Saturday, June 22, 2024

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng

Danh Nhân Nước Việt

Thưa quý thính giả,

Một nhạc sĩ tài hoa có sống đạm bạc, nặng tình với quê hương, được mọi người mến mộ trong nhiều thập niên. Với ông, 2 chữ Việt Nam là lời réo gọi chan chứa yêu thương, ông luôn tin tưởng và hy vọng quê hương sẽ có ngày tươi sáng.   

Trong tiết mục Danh nhân nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.

Cộng sản là Cộng Sản.

Không có việc Cộng Sản ngày hôm nay tốt hơn Cộng Sản ngày hôm qua.

Đó là lời khẳng định của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng.

Trầm Tử Thiêng tên thật là Nguyễn Văn Lợi, sinh ngày 1/10/1937 tại Đại Lộc, Quảng Nam.

-Năm 1958, tốt nghiệp trường Sư phạm Nam Việt và bắt đầu dạy học.

-Đến năm 1966, Nguyễn Văn Lợi gia nhập quân đội. Trong thời gian thụ huấn tại quân trường, ông sáng tác nhạc phẩm “Thao trường vang tiếng gọi” với bút hiệu Trầm Tử Thiêng. Nhờ ca khúc đầu này, ông được chọn về phục vụ tại Cục Tâm Lý Chiến, thuộc Tổng cục Chiến Tranh Chính Trị, Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Về sau, nhạc phẩm “Thao trường vang tiếng gọi” được đổi tên thành“Quân trường vang tiếng gọi”, đã vang lên khắp các quân trường, nó đã in dấu trong lòng Chiến sĩ Cộng Hòa, mãi đến nay vẫn còn đậm nét.

-Do sự kiện Cộng sản Bắc Việt chiếm thành nội Huế, giựt sập cầu Trường Tiền vào Tết Mậu Thân (năm 1968), ông viết ca khúc Chuyện một chiếc cầu đã gẫy và sau đó là Đưa em vào hạ, Hương ca vô tận, Bài vinh thăng cho một loài chim. Các nhạc phẩm này đã làm xúc động lòng người, đưa tên tuổi ông lên đỉnh cao trong làng âm nhạc.

-Đến năm 1970, với bút hiệu Anh Nam, ông cộng tác với nhạc sĩ Lê Thương, Hùng Lân, Xuân Điềm, Vĩnh Bảo .v.v. sáng tác nhiều bài “nhạc thiếu nhi” nói về lịch sử, văn hóa, xã hội để  giáo dục học sinh tiểu học toàn quốc.  

-Sau năm 1975, nhiều lần vượt biên không thành, ông bị vào tù.

-Năm 1985, ông ra tù và được nữ ca sĩ Thanh Thúy bảo lãnh sang định cư tại Little Sài Gòn, California, Hoa Kỳ. Ông làm cố vấn Ban chấp hành Hội Ký Giả Việt Nam Hải Ngoại 2 nhiệm kỳ (từ năm 1996 đến năm 2000).

-Cuối năm 1999, ông cùng các văn nghệ sĩ sáng lập Thư viện Việt Nam tại Little Sài Gòn.

Trong thời gian ở Hoa Kỳ, ông cộng tác với Mây Productions, Hollywood Night và Trung tâm Asia. Ông và nhạc sĩ Trúc Hồ sáng tác nhiều ca khúc theo thể loại đồng ca như: Bước chân VN, VN niềm nhớ, Một ngày VN, Cám ơn Anh .v.v. và những tình khúc: Cơn mưa hạ, Đã qua thời mong chờ, Tình đầu thời áo trắng, Bài tango cho người tình lỡ, Cơn mưa hạ, Bài tình ca mùa đông, Bảy ngàn đêm góp lại, Hành ca trên nông trường oan nghiệt, Tâm ca của người tù vượt biển, Du ca trên thành phố đỏ và nhạc phẩm Mười năm yêu em, Đêm nhớ về Sài Gòn do ông sáng tác được nhiều người biết đến.

-Ông từ trần vào lúc 8 giờ 15 sáng Thứ Ba, ngày 25/1/2000 tại bệnh viện Anaheim West Medical Center.

-Năm 2007, Trung tâm Asia đã thực hiện chương trình Asia 54 (Bước chân VN) để vinh danh ông.

*****

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng sống thời thơ ấu trong chiến tranh, trưởng thành trong cơn binh lửa, theo nhịp bước bình thường của người VN, khoát áo trận, nghiêng ngã vì vận nước và xót xa thân phận tù đày khi vượt biên. Ông quan niệm Cộng Sản là nguyên nhân gây ra đau khổ, nên trải lòng với nổi khổ đau của đồng bào. Nhìn lại toàn bộ nhạc phẩm của ông sẽ thấy, hình như ông sinh ra để viết lên những khúc tình ca làm ấm lòng mọi người.

Về phương diện chính trị ông có thái độ dứt khoát, bằng cách tách rời bằng hữu, nếu những người này có quan điểm thân cộng, hay mập mờ về VN ca hát kiếm ăn.

Xưa nay, có những triều đại huy hoàng - đồ sộ, rồi cũng không còn, không ai nhắc tới. Nhưng thể chế Cộng Hòa tuy đã mất tên, nhưng những con người có tinh thần phục vụ cho Quốc Gia vẫn sống mãi trong lòng dân tộc.

Mặc dù ông về cõi vĩnh hằng hơn 24 năm, nhưng cái tên Trầm Tử Thiêng vẫn sống trong tâm khảm của người Việt, đặc biệt là trong lòng các Chiến sĩ Cộng Hòa. Kính chào vĩnh biệt một nhạc sĩ tài hoa của nước Việt. 

No comments:

Post a Comment