Kính thưa quý thính giả,
Vào nửa thế kỷ 19, một người có tấm lòng yêu nước sống một đời trong sạch, theo tiếng gọi của non sông, chiến đấu đến cùng và đã hy sinh trong trận chiến chống thực dân Pháp.
Trong tiết mục “Danh nhân nước Việt” tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Đốc binh Lê Công Kiều” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay
Vì nước, quên mình bởi chữ trung,
Thương dân, chi sá chốn sình bùn,
Mấy năm Đồng Tháp, danh vang dội,
Cọp rống ngoài truông, cáo hãi hùng,
Hai thước, im lìm nơi thạch động,
Đồng bào tưởng nhớ, đứng thờ chung,
Nỗi lòng nghỉ đến nhiều năm trước,
Hương lửa đều không, cảnh lạnh lùng.
Đó là bài thơ 8 câu của dân gian ca ngợi Đốc binh Kiều.
Đốc binh Kiều thuở nhỏ tên Nguyễn Tấn Kiều, sau đổi thành Lê Công Kiều. Ông là Phó tướng của Võ Duy Dương (tức Thiên Hộ Dương) trong cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp ở Đồng Tháp Mười.
Tương truyền, Đốc binh Kiều là người miền Trung di cư vào Nam lập nghiệp ở huyện Kiến Đăng, tỉnh Định Tường.
-Năm 1859, sau khi thành Gia Định thất thủ, ông đến Gia Định đầu quân và nhờ giỏi võ trở thành thủ lãnh.
-Năm 1861, đồn Kỳ Hòa bị giặc Pháp san bằng, ông không theo quân triều đình rút về Biên Hòa, mà dẫn quân lập căn cứ ở Sầm Giang, Long Hưng tiếp tục chiến đấu.
Khi được tin Trương Định lập căn cứ Tân Hòa (Gò Công), Thiên Hộ Dương lập căn cứ ở Bình Cách, Mỹ Quý, ông đem quân về với Thiên Hộ Dương, được phong chức Đốc Binh.
Trong suốt thời kỳ chiến đấu ở Ba Giồng, không những lập được nhiều chiến công, mà còn lo tổ chức, tuyển mộ và huy động binh lương, nên ông được thăng cấp Phó tướng.
Ngày 20/4/1863, sau 2 cuộc tấn công của quân Pháp vào tháng 11/1862, Pháp lại tấn công thêm một lần nữa. Lần này, nghĩa quân bị đánh bật ra khỏi Bình Cách, phải rút về Xoài Tư, (một trong 3 cửa ngõ vào Đồng Tháp Mười) nên Thiên hộ Dương phân công:
-Thủ khoa Huân đi các tỉnh miền Tây vận động tài chánh để mua võ khí.
-Thiên hộ Dương hành quân lưu động, hô hào để kích động lòng yêu nước và chiêu mộ thêm nghĩa quân.
-Lê Công Kiều vào Đồng Tháp Mười tìm nơi lập căn cứ, chuẩn bị kháng chiến lâu dài.
Nơi vùng đầm lầy, Đốc binh Kiều huy động dân quân xây 3 đồn chính bằng đất có hào và tre bao bọc, án ngữ 3 con đường dẫn vào Đồng Tháp Mười. Đó là Đồn Tiền (trên đường đi Cái Nứa), Đồn Tả (trên đường đi Mộc Hóa) và Đồn Hữu (trên đường đi Cần Lố) và ông đặt đại bản doanh tại Đồn Trung (Gò Tháp).
-Tháng 7 năm 1864, Thủ Khoa Huân bị Tổng đốc An Giang là Phan Khắc Thận bắt giao cho Pháp, và ngày 20/8/1864, Trương Công Định bị Huỳnh Công Tấn phản bội điềm chỉ nên hy sinh ở Gò Công.
Trước những mất mát to lớn này, Thiên hộ Dương quyết định rút vào Đồng Tháp Mười, nơi đây trở thành trung tâm kháng chiến vào cuối năm 1864 đến năm 1866.
Theo sự phân công của chủ tướng, Đốc binh Kiều chỉ huy Đồn Tả, chịu trách nhiệm phòng thủ mặt Xáng Xéo, Rạch Ruộng, để chận quân Pháp từ Cai Lậy, Cái Bè tiến vào.
Nơi đây, có vài lần ông kéo quân ra đánh Cai Lậy và nhiều nơi khác, gây nhiều thiệt hại nặng cho quân Pháp bằng lối đánh du kích. Nhờ địa thế có nhiều đầm lầy, tràm đưng, cùng vô số muỗi, đỉa .v.v. ông nghĩ ra nhiều cách đánh mang lại hiệu quả như: thả ong độc, rắn độc, lợi dụng cỏ khô trên đồng mà dùng hỏa công, gài chông, đặt bẫy.
Trong cuộc tấn công Gò Tháp vào tháng 4 năm 1866, quân Pháp đã cùng các cộng sự là Trần Bá Lộc, Huỳnh Công Tấn, Phạm Công Khanh dẫn đoàn quân đông đảo, đồng loạt tấn công cả 3 đồn, mở đường tiến vào đại bản doanh. Thiên hộ Dương, Đốc binh Kiều cùng nghĩa quân chống trả quyết liệt, đẩy lui được nhiều đợt tiến công của giặc.
Không may, lúc lên đài quan sát, Đốc binh Kiều bị trúng đạn, được đưa về gò Giồng Dung điều trị, nhưng do vết thương quá nặng nên ông qua đời.
Khi Đốc binh Kiều từ trần, nghĩa quân mang thi thể ông về chôn cất tại đồn Trung ở Gò Tháp, đồng thời cũng làm vài ngôi mộ giả để nghi trang, tránh quân Pháp phá hủy.
Hiện nay, ở Gò Tháp có đền thờ ông và Thiên hộ Dương. Hàng năm, từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 11 âm lịch, dân chúng trong vùng đều tổ chức lễ tưởng niệm.
*****
Do công lao cống hiến cuộc đời cho đất nước, trước năm 1975, tại Sài Gòn và một số thành phố có những con đường mang tên Lê Công Kiều.
Đốc binh Lê Công Kiều “nằm xuống” là một mất mát lớn của nghĩa quân trong thời kháng chiến chống Pháp. Ông gục ngã vì mục tiêu giành độc lập cho nước nhà, tên ông đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc.
Đốc binh Kiều đã chứng minh cho thực dân Pháp thấy dân tộc Việt không nhu nhược và yếu hèn. Đây là niềm tự hào của người Việt hôm nay, khác với đảng CSVN luôn ra rả tự xưng là anh hùng, nhưng không dám lên tiếng phản đối hàng ngàn tàu bè của Tàu Cộng xâm nhập hải phận, phá hủy tàu thuyền và giết hại ngư dân Việt.
Rồi đây, người Việt trong nước sẽ phải sống cảnh lầm than trong thời Bắc Thuộc mới, nếu tuổi trẻ VN không noi gương sáng của các bậc tiền nhân để “vùng lên cứu nước”!
No comments:
Post a Comment