Tuesday, July 12, 2011

Giáo dục VN: Nhìn từ vụ Tạ Thị Bích Ngọc

Chuyện Nước Non mình
Tình trạng bê bối trong ngành giáo dục VN là đến từ đâu? Chúng tôi xin gửi đến quý vị bài viết của bà Lê Hiền Đức, nêu điển hình một trường hợp lem nhem,
***
Giáo dục VN: Nhìn từ vụ Tạ Thị Bích Ngọc
Mười năm trở lại đây, trên các cơ quan truyền thông liên tục xuất hiện tin tức và bài viết về các vụ việc bê bối của những người mang danh thầy cô giáo. Nào là hiếp dâm, cưỡng dâm, mua dâm, môi giới bán dâm học sinh, nào là gạ tình, moi tiền, ăn bớt, ăn chặn tiền của học sinh nhỏ.
Nào là mắng chửi học sinh hàng chục phút ngay trên bục giảng bằng những lời lẽ thô tục hay đánh đập, hành hạ học sinh khi chúng làm sai. Nào là lộ đề, nghiện hút, lừa đảo, giết chóc, tham ô, nhũng nhiễu. Gần đây lại thêm cả những vụ dọa đuổi học, thậm chí đuổi học vĩnh viễn đối với các học sinh sinh viên thẳng thắn, công khai bày tỏ lòng yêu nước, thương nòi…
Là dân thường lại từng đi dạy học, tôi rất đau lòng và phẫn nộ khi đọc, khi nghe về các vụ việc ấy. Với triệu triệu người như tôi, ở tuổi thiếu niên thanh niên cắp sách tới trường, sau đó dắt con rồi dắt cháu tới trường, gửi thầy giáo, cô giáo chăm nom dạy dỗ, thử hỏi còn có việc nào đáng lo hơn, đáng quan tâm hơn là việc của nhà trường, của thầy cô giáo? Đó vừa là trách nhiệm lớn, vừa là quyền lợi thiết thân của chúng tôi. Chúng tôi phải chọn mặt gửi vàng chứ quyết không gửi trứng cho ác. Chúng tôi cũng chẳng dám trông chờ, ỷ lại vào ai, kể cả khi người ta đứng ra bảo chúng tôi hãy yên tâm, đã có người ta lo hộ.
Vì thế, đầu năm 2006, khi nhận được đơn của giáo viên, phụ huynh học sinh trường tiểu học công lập Nguyễn Khả Trạc (ở quận Cầu Giấy – thành phố Hà Nội) tố cáo hiệu trưởng kiêm bí thư chi bộ của trường là Tạ Thị Bích Ngọc bớt xén tiền ăn của hơn 400 trẻ con trong suốt 2 năm học, tôi đã lập tức tham gia đấu tranh.

Cuộc đấu tranh này mau chóng nhận được sự ủng hộ tận tình của một số phóng viên báo chí. Tới tháng 11năm 2006, thanh tra và chính quyền quận Cầu Giấy kết luận Tạ Thị Bích Ngọc đã để xảy ra nhiều sai phạm, trong đó có việc lập "quỹ đen" bằng cách bớt khẩu phần ăn hằng ngày của các cháu bé. Số tiền ăn uống theo tiêu chuẩn một ngày của hơn 400 cháu là 2 triệu 2 trăm đồng, nhưng Ngọc ra lệnh cắt xén bớt hơn 500 ngàn đồng. Phó chủ tịch quận Cầu Giấy thừa nhận là Ngọc có nhiều thiếu sót về quản lý và điều hành, bị các giáo viên tố cáo là sau khi nhận chức đã thắp hương cúng bái tại trường đủ 100 ngày, và còn bắt cán bộ, giáo viên phải làm cỗ mang tới trường cúng bái vào các dịp lễ tết…
Nhiều tờ báo tường thuật toàn bộ sự việc ấy, vậy mà Ngọc vẫn ung dung tại vị. Khi bị chúng tôi phát giác là không hề đi học mà vẫn có bằng thạc sĩ, Ngọc trắng trợn tuyên bố với các giáo viên: "Ai thích kiện tôi ở đâu, tôi chỉ đường cho mà đi kiện, bởi vì sau lưng tôi là cả một hậu phương vững chắc".

