Wednesday, December 19, 2018

Cảm động tấm lòng nhân hậu của ngững người bị cầm tù ở Đồng Nai vì biểu tình yêu nước

Chuyện Nước Non Mình

“Miếng khi đói bằng gói khi no” là câu nói an ủi khuyến khích nhau trong lúc hoạn nạn, sa cơ, thất thế nhưng hoàn cảnh bị bỏ tù rồi cùng nhau chia xẻ nỗi khổ vì yêu nước là hành động vô giá, là tấm lòng nhân ái vô biên của con dân VN hiện nay. Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: “Cảm động tấm lòng nhân hậu của ngững người bị cầm tù ở Đồng Nai vì biểu tình yêu nước” của Lao Động Việt sẽ được Quê Hương trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay

Mỗi tháng 2 lần, phụ huynh của những người yêu nước đang bị công an tỉnh Đồng Nai giam cầm lại chăm chút nấu từng món ăn để vào trại giam thăm con mình. Những món ăn dù không cao sang, thậm chí phải làm cho mất ngon để con mình có thể nhận được (bởi nếu đồ ăn ngon sẽ bị cai tù lấy mất), nhưng nó chứa đựng đầy tình yêu thương lẫn sự đau xót của các vị phụ huynh.

Phóng viên Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do may mắn chứng kiến được những câu chuyện đầy cảm động từ tấm lòng cao đẹp của những người đã hy sinh lợi ích của bản thân vì đất nước.
Cầm bịch đồ ăn trên tay, mẹ công nhân Hồ Công Di rơi nước mắt kể, lần nào cô cũng phải bới gấp đôi đồ ăn để Di nó cho bạn tù. Mấy tháng trước gặp mẹ, Di nói, người bạn tù của mình rất tội nghiệp, không có ai thăm nuôi, vì vậy Di dặn mẹ mỗi lần tiếp tế đồ ăn cho mình thì hãy cho thêm một suất nữa để tặng cho người bạn “bất đắc dĩ” của mình. Thương con, thương tấm lòng của con nên lần nào mẹ Di cũng cố gắng mang nhiều đồ ăn hơn để cho con và bạn.
Và lần nào hai mẹ con gặp nhau cũng khóc. Họ khóc vì quá thương, chứ không phải vì sợ hãi. Di- từ một cậu học trò thư sinh đậu hai trường Đại học, cao đẳng nhưng vì nhà nghèo đã phải chọn con đường đi làm công nhân thay vì đi học. Di là lao động chính trong gia đình, nuôi 2 đứa em và một đứa cháu ăn học. Còn cha, mẹ Di vì bị tai nạn giao thông nên sức khoẻ bị suy giảm, mẹ Di bị di chứng của chấn thương sọ não, còn cha thì bị mất 55% sức khoẻ sau khi bị dập gan, lách…
Gánh nặng gia đình đã đè lên đôi vai Di nhưng không vì thế mà Di quên đi trách nhiệm của một công dân với tổ quốc. Di bị bắt, phạt 10 tháng tù giam vì biểu tình ôn hoà phản đối luật đặc khu. Ở trong tù, Di không hối hận về việc của mình đã làm, mà Di chỉ lo lắng không biết cha mẹ mình phải bươn chải như thế nào để lo cho cuộc sống…
Bà Tô Thị Lẹ, mẹ của công Nhân Phạm Như Huỳnh phải nuôi đứa cháu nhỏ thay con trong lúc con đang chịu án tù vì yêu nước. Không việc làm, phải ở trọ nhưng bà Lẹ chưa từng kể về khó khăn của mình. Bà mong mọi người giúp đỡ cho em Đinh Kha Ly- một bạn tù của con mình. Ly cũng chịu 10 tháng tù giam vì biểu tình phản đối luật Đặc khu. Từ lúc bị giam giữ đến nay, 2 lần ra toà Ly không có bất kì một người thân nào đến thăm và tham dự.
Sợ Ly không có đồ mặc, bà Lẹ đã phải nhờ người phá khoá phòng trọ lấy quần áo của Ly để gửi vào tù cho Ly mặc. Sợ Ly không có đồ ăn, bà vay 200 ngàn đồng để gửi vào cho Ly.
Chị Nhung, mẹ của chàng “hot boy” Đinh Nhã Phong kể, trước khi bị bắt và chịu tù giam, Phong có công việc ổn định với thu nhập gần 30 triệu đồng/tháng. Phong nhanh nhẹn, cao đẹp, tốt bụng, yêu nước và rất hiếu thảo. Ở Phong có rất nhiều ưu điểm mà bất kì ai cũng nhận ra khi quen biết Phong. Ngày đi biểu tình, thể hiện lòng yêu nước, Phong đã bị đánh đến ngất xỉu, vết thương trên mặt cả tháng sau vẫn còn hiện hữu. Nhưng ở phiên toà phúc thẩm, Phong vẫn dõng dạc nói mình vô tội, vì những việc Phong làm chỉ vì yêu nước.
Mẹ Phong, một người phụ nữ can trường và yêu nước tâm sự, trước đây chị đã động viên con đi bộ đội để góp công sức cho đất nước. Nhưng bây giờ, đất nước đang dần rơi vào tay giặc, chị đã xúc động nghe con nói “mẹ hãy ở nhà, để con đi, mẹ đã hy sinh nhiều rồi, con chưa báo hiếu được cho mẹ…”. Với Phong, báo hiếu mẹ không chỉ là chăm sóc mẹ, mà còn là phụng sự, bảo vệ tổ quốc.
Và rất nhiều câu chuyện cảm động đầy tốt đẹp khác ở những người yêu nước bị cầm tù ở Đồng Nai. Họ không chỉ yêu nước, mà họ còn bao dung, thương yêu nhau với tấm lòng nhường nhịn nhau. Chị Nhung, chị Vui… và những người khác, khi phóng viên đề nghị tìm nguồn giúp đỡ nhưng họ nói rằng “tụi chị không giàu, cũng chạy ăn ba bữa nhưng hãy giúp những người khó khăn hơn tụi chị đi. Trong đây vẫn có những người khổ hơn tụi chị…”.
Những người yêu nước ở Đồng Nai, họ không chỉ có tấm lòng yêu nước, mà còn đầy nhân ái… Họ chính là tài nguyên vô giá của quốc gia.
Lao Động Việt.

No comments:

Post a Comment