Friday, September 9, 2016

Tiên Trách Đảng, Hậu Trách Dân


Theo tin giới truyền thông thì hôm 18-8-2016 vừa qua, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm của tỉnh Yên Bái tên Đỗ Cường Minh đã tự sát sau khi xông vào phòng của Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường và phòng ông Ngô Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân kiêm Trưởng ban Tổ chức tỉnh ủy Yên Bái, nổ súng bắn nhiều phát giết chết cả hai lãnh đạo cao cấp của đảng và chính quyền tỉnh Yên Bái.

Đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng khiến đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lập tức có mặt tại Yên Bái ngay trong ngày xảy ra vụ thảm sát. Ông nói vụ nổ súng “có tính chất nghiêm trọng từ trước tới nay” và yêu cầu Bộ Công an phải tức tốc điều tra và đưa ra kết luận về vụ nổ súng này. Trong khi Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái, lúc vừa xảy ra vụ việc đã vội vã cho báo giới biết công an sẽ không khởi tố vụ án vì thủ phạm Đỗ Cường Minh đã chết, nhưng nay lại tuyên bố sẽ khởi tố vụ án. Không rõ vì sao có sự đổi ý này.
Phản ứng của công luận sau vụ thảm sát này bị truyền thông nhà nước Việt Nam kết án là “vô lương” vì đã “hả hê” trước cái chết của các quan chức lãnh đạo hàng đầu của đảng và chính quyền tại Yên Bái. Sự lên án này chắc là thể hiện quan điểm của đảng và chính quyền CSVN.
Thế nhưng, theo nhận định của chúng tôi, đúng ra đảng và chính quyền CSVN phải “Tiên trách đảng, hậu trách dân”; và khôn ngoan hơn là nên giữ im lặng.
“Tiên trách đảng” là đảng CSVN hãy tự kiểm điểm để hiểu vì sao nhân dân lại “phản cảm” đến như thế trước cái chết thảm của hai lãnh đạo đảng và chính quyền cao nhất tại địa phương. Phải tự nhìn lại mình để thấy rằng, đây là hệ quả tất nhiên của những chủ trương, chính sách cai trị của đảng CSVN đã tác hại và làm mất niềm tin, tình cảm của mọi tầng lớp nhân dân như thế nào, để giờ đây mọi tai họa xảy đến cho đảng lại trở thành nỗi vui như “mở cờ trong bụng” của nhân dân. Vì đây chính là sự tích lũy những bất mãn và ngày càng làm xấu đi mối quan hệ khởi đầu tốt đẹp của thời kỳ “Đảng ta” còn nằm gai nếm mật đấu tranh giành chính quyền, phải dựa vào sức người, sức của nhân dân. Nhưng sau khi nắm được chính quyền, “Đảng ta” đã quay lưng lại với dân, lộ nguyên hình là một tập đoàn thống trị mới, khởi đi từ sự áp đặt trên cả nước cái gọi là “Chế độ xã hội chủ nghĩa” trái với ý nguyện của nhân dân, với các cán bộ đảng viên CSVN là “giai cấp thống trị mới” nắm độc quyền cai trị sắt máu trong một chế độ độc tài toàn trị cộng sản.
Nhưng cũng chính nhờ Hoa Kỳ trở lại Việt Nam sau 20 năm chấm dứt cuộc nội chiến Quốc-Cộng (1975-1995) đã cứu nguy chế độ và tạo cơ hội thuận lợi cho đảng CSVN tồn tại nhờ thực hiện chính sách “Mở cửa”, với nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa nhưng được gọi là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Chính trong môi trường kinh tế thị trường này, các cán bộ đảng viên đã được tư sản hóa và một số có chức, có quyền đã trở nên giàu có nhanh chóng nhờ tham nhũng, cửa quyền, móc ngoặc, đầu tư trá hình…và trở thành những nhà tư bản Đỏ. Từ thực tế này đã hình thành các phe nhóm lợi ích trong nội bộ đảng CSVN, dẫn đến tranh chấp nội bộ trong cơ chế đảng và bộ máy nhà nước. Đảng CSVN trở thành đấu trường tranh dành, đoạt lợi cho cá nhân và phe nhóm lợi ích. Chính cơ cấu tổ chức và nhân sự lãnh đạo đảng và chính quyền CSVN đã đẻ ra hệ thống tham nhũng để nuôi sống chế độ độc tài đảng trị hiện nay, nên chủ trương chống và diệt tham nhũng cũng chỉ là chiêu bài lừa mị nhân dân mà thôi!
Vụ thảm sát ở Yên Bái chỉ là một trong nhiều vụ việc tương tự đã hoặc sẽ xảy ra trong tương lai ở mức độ khác nhau, dưới hình thức này hay hình thức khác.
Ngay sau cuộc thảm sát, có lẽ vì không muốn “bức giây động rừng” hậu quả không tốt cho hàng ngũ tham quan trong tỉnh và ảnh hưởng đến uy tín lãnh đạo của đảng, nên người đứng đầu ngành công an địa phương đã vội tuyên bố “sẽ không khởi tố vụ án do thủ phạm Đỗ Cường Minh đã chết…”. Nhưng sau đó, dường như thấy không thể lấy vải thưa che mắt công luận nên giám đốc Công an tỉnh Yên Bái đã nói lại “sẽ khởi vụ án”.
Như vậy thực chất của vụ thảm sát ở Yên Bái chỉ là sự thanh toán nội bộ giữa các cá nhân thuộc các nhóm lợi ích khác nhau trong nội bộ đảng và chính quyền địa phương. Vì thế “đảng ta” không thể trách dân là “vô lương” vì đã “hả hê” trước cái chết của các quan chức lãnh đạo hàng đầu của đảng và chính quyền tại Yên Bái. Có điều, có thể vì “giận mất khôn” chăng, mà đảng và chính quyền đã để cho báo chí nhà nước công bố “phản cảm tiêu cực” này của nhân nhân đối với đảng. Vì làm như thế sẽ có tác dụng phản tuyên truyền, bất lợi cho đảng khi tự ghi nhận và xác định trước công luận quả thực có mối quan hệ tình cảm không tốt đẹp ngày gia tăng cường độ giữa đảng và nước CSVN với nhân dân, đến độ trở thành “mâu thuẫn đối kháng”.Chúng tôi thiết nghĩ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cần kiểm điểm rút kinh nghiệm với Ban Tuyên giáo Trung ương để sau này chỉ đạo các cơ quan tuyên truyền quản lý chặt chẽ hơn nữa hệ thống báo chí nhà nước, tránh đưa ra những phê phán công luận gây phản tác dụng như thế.
Thiện Ý

No comments:

Post a Comment