"Hậu phương" ấy vững chắc thật bởi Ngọc vẫn giữ được cái ghế hiệu trưởng kiêm bí thư chi bộ cộng sản của trường Nguyễn Khả Trạc. Phải đến cuối năm 2009, sau khi ủy ban chống tham nhũng Hà Nội nhập cuộc, khám phá ra là ngoài 49 triệu đồng bị phát giác trước đây, Ngọc còn bỏ túi thêm 18 triệu nữa của học sinh thì Ngọc mới phải rời cái ghế này. Nhưng lạ thay, Ngọc không hề bị kỷ luật gì về đảng hay chính quyền mà còn được điều sang trường tiểu học công lập Nam Trung Yên làm hiệu trưởng kiêm bí thư chi bộ cộng sản. Khi tôi thắc mắc thì một vị lãnh đạo quận Cầu Giấy giải thích: "Đó là Xi-bê-ri của quận Cầu Giấy rồi!".
Xưa kia vì hoạt động cách mạng, Lê-nin và vợ từng bị Nga hoàng đày đi tận Tây Bá Lợi Á. Nay vì tham ô công quỹ, ăn chặn, ăn bớt tiền của các cháu học sinh tiểu học, Ngọc bị quận Cầu Giấy đày đi Tây Bá Lợi Á của quận. Vị nào muốn biết nơi đó "xa xôi" và "cơ cực" thế nào, thì xin hãy tới xem. Cũng chẳng khó tìm vì nó nằm sát tòa nhà KeangNam cao nhất, đẹp nhất Việt Nam. Và nó cũng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn hẳn trường tiểu học công lập Nguyễn Khả Trạc.
Chuyện chưa hết. Về trường này, Ngọc lại tiếp tục tổ chức bòn rút tiền bạc do cha mẹ học sinh đóng góp và bị họ làm đơn tố cáo. Khi nhận được những lá đơn này, tôi kinh hoàng thốt lên: "Con rắn độc đã bò từ trường Nguyễn Khả Trạc sang trường Nam Trung Yên".
Chúng tôi đã kiên trì đấu tranh suốt hơn 5 năm qua, đã đưa ra rất nhiều bằng chứng cụ thể, xác thực nhưng với các kết luận tiền hậu bất nhất của một số cơ quan hữu trách, nội vụ đang có chiều hướng "chìm xuồng". Đau lòng càng thêm đau lòng, phẫn nộ càng thêm phẫn nộ!
Tôi đi học từ thời Pháp thuộc, không hề thấy có thầy cô giáo nào như Ngọc. Năm 1954 về tiếp quản thủ đô, sau đó cùng dạy học trong hơn 30 năm với rất nhiều thầy cô giáo, cả loại "lưu dung" lẫn loại do kháng chiến đào tạo, tôi cũng không chưa thấy có thầy cô giáo nào như Ngọc.
Nói đất nước đang "ngày càng đổi mới, phát triển, quá độ lên chủ nghĩa xã hội, giáo dục đang ngày càng cải cách, năm nào cũng tiến một bước" mà sao cái ngữ ấy nảy nòi ra mãi thế? Liệu chúng có phải là sản phẩm của  đổi mới, phát triển, quá độ lên chủ nghĩa xã hội, của cải cách giáo dục hay không?
Nhưng dù chúng là sản phẩm của ai, của cái gì, dù "hậu phương" của chúng vững chắc đến đâu, triệu triệu dân thường như chúng tôi cũng vì lợi ích trăm năm trồng người, vì các thế hệ cháu con mà diệt trừ chúng cho bằng được. Đương nhiên chúng tôi phải diệt trừ cả "hậu phương" của chúng, gốc rễ đã sinh ra chúng.
Vì lợi ích thiết thực của chúng tôi, chúng tôi không thể không làm!
Lê Hiền Đức

No comments:

Post a Comment