ bán bánh mì nuôi con vào Đại học

Chuyện Nước Non mình

Hơn mười năm bán bánh mì dạo ở Hà Nội, dù rất vất vả nhung một bà mẹ nghèo vẫn chắt chiu dành dụm để hai người con gái đạt được ước mơ vào đại học...

Ngồi bất động ở một góc đường Xuân Thủy của thành phố Hà Nội với vẻ mặt mệt mỏi trước dòng xe cộ qua lại đông như mắc cửi, người phụ nữ trạc năm mươi tuổi khiến người ta phải chú ý. Chị xách theo một đống túi xách lỉnh kỉnh bên người và ánh mắt cứ đăm đăm hướng về cổng trường Đại học Sư phạm.



Chị cho biết là đang chờ đứa con gái đang làm bài thi tuyển vào đại học đó. Chị nhất quyết không nói tên mình, nhưng giọng nói lại rất vui vẻ khi nhắc đến hai người con gái, một cháu đang theo học ngành du lịch ở Hà Nội tên Hằng, và cháu kia thì đang thi vào Đại học Sư phạm Hà Nội, tên là Phạm Thị Yến.

Chị tự hào nói: “Hai đứa con tôi học giỏi lắm. Đứa em noi gương chị. Đứa nào cũng ngoan”.

Thế nhưng khi kể về mình thì chị lại tỏ ra khá rụt rè: “Tôi lên Hà Nội được mười năm rồi. Đi làm thuê chứ có làm gì khác đâu. Trước kia thì tôi đi bán rau quả vặt vãnh, mấy năm nay chuyển sang bán bánh mì ở gần ga Hàng Cỏ”.

Chị cho biết quê chị ở huyện Lý Nhân thuộc tỉnh Hà Nam, xuất thân làm ruộng. Bắt chước nhiều người cùng quê, chị bỏ lên Hà Nội kiếm sống. Vì vốn liếng ít ỏi, lại không mồm miệng nhanh nhảu như người khác, chị đành chọn nghề đi bán bánh mì rong. Chị thật thà tâm sự: “Không có cái thúng bánh mì thì nhà tôi điêu đứng từ lâu rồi, ba đứa con chắc cũng chẳng được bằng chúng bạn, nói gì tới việc vào đại học!”.

Chồng chị lâm bệnh từ khi đứa con thứ hai vào trung học nên gánh nặng gia đình đều dồn lên vai chị. Chị phải gồng mình nuôi nguyên gia đình, thay cho người chồng bị bệnh.

Chị kể rằng, động lực lớn nhất khi ấy là ba đứa con, hai gái, một trai đều ngoan ngoãn, khỏe mạnh và đặc biệt là rất ham học. Trong khi nhiều người dân trong làng chỉ cho con học hết cấp hai, cấp ba là phải ở nhà phụ giúp cha mẹ làm đồng áng, thì chị nhất quyết muốn con mình được vào đại học để thoát khỏi đời sống nông dân, không còn phải cực khổ như cha như mẹ.

Chính vì thế mà chị xoay sở đủ mọi nghề, hết bán hàng rong, bán sắt vụn, thì đi bán bánh mì dạo để có đồng ra đồng vào và dành dụm cho con vào học đại học. Nhờ những tháng ngày vất vả tảo tần đó, đứa con gái đầu lòng của chị đã đặt chân được vào giảng đường và đang là sinh viên năm thứ hai tại Hà Nội.

Mười năm lên Hà Nội, cái khát khao muốn các con được vào đại học đã giúp cho chị vượt qua đựợc cảnh dầm mưa dãi nắng ở chốn thị thành. Năm nay, đến phiên đứa con gái thứ nhì của chị lên Hà Nội dự thi đại học, chị vừa mừng vừa vô cùng lo lắng.

Chị bảo: “Nhẽ ra tôi phải đưa cháu đi thi cơ. Nhưng con chị nó bảo tôi rằng, để nó đưa em đi thi, nó biết đường sá và có bạn bè giúp đỡ. Tuy mười năm nay tôi ở Hà Nội, nhưng cũng chỉ biết loanh quanh ở gần ga, chứ đường bên Cầu Giấy này thì tôi chịu. Đi xe buýt còn say lên say xuống nữa là. Nghe cháu nói thế thì tôi cũng bằng lòng. Tôi định cứ để hai chị em nó đưa nhau đi thi, thi xong thì ra chỗ tôi, mấy mẹ con đi ăn bữa cơm rồi cho cháu về quê. Nhưng mà nóng ruột quá, không chịu được!”.

Té ra, chỉ vì quá lo cho con nên mẻ hàng sáng nay chị cũng chẳng bán được bao nhiêu. Vừa bán xong đến trưa thì chị đón xe ra Cầu Giấy, chỉ mong được gặp các con sau buổi thi.

Chị nói: “Sáng nay tôi ngồi bán hàng mà lòng như lửa đốt. Càng nghĩ lại càng thương con vì sợ con buồn, con tủi. Có mẹ ở đây mà mẹ không ra với con thì không đành. Mình biết là có đến cũng không giúp được gì nhưng nhìn mặt con, ăn với nó một bữa cơm, đưa cho nó một chai nước uống cũng đỡ tủi”.

Vì không thông thạo đường sá nên vừa xuống bến xe buýt là chị ngồi bệt xuống ở một góc đường để chờ các con, không dám đi đâu theo đúng như lời dặn: “Mẹ chờ chúng con ở cạnh bến xe buýt cổng trường Sư phạm nhé”.

Chị lầm thầm khấn vái: “Cầu trời cầu phật cho cháu được thông minh, sáng láng, làm bài cho tốt. Nó đỗ đại học thì tôi cũng được mát mày mát mặt, chẳng còn mơ gì hơn!”.

Một điều nguyện ước rất nhỏ nhoi, nhưng là cả nỗi khát khao của một người mẹ nghèo VN....

No comments:

Post a Comment