Sau đây mời quí thính giả theo dõi bản tin tóm lược với Vân Hà & Nguyên Khải
1.CÁC CƠ QUAN NHÂN QUYỀN QUỐC TẾ TIẾP TỤC KÊU GỌI THÁI LAN TRẢ TỰ DO CHO ÔNG Y QUYNH BDAP
Hôm 19/6, có thêm 4 cơ quan nhân quyền là Diễn đàn Nhân quyền và Phát triển Châu Á (FORUM-ASIA), Liên minh xã hội dân sự toàn cầu (CIVICUS), Mạng lưới Dân chủ Châu Á (Asia Democracy Network) và Những Người Bảo vệ Tuyến đầu (Front Line Defenders), kêu gọi chính quyền Thái Lan trả tự do cho ông Y Quynh Bdap và không cho phép an ninh Việt Nam dẫn độ ông về nước.
Ông Y Quynh Bdap, người đồng sáng lập tổ chức Người Thượng Vì Công Lý (MSFJ), đấu tranh cho nhân quyền và quyền tự do tôn giáo của các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên. Năm 2018, ông và gia đình phải đào tị sang Thái Lan và đã được Văn phòng Cao ủy LHQ cấp quy chế tị nạn.
Ngày 10/6, ông được phỏng vấn định cư ở Đại Sứ quán Canada tại Thái Lan nhưng đã bị bắt vào ngày hôm sau 11/6.
Tháng 1 năm 2024, tòa án CSVN đã mở phiên xét xử vắng mặt và kết án ông 10 năm tù giam với cáo buộc “khủng bố”.
Tuyên bố chung của bốn tổ chức nhân quyền quốc tế nói trên khẳng định sự việc liên quan đến ông Bdap “nêu bật một xu hướng đàn áp xuyên quốc gia đáng lo ngại, trong đó các nhà hoạt động Việt Nam và những người bảo vệ nhân quyền đang tìm nơi ẩn náu ở Thái Lan phải chịu đựng sự giám sát có hệ thống, bạo lực thể xác và sách nhiễu tư pháp từ chính quyền Thái Lan.”
Ngoài các cơ quan nhân quyền quốc tế, một tổ chức nhân quyền của Thái Lan có tên Ủy ban Nhân quyền Quốc gia (NHRC) cũng bày tỏ lo ngại cho sự an toàn của ông Y Quynh Bdap và kêu gọi Chính phủ nước này dừng kế hoạch trục xuất nhà hoạt động người Việt Nam
2.TRỢ LÝ NGOẠI TRƯỞNG MỸ ĐẾN VIỆT NAM
Chỉ một ngày sau chuyến thăm của Tổng thống Nga Putin, trợ lý ngoại trưởng Mỹ Daniel J.Kritenbrink đã đến Hà Nội, mang theo các cam kết của Washington trong quan hệ với Việt Nam.
Ông Daniel J. Kritenbrink, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam và nay là Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, sẽ ở Hà Nội trong hai ngày 21 và 22-6. Dự kiến, ông Kritenbrink sẽ gặp các quan chức cấp cao Chính phủ Việt Nam “để nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ của Hoa Kỳ trong việc thực hiện Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam và hợp tác với Việt Nam để hỗ trợ một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Hai bên cũng sẽ thảo luận về các mục tiêu chung cho các hội nghị cấp bộ trưởng của ASEAN và đối tác vào tháng tới ở Lào.
Chuyến đi của ông Kritenbrink đã được lên kế hoạch “rất lâu trước” chuyến thăm Hà Nội của ông Putin.
Hồi tháng 2 vừa qua, ông Kritenbrink đã đến Singapore, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam và Brunei trong chuyến đi từ ngày 23-2 đến 4-3.
Được biết, lần này trợ lý ngoại trưởng Mỹ không kết hợp đi các nước khác, ngoại trừ Việt Nam.
3.HOA KỲ, ĐẠI HÀN VÀ NHẬT BẢN CHUẨN BỊ TẬP TRẬN
Một hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ, tàu Theodore Roosevelt, đã đến thành phố cảng Busan của Đại Hàn vào hôm qua (thứ bảy 22/6) để tham gia cuộc tập trận quân sự trong tháng này.
Cuộc tập trận mang tên "Freedom Edge," với sự tham gia của hải quân ba nước Hoa Kỳ, Đại Hàn và Nhật Bản, bao gồm các cuộc thao diễn tác chiến trên biển, chống tàu ngầm và tập trận phòng không.
Tàu Theodore Roosevelt sẽ đóng vai trò là tàu chỉ huy cho cuộc tập trận.
Chỉ huy Nhóm Tác chiến Hàng không Mẫu hạm Chín, ông Christopher Alexander nói trong một cuộc họp báo: “Mục đích là cải thiện khả năng vận hành tương liên giữa hải quân của chúng ta và bảo đảm rằng chúng ta sẵn sàng ứng phó bất kì cuộc khủng hoảng hoặc tình huống bất ngờ nào”.
Bảy tháng trước, một hàng không mẫu hạm khác của Mỹ, tàu Carl Vinson cũng đã đến Đại Hàn. Các cuộc tập trận của Đại Hàn với các nước đồng minh nhằm biểu thị sự đoàn kết trước sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc và các mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.
4.VẤN ĐỀ NỮ QUYỀN CẢN TRỞ AFGHANISTAN HỘI NHẬP VỚI THẾ GIỚI
Ngày 21/06/2024, bà Rosa Otunbayeva, lãnh đạo phái bộ Liên Hiệp Quốc về Afghanistan khẳng định, những hạn chế về quyền phụ nữ vẫn sẽ « cản trở » Afghanistan hội nhập trở lại với cộng đồng quốc tế. Cũng theo bà Otunbayeva, sự tham dự của chính phủ Taliban tại vòng đàm phán ở Doha, thủ đô Qatar không là sự « hợp pháp hóa ».
Khi lên nắm quyền vào năm 2021, ban đầu Taliban tuyên bố sẽ theo đuổi chính sách điều hành đất nước ôn hòa hơn, và hứa sẽ cho phép phụ nữ được học lên bậc đại học.
Nhưng thực tế sau đó, Taliban đã ra lệnh đóng cửa các trường trung học dành cho nữ sinh, cấm phụ nữ học đại học và làm việc cho các tổ chức phi chính phủ bao gồm của Liên Hợp Quốc. Thậm chí, phụ nữ bị hạn chế đi lại nếu như không có nam giới đi kèm, và cấm họ đến các địa điểm công cộng như công viên hay phòng tập thể dục.
Một trong những quy định hà khắc của Taliban, nữ bệnh nhân chỉ được các nữ y tá và nữ bác sĩ chăm sóc. Trong khi lệnh cấm phụ nữ học đại học đồng nghĩa với việc tất cả nữ sinh y khoa không thể hoàn thành việc học và tốt nghiệp. Điều này sẽ dẫn tới sự thiếu hụt các nữ bác sĩ, nữ hộ sinh, và nữ y tá trong tương lai.
No comments:
Post a Comment