Saturday, June 29, 2024

Nghĩa sĩ Cao Thắng

Danh Nhân Nước Việt

Kính thưa quý thính giả,

Nhắc đến phong trào “Cần Vương” của vua Hàm Nghi hay nói đến cuộc khởi nghĩa “Hương Khê” của cụ Phan Đình Phùng, thì không thể không nhắc đến một vị anh hùng chống Pháp, được người Việt tôn vinh là nhân tài của đất nước.

Trong chuyên mục Danh nhân nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Nghĩa sĩ Cao Thắng” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.

Đơn đao, cắt đứt sầu kim cổ,

Trường kiếm, rạch toang máu đất trời!

Đó là 2 câu thơ của nghĩa binh “Hương Khê” đề cao người anh hùng Cao Thắng trong cuộc chiến chống thực dân Pháp.

Cao Thắng tên là Cao Tất Thắng, sinh năm 1864 tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình nông dân. Cao Thắng là người thông minh, lanh lẹ, học võ nhiều hơn văn.

Năm 10 tuổi, Cao Thắng đi theo Đội Lựu làm liên lạc viên cho nghĩa quân. Sau khi Đội Lựu mất, Cao Thắng phải lẩn trốn sự lùng bắt của Pháp. Trong lúc khốn khổ, Cao Thắng được Phan Đình Thuật (anh của Phan Đình Phùng) mang về nuôi nấng.

-Năm 1881, khi ông Thuật mất, Cao Thắng trở về Sơn Lễ làm ruộng.

-Năm 1884, Cao Thắng bị vu cáo giết vợ Quản Loan nên bị bắt giam tại trại tù Hà Tĩnh.

-Ngày 5/11/1885, thủ lãnh trong phong trào Cần vươngLê Ninh đưa quân tập kích trại giam, giết Bố chánh Lê Đại, bắt sống Án sát Trịnh Vân Bưu và giải thoát tất cả tù nhân, trong đó có Cao Thắng.

Trở lại quê nhà, Cao Thắng cùng Cao Nữu và Nguyễn Kiểu chiêu mộ được khoảng 60 nghĩa quân, tham gia cuộc khởi nghĩa Hương Khê do cụ Phan Đình Phùng lãnh đạo, Cao Thắng được phong làm Quản Cơ.

-Đầu năm 1887, khi phong trào suy yếu, cụ Phan giao quyền chỉ huy cho Cao Thắng để đi các tỉnh Sơn Tây, Hải Dương, Bắc Ninh tìm sự hỗ trợ và liên kết các lực lượng yêu nước.

Ở lại Hà Tĩnh, Cao Thắng lo tuyển mộ và huấn luyện, nên lực lượng nghĩa quân tăng lên khoảng 1000 người với 500 khẩu súng do ông chế tạo.

Mặt khác, ông xây dựng nhiều đồn lũy dựa lưng vào dãy núi Thiên Nhẫn và Giăng Màn. Nơi đây chỉ có một đường độc đạo nên quân Pháp khó tấn công. Vì vậy, các căn cứ này đứng vững cho đến ngày cuối cùng của cuộc khởi nghĩa.

-Cuối tháng 9 năm 1889, cụ Phan Đình Phùng từ Bắc Kỳ trở về Hà Tĩnh. Nhận thấy công việc tiến hành tốt đẹp, cụ Phan và ông mở rộng địa bàn hoạt động ra khắp 4 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình với mục đích ngăn chận con đường Pháp chuyển quân.

Đề cập đến việc Cao Thắng rèn đúc vũ khí, sử gia Phạm Văn Sơn viết:

Một khó khăn lớn nhất lúc bấy giờ đối với nghĩa quân là vấn đề vũ khí. Kinh nghiệm cho thấy gươm giáo, gậy gộc không chống nổi súng đồng, nên Cao Thắng nghĩ cách chế tạo súng đạn. Trong một trận giáp chiến, Cao Thắng tịch thu được 17 khẩu súng của quân Pháp, liền gom thợ rèn ở 2 làng Vân Chàng và Trung Lương theo khuôn mẫu mà chế tác. Sau mấy tháng, hoàn thành được 350 khẩu súng giống như súng Pháp năm 1874.

Mặc dù bận rộn điều hành việc chế tạo vũ khí, ông cũng đích thân chỉ huy nhiều trận đánh, đáng kể như:

-Đánh bại cuộc bố ráp của quân Pháp tại khu Hói Trùng và Ngàn Sâu vào tháng 8 năm 1892.

-Tấn công bắt sống Tuần phủ Đinh Nho Quang vào tháng 3 năm 1892, gây chấn động dư luận Hà Tĩnh.

Khi thấy nghĩa quân Hương Khê ngày càng lớn mạnh, Pháp một mặt gia tăng quân số bao vây, thu hẹp phạm vi hoạt động của nghĩa quân, mặt khác cắt đứt liên lạc giữa các đồn lũy và ngăn chận đường tiếp tế của dân chúng trong vùng.

-Tháng 11 năm 1893, để phá vòng vây và mở rộng địa bàn hoạt động theo lệnh của cụ Phan, ông cùng Cao Nữu, Nguyễn Niên dẫn gần 1000 quân từ Ngàn Trươi mở trận tấn công lớn vào tỉnh Nghệ An. Trong trận tấn công đồn Nu, ông bị trúng đạn, hy sinh lúc vừa 29 tuổi, được đưa về chôn cất tại núi Vụ Quang.

Sau khi ông mất, nghĩa quân Hương Khê thắng một trận lớn ở Vụ Quang vào tháng 10 năm 1894.

-Ngày 28/12/1895, thủ lãnh Phan Đình Phùng cũng bị tử thương trong một trận kịch chiến.

-Đầu năm 1896, cuộc khởi nghĩa Hương Khê được xem như kết thúc.

Hiện nay ở huyện Hương KhêHương Sơn, đều có đền thờ anh hùng Cao Thắng. Nhiều con đường và trường học mang tên ông. Đặc biệt, trường kỹ thuật Cao Thắng là một ngôi trường lớn, nổi tiếng tại Sài Gòn, nơi đào tạo nhiều chuyên viên cho đất nước.

* * *

Nghĩa sĩ Cao Thắng là một trong số những thủ lãnh quân sự nổi tiếng nhất trong suốt 80 năm kháng chiến chống thực dân Pháp của người Việt. Chỉ với việc mô phỏng và chế tạo súng đạn để đánh Pháp, đủ chứng minh tài trí của ông vượt xa các võ tướng cùng thời.

Điều đáng tiếc là ông tử trận quá sớm, dẫn đến sự tàn lụi của nghĩa quân Hương Khê, sau hàng chục năm gây khốn đốn cho quân Pháp. Tuy vậy, sử Việt vẫn vinh danh ông là một anh hùng của đất nước. Ít nhất thì ông cũng vận dụng toàn bộ sức mạnh và thực lực của dân tộc để chống chọi với súng đạn tối tân của Pháp, chứ không phải đi vay mượn từ vũ khí, lương thực và quân của Nga - Tàu như đảng CSVN, dẫn đến thảm họa đỏ như hiện nay. 

 

 

 

No comments:

Post a Comment